Quảng cáo lãng nhách trong phim "Đừng nói khi yêu"

26/03/2023 - 09:33

PNO - Nhân vật vừa mới ngồi ấm ức khóc lóc tâm sự với bạn thân chuyện bị mẹ người yêu sỉ nhục, thì cảnh sau đã thấy cô ở một phòng khám nha khoa, được bác sĩ giới thiệu một loại kem đánh răng dược liệu.

Khán giả xem phim truyền hình lâu nay không còn xa lạ với chuyện sản phẩm quảng cáo lồng vào tình tiết trong phim truyền hình. Khán giả cũng không xa lạ với việc nhân vật nhắc đến sản phẩm quảng cáo một cách thừa thãi trong ngữ cảnh câu chuyện. Tuy nhiên, lồng ghép quảng cáo đến mức không ăn nhập tính logic cảnh phim như Đừng nói khi yêu hiếm phim nào có.

Các sản phẩm của một hãng dược thường xuyên xuất hiện trong phim Đừng nói khi yêu
Các sản phẩm của một hãng dược thường xuyên xuất hiện trong phim Đừng nói khi yêu

Trong tập phim gần đây của Đừng nói khi yêu có cảnh nhân vật Ly (Thùy Anh đóng) đau buồn vì bị mẹ của người yêu sỉ nhục, yêu cầu chia tay Quy, bèn gọi điện thoại rủ Tú (Đình Tú đóng) đến tâm sự.

Tú đến thấy Ly đã ăn rất nhiều kem, và cả hai cùng ngồi tâm sự bên bờ hồ. Bỗng dưng diễn tiến tiếp theo liên quan đến 2 nhân vật này là đoạn cả hai có mặt tại một phòng khám nha khoa.

Ly và Tú vừa ngồi tâm sự bên bờ hồ xong kéo nhau đến phòng khám nha khiến người xem thấy chưng hửng
Ly và Tú vừa ngồi tâm sự bên bờ hồ xong kéo nhau đến phòng khám nha khiến người xem thấy chưng hửng

Tại đây, Ly được một nữ bác sĩ thăm khám, thông báo cô bị sâu răng nhẹ chỉ cần đánh răng đúng cách. Sau khi nói xong vị bác sĩ liền đưa ra hộp kem đánh răng dược liệu của một thương hiệu Việt Nam quen thuộc và thao thao bất tuyệt giới thiệu về công dụng sản phẩm. Ống kính không quên chiếu cận cảnh bao bì sản phẩm. Xem phân cảnh Ly và Tú đi khám răng, khán giả ngớ người vì sự cài cắm tình huống quảng cáo lãng nhách của phim.

Ống kính quay cận cảnh sản phẩm quảng cáo
Ống kính quay cận cảnh sản phẩm quảng cáo

Trước đó, phim cũng có những phân cảnh quảng cáo một sản phẩm dầu gội dược liệu cũng thuộc thương hiệu này. Một là cảnh Linh (Trình Mỹ Duyên đóng) đi siêu thị gặp Tú, và được anh nhờ tư vấn mua giúp món quà tặng mẹ. Hai là mẹ con Tú ngồi quán tâm sự. Cả 2 cảnh trên, khán giả đều nhận ra sự cố tình nhét sản phẩm vào phim một cách không cần thiết, nhưng tính logic cảnh phim vẫn có nên vẫn chấp nhận được.

Cảnh ha mẹ con Tú trò chuyện cũng có cài cắm sản phẩm quảng cáo trên tay mẹ Tú
Cảnh mẹ con Tú trò chuyện cũng có cài cắm sản phẩm quảng cáo trên tay mẹ Tú

Phim truyền hình luôn là món ăn yêu thích của khán giả. Chất lượng phim ngày càng được nâng lên, một phần cũng nhờ có kinh phí sản xuất dư dả. Các nhà tài trợ vì vậy cũng có công đóng góp không nhỏ. Nhiều sản phẩm nội địa được biết đến nhiều hơn từ phim ảnh. Rõ ràng lồng ghép sản phẩm quảng cáo vào phim đem lại lợi ích cho đơn vị tài trợ, nhà làm phim và người xem.

Lồng ghép sản phẩm vào phim một cách khéo léo sẽ khiến người xem có thiện cảm với phim và sản phẩm
Lồng ghép sản phẩm vào phim một cách khéo léo sẽ khiến người xem có thiện cảm với phim và sản phẩm

Khán giả hiểu và rất thông cảm, nhưng luôn mong muốn người làm phim cần xử lý khéo léo hơn khi cài cắm để thể hiện sự tôn trọng với sản phẩm và người xem.

Những kiểu quảng cáo bất chấp dễ khiến người xem tưởng rằng trước đòi hỏi của nhà tài trợ, biên kịch và đạo diễn đã bí cách trong việc làm sao để thương hiệu xuất hiện một cách tự nhiên trên phim, nên đành can thiệp thô bạo. Cách này dễ làm, thuận tiện nhưng gây tụt cảm xúc cho người xem, dẫn đến không giúp ích gì cho nhãn hàng, thậm chí còn có thể khiến khán giả ghét lây sản phẩm như cách mà phim Đừng nói khi yêu đang làm.

H.Nhu

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI