Nằm nhỏ gọn trong ngõ 7 Hoàng Minh Giám (quận Thanh Xuân, Hà Nội), quán trà nhỏ của Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ hòa nhập VKAGBE gần như không có gì đặc biệt so với một quán nước thông thường. Tuy nhiên, đây là nơi đem lại giấc mơ cho trẻ tự kỷ, đưa các em hòa nhập với cộng đồng.
Khách “chiều ý” nhân viên
Bước vào quán trà hoa quả VK (thuộc trung tâm VKAGBE), tôi không nhận thấy gì khác biệt ngoài câu chào rất sớm của cậu thanh niên có gương mặt thanh tú, trắng trẻo. Cậu mau mắn mời tôi ngồi rồi liên tục hỏi: “Chú uống gì ạ?”. Do đã biết trước, tôi không thấy khó chịu khi bị hỏi liên tục như vậy.
Sau khi tôi chọn một loại trà, cậu thanh niên nhanh chóng chạy đi làm rồi bê ra, không quên câu: “Cháu mời chú ạ!”, “Cháu cảm ơn ạ!”… Bất kể câu nói nào của cậu cũng đều đi kèm chữ “ạ”.
Đó là Trung Hiếu - học viên của VKAGBE. Hiếu đã được trả lương để làm nhân viên pha chế, phục vụ tại quán trà VK.
|
Trung Hiếu có khả năng giao tiếp tốt nhất nên được giao việc tiếp đón khách |
Ngoài Hiếu, quán trà còn một số nhân viên khác cũng cặm cụi làm việc; ai hỏi gì, các bạn chỉ cười rồi làm theo hoặc… lờ đi.
Một cô gái với cái tên dễ thương - Băng Băng có đôi mắt trong veo chỉ ngồi quan sát mọi người, thấy khách uống xong thì lập tức đứng dậy đi thu dọn ly, lau bàn. Nếu khách muốn mua mang về, cô bé nhanh chóng lấy các hộp trà xuống đưa cho khách.
Bùi Tuấn là nhân viên pha chế chính của quán. Với ưu điểm vẽ rất đẹp, Tuấn được giao vẽ những bức tranh trang trí cho quán hay viết thực đơn hằng ngày lên bảng.
Anh Nguyễn Trường Thọ - giáo viên hướng dẫn nghề và can thiệp phục hồi chức năng của trung tâm VKAGBE - cho biết, nhân viên của quán đều là trẻ tự kỷ đã được dạy nghề và đang làm việc cho quán.
“Từ học viên phải đóng tiền, hiện một số bạn đã bắt đầu được trả lương hằng tháng. Số tiền không lớn nhưng đủ để động viên tinh thần các bạn và cả gia đình”, anh Thọ chia sẻ. Anh Thọ cho biết thêm, trước đó có một số bạn chậm phát triển trí tuệ, sau khi được học nghề đã trở về mở quán với sự hỗ trợ của gia đình.
|
Bùi Tuấn được giao nhiệm vụ viết, vẽ, trang trí cho quán |
Anh Thọ kể, sự “nhanh nhẹn” của nhân viên phục vụ tại quán không ít lần khiến khách khó chịu và phản ánh với người quản lý. Tuy nhiên, khi biết đây là những bạn nhỏ mắc chứng tự kỷ, họ lại vui vẻ, sau đó thường xuyên tới ủng hộ. “Các bạn có đặc điểm là làm việc rập khuôn như… máy. Có lần vừa mang đồ ra thì anh khách lạ có điện thoại nên đứng dậy nghe, bạn Băng Băng thấy vậy lập tức ra thu dọn đồ mang đi rửa; may nhờ khách hiểu nên cho qua”, anh Thọ kể.
Chị Việt Phương - một khách quen tại quán trà VK - kể kỷ niệm với các nhân viên đặc biệt này. Đó là hôm chị bị viêm họng, đến quán gọi ly trà ít đá, nhưng theo đúng công thức nên các bạn cho lượng đá như bình thường. Chị Phương lấy muỗng gạt đá ra ly khác nhưng bạn pha chế nhìn thấy đã ra cho lại đá vào ly, nói trà này phải có đá.
“Lần đó tôi phải gọi thêm một ly trà nóng thì các bạn mới không cho đá vào. Tôi vừa thương vừa buồn cười bởi đấy là đặc điểm của các bạn nhỏ bị tự kỷ”, chị Phương chia sẻ.
Đang làm lại phải cho… chơi đồ chơi
Gần 5 năm gắn bó với nghề, anh Nguyễn Trường Thọ chia sẻ, ngày còn đi học, anh chỉ nghe mà chưa hiểu gì về trẻ tự kỷ. Sau khi tiếp xúc nhiều, anh rất bất ngờ khi biết trẻ tự kỷ có những khả năng đặc biệt mà ít người nghĩ tới. “Trung Hiếu là trường hợp tự kỷ chức năng cao. Bị khiếm khuyết về nhận thức nhưng Hiếu lại có khả năng chơi được hầu hết các loại nhạc cụ, nói chuyện lưu loát và tính nhẩm rất nhanh”, anh Thọ cho biết.
|
Băng Băng thường xuyên theo dõi, chờ khách đứng dậy thì dọn dẹp |
Theo anh Thọ, việc dạy nghề và để các bạn làm nhân viên phục vụ có những lợi thế nhất định. “Hầu hết các bạn mắc bệnh tự kỷ đều có tính rập khuôn rất cao nên học nghề rất nhanh và không làm sai so với hình mẫu”.
Tuy nhiên, để các bạn học được một công đoạn hay công việc nào lại rất khó khăn. Do các bạn khó tiếp nhận thông tin nên đội ngũ hướng dẫn của Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ hòa nhập VKAGBE phải sử dụng hình ảnh để truyền đạt. Các công đoạn chế biến, cắt gọt hoa quả được in ra thành ảnh để các bạn nhỏ xem, từ đó hình thành tư duy trong nhận thức của các bạn.
“Với những bạn khó tiếp thu hơn, chúng tôi càng phải chia nhỏ công đoạn, in nhiều hình ảnh để các bạn phân biệt và nhận thức được”, anh Thọ chia sẻ.
Chị Nguyễn Bích Thảo - giáo viên của VKAGBE - cho biết thêm, “nhân viên” ở đây không phải lúc nào cũng thích làm việc. Hơn nữa, các bạn đều không thể làm việc được lâu nên nhiều khi đang làm lại phải cho các bạn… chơi đồ chơi hoặc làm những thứ các bạn thích. “Có những hôm các bạn không hợp tác, chúng tôi buộc phải cho các bạn ngồi chơi để tránh bùng nổ hành vi”, chị Thảo nói.
“Mỗi bạn đảm nhiệm một công việc phù hợp với sở trường. Từ đó, các bạn sẽ làm việc theo đúng quy trình rập khuôn, không ai bị trùng công việc và đặc biệt là các bạn sẽ làm việc… không biết mệt mỏi khi đã thích”, chị Thảo chia sẻ thêm.
|
Anh Thọ dẫn bé Quang Minh đi chợ để làm quen với môi trường bên ngoài |
Chị Nguyễn Thị Thúy - Giám đốc VKAGBE - cho biết, quán trà này được mở từ tháng 8/2020. “Quán là không gian học tập, làm việc của những thanh thiếu niên tự kỷ. Tại đây, các bạn sẽ được học những công việc phù hợp với khả năng của mình, qua đó làm việc, kiếm tiền để bố mẹ không phải đóng tiền học”, chị Thúy chia sẻ.
Chị Thúy nói, khác với những người khiếm thị, khiếm thính vì dù có thể học kỹ năng giao tiếp từ người khác, các bạn tự kỷ rất khó xin được một nơi làm việc an toàn. Vì vậy, việc dạy một công việc phù hợp và để các bạn làm việc trong một không gian riêng là rất cần thiết. “Tôi mong muốn cùng phụ huynh đưa ra các ý tưởng, phát triển sản phẩm đang có để đẩy mạnh kinh doanh, giúp các bạn tự kỷ có việc làm và cải thiện thu nhập”, chị Thúy tâm sự.
Thực tế, các bạn tự kỷ không chỉ học nghề mà còn đang làm việc tại chính trung tâm VKAGBE. Hằng ngày, ngoài công việc tại quán trà, các bạn nhỏ cũng được hướng dẫn đi chợ, giao tiếp với người ngoài dưới sự giám sát của giáo viên.
Trong khi đang chế biến trà hoa quả, do thiếu nguyên liệu, anh Trường Thọ đã dẫn bạn Quang Minh (học viên trung tâm) ra chợ Trung Hòa gần đó mua thêm. Chị Thúy Ngân - tiểu thương tại chợ Trung Hòa - vui vẻ kể: “Các em dễ thương lắm, không nói thì không ai biết các em là trẻ tự kỷ. Mọi người ở chợ giờ cũng quá quen với hình ảnh các bạn cầm hai tờ tiền giống nhau ra chợ với “công thức”… “tờ này mua muối, tờ này mua rau”.
Chị Mai Anh - Phó chủ tịch Hội Người tự kỷ Hà Nội (mẹ của Trung Hiếu) - chia sẻ: “Tôi đồng hành cùng con đã gần 20 năm nay. Trước kia, Hiếu không thể tự lo cho sinh hoạt cá nhân nhưng gần đây, Hiếu đã có thể sắp xếp được công việc, bày tỏ cảm xúc và… tự đi làm. Tôi sẽ để Hiếu làm việc ở quán trà lâu dài bởi đây là môi trường rất tốt cho Hiếu”.
|
Bảo Khang