Quảng Bình: Mưa lũ chia cắt giao thông, kè biển bị sóng đánh tan hoang
Ngày 17/10, nhiều người dân ở TP. Đồng Hới (Quảng Bình) bức xúc cho biết, tuyến kè biển Nhật Lệ chịu được gió bão cấp 9, cấp 10 vừa xây dựng xong đã bị sóng đánh tan hoang. Theo chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất TP. Đồng Hới, tuyến kè biển này có chiều dài 860m, với số vốn xây lắp 26 tỷ đồng. Tháng 10/2020, khi công trình đang xây dựng dang dở thì sóng biển làm gãy sập, hư hỏng hoàn toàn. Sau đó, nhà thầu phải thi công lại vừa hoàn thành và đang đề nghị chủ đầu tư nghiệm thu.
|
Kè biển Nhật Lệ bị sóng đánh tan hoang |
Quan sát tại hiện trường, tuyến kè bị sập hàng trăm mét, nhiều đoạn thân kè bị đứt gãy, nhiều mảng kè lớn bị sập lún, gãy đổ kê lên nhau ngổn ngang. Do mưa to, gió lớn và sóng lớn tràn qua nên thiệt hại của kè Nhật Lệ chưa được ghi nhận hết song mức độ rất nghiêm trọng.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất TP. Đồng Hới, Nguyễn Văn Sỹ, cho biết, tuyến kè biển này bị sóng đánh gây hư hỏng từ khi bị ảnh hưởng của bão số 5 vừa qua và mức độ nghiêm trọng hơn trong những ngày gần đây. Vài ngày tới, chủ đầu tư sẽ mời đại diện các ngành liên quan kiểm tra hiện trường để tìm nguyên nhân tuyến kè này liên tục bị sóng đánh sập, làm rõ trách nhiệm của nhà thầu, trên cơ sở đó tìm biện pháp khắc phục.
|
Nước ngập sâu trên nhiều tuyến đường về các xã ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) |
Tại tỉnh Quảng Bình, mưa lớn trong ngày 17/10 khiến cầu Sủng Mè (thôn Thuận Hoan) và cầu Đồng Khe (thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa) huyện Tuyên Hóa, bị ngập từ 0,2 - 0,4m. Cầu Tràn Khe Vàng ở xã Cao Quảng bị ngập 0,4 - 0,5m.
Tại huyện Bố Trạch, ngầm Cầu Bùng (xã Hưng Trạch) ngập 1,2m. Ngầm tràn Bến Tróoc (xã Phúc Trạch) ngập 1,5m. Ngầm tràn Đập Cây Trung, xã Phúc Trạch ngập 0,5m nước chảy xiết, không qua lại được. Ngầm tràn Đồng Phường, thôn Phúc Khê, xã Phúc Trạch ngập 0,5m không qua lại được. Ngoài ra, một số tuyến quốc lộ qua địa bàn cũng bị ngập cục bộ, cụ thể trên Quốc lộ 15 tắc đường tại Ngầm Bùng Km562+200, nước dâng ngập mặt ngầm từ 1,2 - 1,6m.
|
Nhiều nơi vùng trũng, người dân phải dùng thuyền để đi lại |
Quốc lộ 9B tắc đường tại các ngầm tràn ở vị trí Km41+900, Km43+700, mực nước ngập khoảng 30 - 40cm, đơn vị đang cho đóng barie và bố trí người trực phân luồng đảm bảo ATGT. Tại Km52+300, Km57+920 sạt lở đất, đá xuống nền, mặt đường.
Quốc lộ 9C tại Km32+200, Km31+400 sạt lở đất, đá xuống nền, mặt đường... Theo thống kê, toàn tỉnh có 39 điểm nguy cơ sạt lở cao tại 7 huyện, thị xã, với tổng số 501 hộ/1.903 khẩu.
Ban chỉ huy dự kiến dựa vào tình hình thực tế tại địa phương để di dời dân ra khỏi các vùng nguy hiểm gồm vùng ven biển và cửa sông. Dự kiến di dời dân trong trường hợp trên báo động 3, toàn tỉnh có 18.967 hộ/65.893 người cần di dời.
Bên cạnh đó, Ban chỉ huy cũng sẵn sàng đảm bảo cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các điểm tránh trú. Đồng thời, đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch COVID-19, để người dân từ các tỉnh phía Nam về quê lưu thông qua tỉnh Quảng Bình tạm tránh trú trong thời gian mưa lũ gây chia cắt, gián đoạn giao thông.
|
Hạ du sông Vu Gia nước lên nhanh khiến nhiều hộ dân không kịp trở tay |
Quảng Nam: Lũ dâng cao lên gần tới nóc nhà dân
Chiều tối ngày 17/10, nước sông Vu Gia ở huyện Đại Lộc dâng cao khiến một số nhà dân ở dọc bờ sông bị ngập sâu. Tại thôn Hóa Phú, xã Đại An, huyện Đại Lộc, đường dẫn vào thôn ngập sâu từ 0.5-1m và nhiều nhà dân nước vào đến sân, nhiều gia đình tất bật dọn đồ đạc lên cao để tránh lũ. Ngoài ra, một số khu vực như: thị trấn Ái Nghĩa, xã Đại Lãnh, Đại Hưng nước lũ cũng ngập sâu. Tại cầu Ái Nghĩa, nhiều phương tiện mắc kẹt không thể di chuyển được khi tuyến đường vào thị trấn ngập sâu trong nước.
|
Nhiều tuyến đường tại thị trấn Ái Nghĩa, xã Đại Hưng, Đại Lãnh ngập sâu, có nơi ngập đến 1m |
Bà Nguyễn Thị Hoa (51 tuổi), trú thôn Hóa Phú cho biết, sáng nay, mức nước dâng rất chậm nhưng đến khoảng 1g nước lũ đổ về nhanh, chỉ vài giờ nước sông Vu Gia đã dâng cao, tràn vào nhà.
Ông Phạm Văn Thêm (53 tuổi), trú thôn Hóa Phú cho hay, do thủy điện trên thượng nguồn xả lũ nên mức nước vẫn đang dâng rất nhanh. Nếu nước còn dâng thì khoảng vài giờ nữa tất cả các khu vực vùng trũng thấp ở huyện Đại Lộc sẽ ngập sâu.
|
Nhiều hộ dùng ghe để di chuyển đồ đạc |
Theo người dân ở xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, lượng mưa trong ngày hôm nay không nhiều, nhưng khi thủy điện bắt đầu xả lũ thì nước lên rất nhanh. “Từ khi thủy điện xả lũ cho đến khi nước vào tới nhà chỉ chừng 1 tiếng đồng hồ, còn trước đó dù có mưa nhưng nước vẫn yên, không mạnh lên bất ngờ. Cũng may là gia đình tôi dự đoán được nên đã vận chuyển những đồ đạc quan trọng lên cao từ trước nên chưa thiệt hại gì”, anh Trần Đắc Hiệp (thôn 6, xã Đại Hưng) cho hay.
|
Người dân xã Đại Lãnh, Đại Hưng cho rằng, mưa nhỏ nhưng do thủy điện đồng loạt xả lũ nên nước lên rất nhanh |
Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc - cho biết: “Hiện tại trên địa bàn huyện trời đã tạnh mưa, nước trên sông Vu Gia đang xấp xỉ mức báo động III. Chính quyền huyện đã cử lực lượng chức năng chốt chặn ở các điểm nước ngập tràn qua đường để cảnh báo, không để người dân đi lại và nếu mức nước sông tiếp tục dâng cao gây ngập sâu thì chúng tôi sẽ lên phương án sơ tán dân khẩn cấp”.
|
Hiện tại, mưa đã tạm ngưng nhưng nếu tiếp tục mưa lớn thì rất nhiều nơi sẽ ngập sâu |
Thuận Hóa + Nguyễn Dương