Quảng bá Việt Nam qua phim hợp tác: Tay không bắt giặc?

03/07/2017 - 12:44

PNO - Hợp tác làm phim là xu hướng thịnh hành trên thế giới nhằm đưa hình ảnh quốc gia đến bạn bè quốc tế. Từ sau 'Kong - Đảo đầu lâu', ý muốn thu hút các đoàn phim nước ngoài đến Việt Nam càng tăng. Nhưng…

Bộ phim truyện Pháp - Bầu trời đỏ của Olivier Lorelle vừa có buổi chiếu ra mắt tại Việt Nam vào tuần qua. Xem phim, khán giả không khỏi xuýt xoa trước bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của hồ Ba Bể (Bắc Kạn) và cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Ngày 19/7 tới, phim sẽ khởi chiếu trên toàn cầu. Như vậy, sau Kong - Đảo đầu lâu, thắng cảnh Việt Nam lại có dịp được phổ biến ra thế giới. 

Quang ba Viet Nam qua phim hop tac: Tay khong bat giac?

Sau Kong - Đảo đầu lâu, cảnh đẹp Việt Nam lại được giới thiệu đến bạn bè quốc tế qua bộ phim Bầu trời đỏ với những cảnh quay ở hồ Ba Bể, cao nguyên đá Đồng Văn

Bầu trời đỏ ra mắt, cùng với việc hai tháng tới hàng loạt phim hợp tác sẽ ra rạp như Sám hối (Việt - Ấn), Girls 2 - Những cô gái và Gangsters (Việt Nam - Hồng Kông), Sắc đẹp ngàn cân, Yêu đi đừng sợ (Việt - Hàn)… khiến câu chuyện đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong sản xuất phim càng được hâm nóng.

Việt Nam từng là điểm đến của các dự án hợp tác quốc tế như Người tình, Người Mỹ trầm lặng, Mùa len trâu… Sau ấn tượng của Kong - Đảo đầu lâu (bom tấn Hollywood đầu tiên quay tại Việt Nam), sự hồ hởi, nóng ruột muốn biến Việt Nam thành “điểm đến mới cho các bộ phim bom tấn” cũng dễ hiểu. Nhưng dẫu đường đã có lối, vẫn còn nhiều chông gai mà rào cản chủ yếu nằm ở chính ta.

Trở ngại đầu tiên là quá trình làm thủ tục cho các đoàn phim nước ngoài vào Việt Nam: rất mất thời gian vì liên quan nhiều ban ngành làm nản lòng đoàn phim nước bạn. Đạo diễn Việt Linh cho biết: “Ở Việt Nam, khi có đoàn xin phép sang quay, khâu duyệt kịch bản nhiều khi mất hai ba năm; nhưng người ta quay một đường, về dựng một nẻo ta cũng đâu biết. Pháp làm khác - không quản lý nội dung mà chỉ quản lý sự vận hành xã hội. Ví dụ có lần đoàn phim Việt sang, xin phép quay bờ bên này sông Seine; nhưng đến hiện trường, nhà quay phim thấy bờ bên kia đẹp nên đổi ý, vác máy sang, liền bị cảnh sát chặn lại vì lo ảnh hưởng trật tự đường phố”. 

Quang ba Viet Nam qua phim hop tac: Tay khong bat giac?
Tuổi thanh xuân - phim hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc

Tư duy quản lý kịch bản từng cho ta bài học cay đắng với phim Yêu tiếng hát Việt Nam - một phim Hồng Kông được Việt Nam duyệt kịch bản rất kỹ, quá trình ghi hình cũng có an ninh giám sát, nhưng khi phát hành ở khu vực châu Á mới “bật ngửa” vì nội dung phim đã bị thay đổi theo hướng xuyên tạc lịch sử Việt Nam.

Hạ tầng làm phim ở Việt Nam cũng là trở ngại đáng kể. Chúng ta không có phim trường đạt chuẩn. Trường quay là… cả nước. Mỗi khi làm phim, mỗi đoàn phải tự dựng mới bối cảnh và tháo dỡ sau khi đóng máy. Trang phục, đạo cụ cũng thế. Cách làm này vừa tốn kém vừa lãng phí vì không thể tận dụng cho đoàn phim sau hoặc phục vụ du lịch. Nhà sản xuất - đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ việc đoàn phim Ngọa hổ tàng long 2 từng có ý định sang Việt Nam quay, nhưng khi biết Việt Nam không có các loại xe sang chuyên dụng như căn hộ cao cấp cho diễn viên nghỉ ngơi sau cảnh quay, không có thiết bị kỹ thuật để quay các đại cảnh, họ đã rút lui.

Không chỉ yếu hạ tầng chuyên môn, ý thức làm nghề của phía Việt Nam cũng khiến bè bạn e dè. Quan trọng hơn, mang tiếng hợp tác nhưng dấu ấn Việt Nam rất mờ nhạt. Chuyện đơn vị trong nước nhận nhiệm vụ cung ứng dịch vụ, hỗ trợ các đoàn phim nước ngoài ăn chặn tiền của đoàn phim không hiếm.

Quang ba Viet Nam qua phim hop tac: Tay khong bat giac?
Phim Người Mỹ trầm lặng ghi hình tại Việt Nam

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần kể, đoàn phim Người Mỹ trầm lặng từng phát hiện đối tác Việt Nam rút ruột số tiền đền bù mà đoàn phim này trả cho những hộ dân sống trong con phố được đoàn mượn để quay. NSND - đạo diễn Đào Bá Sơn cho biết, ông từng chứng kiến cảnh hai người Việt chặn đầu xe của một đoàn làm phim nước ngoài đang ra sân bay, buộc họ phải trả hết tiền công mới cho đi. Hóa ra, lỗi do chính những người Việt trên xe đã cố tình “biển thủ”.

Câu chuyện ý thức còn nằm ở chỗ phía Việt Nam không chủ động tìm cơ hội quảng bá hình ảnh nước mình trong sản phẩm hợp tác. Nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long bức xúc: “Phim Tuổi thanh xuân hợp tác với Hàn mà trong một cảnh quay ăn uống tại một nhà hàng Việt Nam, màn hình chỉ thấy chai rượu soju và các món kim chi, thịt nướng. Phim Người cộng sự hợp tác với Nhật xây dựng hình ảnh nhân vật Phan Bội Châu hoàn toàn bôi bác - mô tả vị chí sĩ yêu nước như một người rừng”.

Ý thức làm nghề thấp, hạ tầng yếu kém, chưa nhiều cải tiến trong quy trình cấp phép, cũng không có các chính sách ưu đãi thuế… Còn quá nhiều rào cản trên con đường hợp tác làm phim nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam, kích cầu cho du lịch phát triển. Tay không bắt giặc cách nào? 

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI