Quảng bá các tác phẩm chất lượng: Cần có sự chủ động hơn từ các đơn vị nghệ thuật

12/02/2022 - 06:47

PNO - “Những tác phẩm đề tài cách mạng, tuyên truyền luôn cần sự hỗ trợ của Nhà nước, tuy nhiên các đơn vị trước hết phải nỗ lực tìm cách để được hỗ trợ, chứ không thể đòi hỏi tự dưng có người đến giúp”

Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM vừa triển khai chương trình đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trước mắt là đưa những tác phẩm đạt giải A, giải B của giải thưởng Sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2010 - 2020 đến với rộng rãi công chúng.

Được TP.HCM triển khai từ năm 2008, đến nay, qua năm đợt trao giải, giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tôn vinh hơn 200 tác phẩm trên các lĩnh vực âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, văn học, múa, nhiếp ảnh, mỹ thuật.

Khác với định kiến ban đầu cho rằng chủ đề này khô khan, hạn chế sáng tạo, giới sáng tác đã tiếp cận chủ đề này sôi nổi với đa dạng góc nhìn và phương thức. Với nhà nhiếp ảnh Nguyễn Thanh Tâm (nguyên Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.HCM), hưởng ứng đề tài này chỉ đơn giản là “chụp những gì đẹp nhất, tích cực nhất”, và “học tập Bác nghĩa là 400 hội viên Hội Nhiếp ảnh TP.HCM và hàng ngàn tay máy trẻ yêu thích nhiếp ảnh đang đi tìm cái đẹp, chuyển tải cái đẹp đến mọi người để sống đẹp hơn”.

NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B, đã rất chủ động và nỗ lực để đưa Dấu xưa đến với đông đảo khán giả
NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B, đã rất chủ động và nỗ lực để đưa Dấu xưa đến với đông đảo khán giả

Còn với “bà bầu” sân khấu Trịnh Kim Chi, bên cạnh các vở diễn thị trường để tìm doanh thu vẫn mong muốn “thể hiện trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ” qua các tác phẩm đề tài cách mạng, phục vụ không chỉ những khán giả là cán bộ, công chức viên chức của thành phố… mà còn là đông đảo công chúng.

Với số lượng tác phẩm tham dự giải thưởng Sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt sau cao hơn đợt trước, thu hút nhiều lực lượng sáng tác trong và ngoài công lập, có thể nói, giải thưởng đã có sự lan tỏa, tạo động lực sáng tạo cho người nghệ sĩ. Tuy nhiên, thực tế là số tác phẩm đến được với đông đảo công chúng vẫn còn hạn chế.

Tính riêng ở lĩnh vực sân khấu, hơn mười năm qua, đã có trên dưới 20 vở diễn đạt các giải cao của thành phố và Trung ương, như: kịch Tội ác và quyền lực (sân khấu Phước Sang), Châu về hợp phố (sân khấu Hồng Vân), Rặng trâm bầu (sân khấu Trịnh Kim Chi), Điều ước thiêng liêng, Dấu xưa (Kịch 5B), Cánh đồng rực lửa (sân khấu Quốc Thảo), Dòng xoáy nghiệt ngã (Nhà hát Kịch TP.HCM)…; các vở cải lương Đường chân trời, Thành phố buổi bình minh, Chiến binh, Ngày đó họ đều còn trẻ (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang); nhạc kịch Cây bàng vuông (Hội Sân khấu TP.HCM); hát bội Lê công kỳ án (Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM); kịch múa Tổ quốc (Trường Múa TP.HCM), Chạm tay vào quá khứ, Còn mãi bản hùng ca (Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM)…

Trong đó, với khoảng 70 suất diễn/vở, hai vở kịch Dấu xưa (Kịch 5B) và Rặng trâm bầu (sân khấu Trịnh Kim Chi) là có đời sống dài nhất. Thực tế, các vở diễn đề tài cách mạng đều rất khó bán vé, và cả hai đơn vị xã hội hóa đều đã chủ động đề xuất sự hỗ trợ từ Thành ủy TP.HCM. Tương tự, “ông bầu” kiêm đạo diễn Lê Nguyên Đạt của sân khấu Sen Việt đã chủ động “gõ cửa” Liên đoàn Lao động TP.HCM để đưa vở cải lương Tổ quốc nơi cuối con đường kể về giai đoạn Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông phục vụ hơn 6.000 người lao động của thành phố…

Vở ca vũ nhạc kịch Cây bàng vuông hoàn toàn có thể bán vé, tạo doanh thu nếu có sự nỗ lực và chủ động của người làm nghề
Vở ca vũ nhạc kịch Cây bàng vuông hoàn toàn có thể bán vé, tạo doanh thu nếu có sự nỗ lực và chủ động của người làm nghề

Tuy nhiên, phần còn lại vẫn chỉ gắng gượng vài suất diễn rồi đành xếp kho. Trong đó, trường hợp của vở ca vũ nhạc kịch Cây bàng vuông khá đáng tiếc, khi đây là vở diễn hội đủ các yếu tố để có thể bán vé. Câu chuyện về những người lính canh giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đã được đạo diễn Hoa Hạ và dàn diễn viên trẻ thể hiện sinh động và đầy mới mẻ, mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả. Hiếm có vở diễn nào khai thác đề tài khó, mà lại trẻ và “bắt trend” được như Cây bàng vuông. Thế nhưng, vì nhiều lý do, vở vẫn chỉ dừng lại là một “tác phẩm phục vụ chính trị” trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước, chưa thực sự chủ động để có thể đến với đông đảo khán giả.

Một cán bộ Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho biết Ban Tuyên giáo sẵn sàng tham mưu cho thành phố có chính sách hỗ trợ các tác phẩm chất lượng, nhất là những tác phẩm “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhưng vẫn cần có sự chủ động đề xuất từ ngành văn hóa và từ chính các đơn vị nghệ thuật đang sở hữu tác phẩm. Ở đây, cần có sự kết nối và thấu cảm từ cả hai phía.

Đạo diễn Hoàng Duẩn cho biết anh dàn dựng vở kịch Câu hò đất mẹ không chỉ để tham gia Liên hoan Kịch nói toàn quốc (đợt 2) vừa qua, mà còn nhằm hưởng ứng giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Hướng đến phục vụ học sinh - sinh viên TP.HCM và cả lưu diễn các tỉnh, ê-kíp vở diễn đã liên hệ Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM và Thành đoàn nhờ hỗ trợ, đồng thời cũng có kế hoạch tiền trạm tại các địa danh lịch sử để đưa vở đến phục vụ khán giả tại các nơi Liệt sĩ Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai đã hy sinh.

“Những tác phẩm đề tài cách mạng, tuyên truyền luôn cần sự hỗ trợ của Nhà nước, tuy nhiên các đơn vị trước hết phải nỗ lực tìm cách để được hỗ trợ, chứ không thể đòi hỏi tự dưng có người đến giúp được”, đạo diễn Hoàng Duẩn bày tỏ.

TP.HCM đã chính thức có kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nguồn tác phẩm chất lượng này. Kế hoạch này sẽ là bệ đỡ để đưa các tác phẩm có giá trị đến với công chúng rộng rãi và thường xuyên hơn. Vì không lý gì những tác phẩm hay, xúc động, có ý nghĩa giáo dục rất tốt, được sáng tạo bằng trí tuệ, công sức của nhiều văn nghệ sĩ lại phải nằm trong kho. Và Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cũng mong muốn thay đổi cách tuyên truyền hướng đến xây dựng thương hiệu một giải thưởng truyền cảm hứng hơn là mang đậm tính chính trị. 

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI