Quảng cáo bia dày đặc trong phim chiếu mạng của Quách Ngọc Tuyên

26/01/2022 - 06:52

PNO - Một thương hiệu bia liên tục xuất hiện trong phim "Về nhà là tết", thậm chí gượng ép, khiên cưỡng.

Phim được Quách Ngọc Tuyên sản xuất, phát miễn phí trên YouTube, hiện đã đến tập thứ hai. Câu chuyện xoay quanh một xóm lao động nghèo ở ven thành phố, nơi có chị Nguyệt (Ngọc Phước đóng) là bà chủ thuê trọ tốt bụng nhưng lời nói, hành động luôn khiến người đối diện khiếp sợ. Tủn (Quách Ngọc Tuyên đóng) là chàng trai tỉnh lẻ, tìm đến thành phố với mơ ước tìm được công việc tốt. 

Ở đây, anh bất ngờ gặp lại Nhân (Vinh Râu thủ vai), đồng hương, cũng quyết tâm lên thành phố lập nghiệp. Cả hai cùng ở ghép với Cảnh (Hải Triều đóng) chàng trai bị thất nghiệp vì dịch COVID-19. Tại đây, nhiều tình huống éo le xảy ra. Trải qua tất cả, họ đều nhận ra rằng cuộc sống có nhiều lo toan, mệt mỏi, đặc biệt sau 1 năm có nhiều khó khăn nhưng còn được gặp nhau, còn được đoàn tụ với gia đình là hạnh phúc. 

Phim nói về câu chuyện của những người trẻ tìm kế sinh nhai tại thành phố với nhiều khó khăn, trăn trở
Phim nói về câu chuyện của những người trẻ tìm kế sinh nhai tại thành phố với nhiều khó khăn, trăn trở

Quách Ngọc Tuyên không còn là cái tên xa lạ với đường đua phim chiếu mạng, đặc biệt trong dịp tết. Vì thế, không khó để sản phẩm lần này của anh cũng đạt vài triệu lượt xem cho mỗi tập, với dàn diễn viên duyên dáng, có năng lực. Nhưng việc quảng cáo trong phim này để lại trong lòng người xem không ít trăn trở. 

Từ đầu tập 1, một thương hiệu bia đã xuất hiện rõ nét trong phân cảnh chị Nguyệt trò chuyện với Cảnh. Tiếp sau đó, trong rất nhiều cảnh quay, thương hiệu bia này lại xuất hiện, ở mọi góc. Khi Tủn, Nhân và Cảnh dọn về ở chung 1 phòng, nhân vật Tủn đề nghị phải có bia để uống kỷ niệm ngày kết thân. Ngay lập tức, chị Nguyệt xuất hiện và mang đến thùng bia. Trong hơn 5 phút xoay quanh cuộc trò chuyện giữa 4 nhân vật, câu chuyện về bia chiếm phần lớn thời lượng. Sản phẩm cũng được quay cận, rõ nét. Trong một phân cảnh nhân vật, chị Nguyệt nói: “Bia ngon lắm uống đi”. 

Hình ảnh bia xuất hiện tràn lan trong 2 tập của Về nhà ăn tết
Hình ảnh bia xuất hiện tràn lan trong 2 tập của Về nhà là tết

Trong một cảnh khác, Tủn ra tay trượng nghĩa giúp một cô gái cùng khu trọ lấy lại túi xách từ tay những kẻ cướp. Hai tên cướp sau khi hạ gục Tủn đã quyết định lấy bia về nhậu, thay vì cướp xe. Tủn, thay vì kêu cứu, như phản ứng thông thường của con người khi gặp nạn, lại thốt lên: “Bia của tôi…”. Một cảnh khác, Nhân và Tủn nhớ nhà, cũng mang bia ra thưởng thức. Đoạn phim này kéo dài gần 4 phút. Thậm chí, đến khi các nhân vật chuẩn bị về quê đón tết, thùng bia cũng xuất hiện bên cạnh.

Quách Ngọc Tuyên cùng ê-kíp đã “hợp thức hoá” cho sản phẩm này xuất hiện thông qua việc chị Nguyệt là chủ tiệm tạp hoá chuyên bán bia. Đồng thời, Tủn cũng nhận công việc giao bia. Nhưng việc quảng cáo gây khó chịu đến mức Tủn luôn mặc áo có logo của thương hiệu trong phần lớn thời lượng của phim.

Năm ngoái, thương hiệu này đã xuất hiện trong sản phẩm Cái tết của thằng khờ phần 4. Tuy nhiên, sản phẩm chỉ xuất hiện ở một số phân đoạn. Nhưng, với phim lần này, việc quảng cáo, PR của thương hiệu trở nên quá kệch cỡm, thậm chí tạo nên những tình huống phản cảm khiến người xem khó chịu.

Bia được hợp thức hoá trong phim này với nhân vật chị Nguyệt buôn bán tạp hoá
Bia được "hợp thức hoá" trong phim này với nhân vật chị Nguyệt buôn bán tạp hoá, đại lý bia

Hiện, kinh phí để sản xuất một phim chiếu mạng không nhỏ, từ vài trăm triệu, có khi lên đến tiền tỷ nhằm đảm bảo chất lượng tốt khi đến với công chúng. Vì lẽ đó, nghệ sĩ, diễn viên cũng cần sự hỗ trợ của các nhãn hàng. Khán giả cũng phần nào thông cảm cho việc này. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa, nghệ sĩ, diễn viên được lợi dụng kẻ hở này để được quảng cáo tùy tiện, thiếu cân nhắc. 

Không phải không có lý do để bia, rượu nằm trong danh sách bị hạn chế việc quảng cáo. Cũng không phải không có nguyên nhân để hàng loạt các luật định về rượu bia ra đời như: Luật quảng cáo 2018; Luật phòng chống tác hại rượu bia năm 2019; Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với vi phạm các quy định về quảng cáo rượu, bia…

Từ thực tế cuộc sống cho thấy, bia rượu có những ảnh hưởng nhất định với nguy cơ gây ra bạo lực, tai nạn giao thông… Dĩ nhiên, với người trưởng thành, đủ nhận thức đều hiểu rõ những hậu quả này. Nhưng việc hình ảnh bia xuất hiện liên tục, dày đặc trong Về nhà ăn tết khiến người xem không khỏi đặt dấu hỏi về nhận thức của ê-kíp sản xuất với vấn đề trên. Đặc biệt trong mỗi dịp tết, số vụ tai nạn giao thông vì bia rượu luôn là điều khiến xã hội lo lắng. Có bao nhiêu trẻ em dưới 18 tuổi đã tiếp cận với sản phẩm này - đối tượng mà luật định hiện hành luôn bảo vệ tránh xa bia rượu? Có lẽ, câu hỏi này ít nhiều khiến dư luận không khỏi hoang mang, lo lắng. 

Nhân vật Tủn mặc áo có logo, đặc điểm nhận dạng thương hiệu bia trong phần lớn thời lượng của phim
Nhân vật Tủn mặc áo có logo, đặc điểm nhận dạng thương hiệu bia trong phần lớn thời lượng của phim

Luật sư Nguyễn Quốc Cường, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết hiện việc quy định về quảng cáo rượu bia chỉ áp dụng cho các loại hình truyền hình, sân khấu, phim điện ảnh… Việc quản lý nội dung trên môi trường số vẫn còn kẻ hở do luật chưa bao quát. Chưa kể, hiện tại các tác phẩm đều được đăng tải tự do, không qua kiểm duyệt. “Vì thế, hiện rất khó để quản lý nội dung được đăng tải trên môi trường mạng. Tôi cho rằng ý thức, lựa chọn của nghệ sĩ là điều quan trọng hàng đầu. Điều đó cũng thể hiện trách nhiệm của họ với công chúng”, LS Cường nói thêm. 

Không ai có quyền cấm nghệ sĩ, diễn viên nhận tài trợ, sự hỗ trợ để sản phẩm được tốt, chỉn chu. Tuy nhiên, việc nhận gì, thể hiện điều gì không được phép tùy tiện, thiếu cân nhắc. Khán giả là đối tượng thụ hưởng sản phẩm nghệ thuật, không phải con rối trong cuộc trao đổi quyền lợi giữa nghệ sĩ, diễn viên và nhãn hàng!

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI