Hơn thế nữa, nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng tung chiêu quảng cáo bất chấp cảm nhận người tiêu dùng, thậm chí là cả nền kinh tế, văn hóa bị “thương tật” ra sao!
Quảng cáo gây sốc văn hóa cũng là... bất lương
Từ lâu, quảng cáo bẩn vẫn tồn tại, nhưng nay càng trở thành một hiểm họa đối với văn hóa, kinh tế cho tới đời sống, xã hội. Dân trong ngành đã chỉ mặt nói thẳng đó là “quảng cáo phi đạo đức” như quảng cáo nói sai sự thật về chất lượng sản phẩm; bóp méo thông tin khoa học, gây nhầm lẫn khiến người tiêu dùng hoang mang để làm nổi bật tính năng sản phẩm của mình...
Bên cạnh đó còn có những quảng cáo gây sốc văn hóa, dẫn dắt người tiêu dùng đến một suy nghĩ hoặc lối sống lệch lạc. Những ngày qua, dư luận phản ứng dữ dội việc ném phong bì đựng tờ tiền 5.000-10.000đ được tác giả cuốn sách thả từ khinh khí cầu xuống sân vận động ở Huế vào ngày 16/6.
Nhiều ý kiến cho rằng hành động này “đang cổ xúy cho nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ có tư duy chạy theo đồng tiền, bảo vệ đồng tiền mà bất chấp tất cả".
Không chỉ là chiêu tiếp thị, các TVC (Television Commercials) phim quảng cáo ngắn cũng… bẩn tương tự.
TVC quảng cáo sản phẩm Dr Thanh phát đã ăn theo tính thời sự của vụ việc chàng trai hết yêu đến tận nhà cô gái đòi quà: “Em, hết yêu rồi trả chai Dr Thanh!”, chàng trai đứng trước sân nhà hét lên với cô gái trên lầu cao. Ngay lập tức, cô gái ném chai Dr Thanh: “Hết yêu rồi, trả thì trả!”.
Không chỉ xuất hiện trên VTV (Đài truyền hình Việt Nam), quảng cáo này còn xuất hiện trên kênh Youtube với gần 16.000 lượt xem.
Minh Trung (sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho rằng: “Quảng cáo này cực nhảm, tôi nhớ sản phẩm nhưng không hiểu doanh nghiệp muốn truyền thông điệp gì trong cảnh chia tay chàng trai lại đến đòi quà, thật nhỏ mọn! Có phải doanh nghiệp muốn cổ vũ lối suy nghĩ đó?”.
Cộng đồng mạng còn cho rằng TVC quảng cáo bia Hà Nội được đẩy tới điểm “nhớp” hơn. Bắt đầu từ ly bia đổ ra bàn, chàng trai liếm lấy liếm để lượng bia bị đổ. Rồi cô bạn gái trong bộ đồ ngủ cũng lấy bia đổ lên người, chàng trai cũng lặp lại hành động tương tự ở những vị trí nhạy cảm...
Một TVC trong 30 giây với cảnh giường chiếu, quần áo xộc xệch, thiếu một chút nữa là gần như “cảnh nóng”! Đáng nói là TVC này tuy không chính danh, chẳng rõ có phải do bia Hà Nội sản xuất hay không nhưng nó lan truyền trên YouTube và các kênh phim ảnh khác từ hơn hai năm nay. Cho dù không phải do công ty này chủ trì thì nếu không có sự làm lơ của chính công ty này hoặc sự thỏa thuận ngầm đâu đó, TVC này sẽ khó tồn tại trên thế giới mạng.
Tiếp tục, quảng cáo của thương hiệu Diana cũng không kém cạnh với TVC xuất hiện trên truyền hình và cả YouTube, trong thời lượng 2 phút 40 giây, cô gái trẻ có đến ba lần lo lắng nói: “Ám ảnh mùi con gái” rồi chua thêm: “Không phải đâu, khi đã có Diana mình tự tin đón gió nha!”.
Ê kíp làm quảng cáo còn gây không khí bỡn cợt khi cho cô mặc váy ngắn đến trước quạt thật hớ hênh. Theo nhiều nghiên cứu khoa học, nếu là mùi hormone nữ trong giai đoạn kinh nguyệt thì không khiến các bé gái phải tự ti đến thế.
Còn nếu là mùi “đèn đỏ”... theo kiểu lồng lộng ai cũng phải đeo khẩu trang, hay tránh xa, che mũi mà TVC muốn nhắm đến, thì cũng thiếu cơ sở khoa học. Tuy nhiên, nhãn hàng thổi vống lên như thế để các em, cháu của chúng ta phải dùng đúng Diana mới yên tâm! Rõ ràng, những chương trình quảng cáo này gây phản cảm rất lớn đối với người xem.
Vì lợi nhuận, bất chấp tất cả
Không dừng lại ở đó, nổi lên trong thời gian gần đây là chiêu thức quảng cáo cố tình bóp méo thông tin khoa học để so sánh sai hay kết luận gây nhầm lẫn khiến người tiêu dùng hoang mang để làm nổi bật sản phẩm của mình...
Vụ việc của Unilver là một ví dụ. Nếu chiến lược quảng bá này thành công, người có tiền thì bị móc túi bởi máy lọc nước của nhãn này, kẻ không có tiền thì uống nước máy trong sự bất an, thắc thỏm như lúc nào cũng có một bản án tử treo trên đầu. Thủ ác bằng những lời đường mật như thế còn có nhiều công ty lớn khác.
Năm ngoái, chiến lược quảng cáo rầm rộ vụ nước mắm bẩn của tập đoàn Masan là một ví dụ. Niềm tin của cả người bán và người mua về nước mắm truyền thống bị lung lay sau thông tin Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) phát hiện nhiều mẫu nước mắm có hàm lượng arsen vượt ngưỡng. Không chỉ khiến người tiêu dùng lo lắng mà chiến dịch truyền thông đó còn đánh sập cả ngành nước mắm truyền thống Việt Nam; bao nhiêu hãng sẽ phải đóng cửa, công nhân nghỉ việc gây thất thu nền kinh tế nếu lúc đó dư luận không lên tiếng kịp lúc!
Bấy lâu nay, người xem quảng cáo bẩn cũng chỉ biết chịu trận hoặc càm ràm với những người xung quanh. Xem quảng cáo thì họ cũng đã xem rồi, muốn xóa khỏi bộ nhớ cũng khó. Vậy mà ngoài việc âm thầm tẩy chay sản phẩm (phải cần thời gian mới có sự lan tỏa), người bị quảng cáo bẩn tấn công hầu như không phản ứng hiệu quả tức thì gì được đối với doanh nghiệp.
Khó thể chấp nhận việc các doanh nghiệp trong cơn chạy đua thu hút thị phần mà bất chấp trách nhiệm xã hội bằng cách tung quảng cáo bẩn, càng khó chấp nhận hơn khi các nhà đài phát sóng chúng. Các đài truyền hình, đặc biệt là VTV, đài truyền hình quốc gia có nhiệm vụ lớn là thông tin giáo dục, nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần người dân, song trong cuộc chiến khốc liệt giành giật lợi nhuận từ quảng cáo, một số nhà đài đã không ngần ngại đi ngược lại tiêu chí đó.
Chúng tôi muốn kết thúc bài viết này bằng tâm sự của một người từng làm nội dung cho một công ty truyền thông đa quốc gia: “Công việc của tôi không khác nào người nghệ sĩ đàn piano trong nhà thổ! Tôi dát lên vẻ sang trọng cho cả những thứ không đáng giá như người ta tưởng. Có những lúc, được phân vào một ngành hàng, biết nó chỉ là con số 0, nhưng vì là kẻ làm thuê thì phải làm thôi. Những người ở lâu trong nghề này cần “có bộ xả tốt, có óc hài hước và nếu muốn không bị ray rứt thì chớ nghĩ quá nhiều về trách nhiệm xã hội”. Ấy vậy, mà chị không chịu nổi vì cứ phải triển khai những chương trình như thế, sợ gánh nghiệp của nghề nên... giải nghệ.
Hạnh Thủy - Thành Nhân