Quan sát trẻ từ đằng sau

31/01/2023 - 10:55

PNO - Tôi vẫn nghĩ, một đứa trẻ có thể học không giỏi nhưng chúng biết rón rén bước chân khi cha mẹ đang nằm ngủ hay khe khẽ nói nhỏ, tắt ti vi khi thấy đã quá giờ vào buổi tối.

Sát vách nhà tôi có hai đứa trẻ. Theo nhận xét của hàng xóm thì đó là những đứa trẻ ngoan và lễ phép. Chúng ngoan và lễ phép đến mức, đang chơi ở ngoài hẻm với bọn trẻ cùng xóm mà hễ thấy một người nào đó bất kể quen lạ xuất hiện, đi ngang qua là chúng chủ động chào “cháu chào bà”, “cháu chào ông, “con chào chú”…

Tất nhiên, đáp lại lời chào đó, người lớn đều nhẹ nhàng, “ờ giỏi, ngoan”. Một hôm, bọn trẻ đang chơi, liếc thấy một bà lão trong hẻm đi ra (bà bán vé số). Dường như bà có việc đi đâu đó nên bà đi ra, đi vào 2, 3 lượt và mỗi lượt như vậy bọn trẻ đều cất tiếng chào.

Ở nhà, những đứa trẻ này cũng hay chào, thưa ông, bà của chúng mỗi khi chuẩn bị đi đâu đó hoặc lúc về. Lắm khi, chỉ cần đẩy cửa vào là chúng phát ra câu thưa gửi như một cái máy “nội con mới về” mà chẳng biết có bà ngồi đó hay không.

Hai bé con của tác giả luôn biết nhường nhịn nhau
Hai bé con của tác giả luôn biết nhường nhịn nhau

Nhiều người công nhận chúng là những đứa trẻ ngoan. Nhưng cũng có lúc, họ chẳng thể biết, đằng sau hình ảnh những đứa trẻ ngoan kia là những đứa trẻ hành xử không biết điều và chẳng hiểu chuyện.

Ví như một đứa trẻ đã là học sinh lớp Mười một, nhưng đến việc cắm cơm, phơi đồ, đổ rác trong nhà… đều không hề biết nên cũng chẳng đụng tới. Chúng vin vào việc “còn nhỏ chỉ lo học hành” nên mọi việc trong nhà đều một tay bà nội “làm rước”. Có hôm, tôi nghe cô bé này hỏi bà “bấm máy giặt thế nào, con không biết bấm”.

Cô bé học lớp Mười một ấy đi học về là nằm bấm điện thoại, chat chit, chơi game online cùng bạn. Trong khi đó, bà nội của cô đã 70 tuổi, mắt kém, tay run vẫn phải nấu cơm, giặt đồ, phơi đồ (lúc ba mẹ của bé không có ở nhà). Có hôm gặp tôi, bà nội than suốt tuần cháu gái mở ti vi đến 1-2 giờ sáng. Bà già hay khó ngủ nên cứ nằm vật vờ, như người bệnh.

Có hôm, tôi giật bắn người vì nghe tiếng thất thanh của cô cháu gái và em trai của cô. Thì ra, hai chị em đang cãi nhau, âm thanh chát chúa khiến người ngoài cứ tưởng như đang có đám đánh nhau. Nhiều lúc bà ngoại can ngăn không được, cứ mặc kệ hai chị em cãi nhau đến lúc tàn cuộc. Thế nhưng, trước mặt mọi người, khi có mặt ba mẹ, hai chị em đều tỏ ra là những đứa trẻ nhỏ nhẹ và hòa thuận.

Con gái lớn của tác giả đã biết làm việc nhà từ lúc 7 tuổi
Con gái lớn của tác giả đã biết làm việc nhà từ lúc 7 tuổi

Thỉnh thoảng tôi thấy các con của mình chuyện trò, chơi với những đứa trẻ này và nhiều đứa trẻ khác trong xóm. Thế nhưng, tôi hạn chế không cho con giao du vì sợ con bị nhiễm thói “chỉ ngoan trước mặt mà hằn học sau lưng”. Tôi dạy con biết rằng, một đứa trẻ ngoan không nên có những hành xử như vậy. Có thể hôm nay con đi học quên chào, thưa gửi ông bà, nhưng cứ tập mỗi ngày và nhất là phải thưa gửi đúng với tình cảm và sự tôn trọng của mình dành cho ông bà. Hoặc tôi dạy con, vào buổi trưa hoặc buổi tối, lúc ông bà đã vào phòng ngủ, các con tuyệt đối đi lại nhẹ nhàng và không được đùa giỡn lớn tiếng phiền ông bà. Đã là chị em trong gia đình thì phải biết yêu thương, hòa thuận và nhường nhịn lẫn nhau. Các con tôi dù nhỏ nhưng đã tiếp thu rất nhanh. Thậm chí, bọn chúng còn tinh ý và áp dụng.

Thời gian tôi mang bầu bé thứ ba, tôi nghén rất nhiều. Mỗi lần đi học về thấy vậy, cả hai con gái đều xúm xít lại, đứa thì lấy thau, đứa thì lấy nước, đứa thì lấy khăn khi thấy tôi có cảm giác buồn nôn. Hôm nào đi học về mà thấy tôi nằm quấn mền ra vẻ mệt mỏi là cả hai lăng xăng đi lấy chổi quét nhà, dọn dẹp phòng ốc, mùng mền, chiếu gối gọn gàng thay mẹ. Khi tôi rửa chén, hai con cũng nhanh nhảu tham gia, dù con rửa xong tôi phải ngồi rửa lại thêm lần nữa cho sạch.

Tôi phơi đồ thì các con móc quần áo lên phơi dù cách con làm chưa được thuần thục, quần áo treo lên còn chưa được thẳng. Có hôm, mẹ chồng tôi khoe “hôm nay mẹ mệt nhức đầu nên đi nằm sớm. Pi (bé giữa nhà tôi) thấy vậy nên chạy đi kiếm cái khăn, nhúng nước và đắp cho bà. Nó còn sờ trán bà rồi còn bóp chân cho bà nữa”. Nghe mẹ kể vậy, tôi thật vui vì ít ra tôi cũng đã dạy cho các con tôi những điều đúng và chúng đã biết thực hành.

Tôi vẫn nghĩ, một đứa trẻ có thể học không giỏi nhưng chúng biết rón rén bước chân khi cha mẹ đang nằm ngủ hay khe khẽ nói nhỏ, tắt ti vi khi thấy đã quá giờ vào buổi tối để những người xung quanh không bị làm phiền, đó mới là những đứa trẻ biết điều, hiểu chuyện. Ngược lại, một đứa trẻ sắp vào đại học mà chưa từng biết vo gạo nấu cơm hay cầm cây chổi quét nhà trong khi ra đường thì quần là áo lượt, chưng diện nước hoa thơm phức, gặp người quen kẻ lạ cũng chào thì đó vẫn chưa đủ là đứa trẻ trưởng thành. Muốn biết một đứa trẻ có thực sự tốt hay không, chúng ta hãy nên quan sát trẻ từ đằng sau. 

Huyền Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI