Quảng cáo trong rạp phim: Rạp không có quyền 'ép' khán giả!

11/01/2018 - 07:59

PNO - Nhiều khán giả đã bị ‘ép’ xem quảng cáo trong rạp phim của CGV đến tận 30 phút. Không giống như truyền hình hay mạng internet, họ hoàn toàn bị động và không có lựa chọn khác.

Ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam đang được xem là một trong những thị trường đầy hứa hẹn của khu vực châu Á. Theo dự tính vào năm 2018 này, doanh thu từ ngành phim ảnh tại Việt Nam sẽ tăng lên con số 200 triệu USD, một con số không hề nhỏ. Trong đó, phần doanh thu này được chia làm 3 phần, bán vé, dịch vụ và quảng cáo. Nhưng không phải dịch vụ đi kèm nào của các đơn vị phát hành, rạp chiếu cũng được thực hiện một cách văn minh.                             

Theo chia sẻ từ một khán giả có tên Trương Việt Phong, vào tối qua (5/1), anh đã vào xem phim tại một cụm rạp của CGV và phải tốn đến 30 phút để xem quảng cáo trong sự bị động.

Chia sẻ về sự việc này, anh Phong cho biết: “Xin lỗi CGV, đó là những phút cuối ngày. Chúng tôi không muốn bị lừa phỉnh khi phải bắt đầu giây phút mà chúng tôi gọi là giải trí bằng những spot quảng cáo liên tục khiến chúng tôi vô cùng nản lòng, thất vọng.  Đừng lấy lòng tin của chúng tôi bán rẻ cho những thước phim quảng cáo để đổi lấy tiền bạc và quyền lợi như thế”.

Quang cao trong rap phim: Rap khong co quyen 'ep' khan gia!
Cụm rạp CGV tại một trung tâm thương mại ở quận 7 là nơi anh Phong đã phải chịu trận xem quảng cáo suốt 30 phút vào tối qua (5/1)

Vị khán giả này cho rằng bản thân anh và những người xem khác đều không xem phim miễn phí, thậm chí phải chịu những chi phí đồ ăn, thức uống gấp 2 hoặc 3 lần bên ngoài thì không có bất kỳ lý do gì để phải bị "ép" xem quảng cáo trong suốt khoảng thời gian dài đằng đẵng như thế và không hề có lựa chọn nào khác. 

Phim được giới thiệu vào lúc 7h thì tận 7h30 mới chiếu, hoặc trên vé ghi suất 20h thì 20h30 phim mới bắt đầu. Anh Phong cho biết: “Tôi cực kỳ bực bội và khó chịu khi phải ngồi xem quảng cáo liên tục như thế. Tâm lý rất ức chế khi phải xem hàng loạt sản phẩm, trong đó có những spot được lặp đi lặp lại nhiều lần”. Vị khán giả này chia sẻ đó không chỉ là tâm lý riêng của anh mà còn rất nhiều người xem đến rạp.

Cùng gặp vấn đề như anh Phong, một vị khán giả tên N.Y.V cũng bày tỏ sự bức xúc khi cùng đi xem phim với con nhỏ: “Mình từng bức xúc rất nhiều lần khi đi cùng con nhỏ. Trẻ em mà coi quá trời quảng cáo linh tinh, phim trẻ con mà các bé cứ coi quảng cáo chờ đợi hỏi cha mẹ “Tới phim chưa mẹ?”. Tại sao chúng ta trả tiền mua dịch vụ với giá cao mà lại chịu/bị tra tấn vì lợi ích của họ”.

Quang cao trong rap phim: Rap khong co quyen 'ep' khan gia!
Khán giả phàn nàn việc phải xem quảng cáo liên tục 30 phút tại các rạp của CGV (Ảnh minh hoạ)

Nếu như với truyền hình, khán giả có quyền chọn kênh B trong thời gian kênh A quảng cáo, môi trường internet lại có lựa chọn bỏ qua việc xem quảng cáo thì những gì đang diễn ra tại rạp phim của CGV thì khán giả lại hoàn toàn bị động. Họ không có bất kỳ lựa chọn nào khác ngoài việc "chịu trận" suốt khoảng thời gian đó.

Thực tế, mỗi khán giả đến rạp xem phim là mỗi khách hàng đến mua dịch vụ và trả tiền cho dịch vụ đó. Đây không phải là quan hệ xin - cho. "Khách hàng trả tiền mua rau để được nhận rau, chứ không phải trả tiền mua rau và nhận về vừa rau vừa rác!", một khán giả bức xúc. 

Quang cao trong rap phim: Rap khong co quyen 'ep' khan gia!
Chịu nhiều dịch vụ có giá gấp 2, 3 lần so với thị trường bên ngoài nhưng nay khán giả lại phải chịu trận, trở thành công cụ xem quảng cáo của rạp phim

Rạp phim hoàn toàn có quyền quảng cáo, có nghĩa vụ phải trả tài trợ, liên quan đến các nhãn hàng nhưng không có quyền ép, biến khán giả mua vé vào rạp thành đối tượng, công cụ để thực hiện việc này mà không hề báo trước. Thời gian chiếu phim cần phải được thực hiện đúng, đó là sự tôn trọng cần thiết dành cho khách hàng.

Thử nhẩm tính, 30 phút quảng cáo, nhân cho 48 cụm rạp và khoảng 39 nghìn ghế, doanh nghiệp này đã tiêu tốn của khán giả đến gần 940 nghìn giờ trong cùng một thời điểm. Thậm chí, có những suất chiếu rất trễ rơi vào khoảng 22h30 hoặc 23h thì việc giải trí của khán giả lại trở nên mệt mỏi hơn khi phải mang tâm lý nặng nề trước khi vào xem. Trong khi đó, phim không hề được chiếu miễn phí, các cụm rạp vẫn thu tiền đều tay.

Thuỵ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI