Quán quân vua đầu bếp nhí Thanh Hải: Tết này em làm đầu bếp chính nhà nội

29/12/2016 - 06:30

PNO - Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn mắt tròn mắt dẹt không hiểu vì sao cậu bé Thanh Hải mới 13 tuổi lại tinh tế như thế trong nấu nướng. Nhưng đối với mẹ cậu - chị Ngọc Thanh, điều đó rất đỗi bình thường.

Việc Thanh Hải không nấu ăn, ngay từ lúc còn bé xíu, mới là… bất thường. Trong suốt cuộc thi Vua đầu bếp nhí mùa đầu tiên, Thanh Hải không hề rơi vào vòng nguy hiểm. Những món ăn mà cậu nấu, thường chỉ nhận lời khen ngợi từ giám khảo, trong đó khả năng tạo mùi vị là thế mạnh vượt trội giúp Hải nhiều lần chiến thắng.

Ở vòng đấu cuối cùng, món gan ngỗng áp chảo, táo hầm rượu vang cho khai vị; cá hồi áp chảo xốt bưởi và tráng miệng với panna cotta xốt chanh dây và xốt xoài của Thanh Hải là cú knock-out, “hạ gục” người bạn Đức Hải để giành ngôi quán quân. Trong đó, panna cotta là món Hải học từ mẹ.

Như nhiều bạn khác, cảm hứng nấu ăn của Thanh Hải đến từ bậc sinh thành. Ngay từ hồi sáu-bảy tuổi, mỗi khi mẹ nấu ăn, Hải lại lân la vào bếp quan sát. Chị Thanh đến giờ vẫn còn nguyên sự ngạc nhiên khi nhắc lại khả năng ghi nhớ của cậu con trai. Ngày ấy, trong một lần nấu ăn, chị có đề cập việc cho vào chảo dầu vài giọt cốt chanh để thức ăn giòn hơn khi chiên. Hải nhớ, để rồi khi thấy các cô chú vào bếp mà không làm như thế, Hải liền nhắc, khiến ai cũng tròn mắt.

Quan quan vua dau bep nhi Thanh Hai: Tet nay em lam dau bep chinh nha noi
Thanh Hả i và mẹ

Hải bắt đầu con đường nấu nướng bằng việc… pha nước mắm, do quá bé để đứng bếp. Nhưng chỉ sau vài lần, Hải trở thành “nhà vô địch” vì pha nước mắm cực ngon. Khi Hải sử dụng được dao, mẹ thỉnh thoảng chỉ bảo vài thứ, như món này thì nêm gì, món kia ướp ra sao… Thấy con hay quan sát nên mẹ sẵn tiện hướng dẫn, chứ chị Thanh chưa từng nghĩ đến chuyện con mình có ngày vui thú với nấu nướng đến thế.

“Tới lúc này thì Hải ăn đứt mẹ về khoản kho cá. Hải kho cá bớp, cá cơm… rất ngon”, chị Thanh cho biết. Về khả năng đặc biệt của Hải là cách tạo mùi vị, chị Thanh nói mình không đóng góp được gì cho con, vì đó là năng lực không đến từ sự chỉ bảo của người khác.

Thực tế, việc Hải vào bếp chịu ảnh hưởng lớn từ cha mình. Cha Hải sinh ra ở miền Trung, nơi mà người ta vẫn còn thấy việc đàn ông vào bếp là điều khá xa lạ. Là giám đốc vùng của một tập đoàn, công tác dày đặc trong tháng, lịch làm việc kéo dài đến cuối ngày, nhưng rảnh là ông lại vào bếp mà không nề hà. Từ nhỏ đã chứng kiến cha làm bếp, nên với Hải, việc đàn ông vào bếp là bình thường, dù thỉnh thoảng vẫn có người đặt câu hỏi đàn ông sao lại vào bếp.

Khi được hỏi về khả năng nấu ăn, Hải vẫn nghĩ mình được thừa hưởng gen từ cha, “ba nấu ăn ngon lắm” - Hải nói. Khi Hải 10 tuổi, cha phải chuyển công tác vì yêu cầu công việc, cả nhà quyết định thời gian đầu em gái Hải ở lại Nha Trang cùng mẹ, còn Hải vào Sài Gòn với cha, để… chăm sóc cha. Ở lứa tuổi mà trẻ thành thị còn được cha mẹ chăm chút từng bữa cơm, thì Hải đã lo liệu được những bữa ăn cho cả hai cha con.

Nhân viên siêu thị dưới chung cư nơi cha con Hải ở, từ lâu đã quen với cậu trai vóc dáng bé xíu, mỗi chiều mặc bộ đồng phục học sinh đứng chọn cá lựa rau. Xong việc học của mình, về đến nhà là Hải đi mua thức ăn, đều đặn mỗi ngày như thế. “Các cô chú dưới siêu thị biết Hải nhiều hơn biết tới vợ chồng tôi”, chị Ngọc Thanh kể.

Cũng theo chị, vợ chồng chị không chút lo lắng khi quyết định để Hải vào Sài Gòn với cha, vì từ bé, Hải đã rất tự lập. Chưa bao giờ Hải để cha mẹ nhắc nhở việc học hành hay ăn uống, đói Hải tự khắc đi nấu để ăn, sáng tự dậy chuẩn bị cặp xách để cha đưa đi học, tối đến giờ học tự ngồi vào bàn làm bài… Thời gian sau, khi mẹ và em gái cũng chuyển vào Sài Gòn, Hải là người đảm đương khoản nấu ăn sáng cho em. Mỗi sáng khi cha mẹ còn ngủ hoặc đang lo việc riêng, anh em Hải đã tự gọi nhau dậy, anh nấu ăn cho em rồi chuẩn bị mọi thứ.

Có lần, bạn bè trong lớp không tin Hải biết nấu ăn, thế là Hải mời các bạn về nhà trổ tài làm món gà rán, từ đó không còn bạn nào bảo Hải “nổ” nữa. Khi MasterChef Junior chưa về Việt Nam, Hải đã xem chương trình này trên các đài nước ngoài. “Nếu chương trình về Việt Nam thì mẹ cho con đi thi nhé”, Hải đã nói thế. Ngay khi phiên bản chương trình được Việt Nam sản xuất, với tên Vua đầu bếp nhí, Hải lập tức đăng ký. “Lúc đó con cũng chỉ nấu các món ăn ở nhà thôi chứ chưa biết món này món kia, con phải lên các kênh nấu ăn trên mạng mà xem”, Hải kể.

Ngồi điểm lại, Hải vẫn nhớ như in cảm giác lo lắng của mình khi chế biến món lươn: “Nhà con chưa từng ăn lươn, con cũng chưa từng biết sơ chế nó ra sao”. Vậy mà bằng sự sáng tạo của mình, Thanh Hải đã khiến món ăn bình thường là lươn xào sả ớt được giám khảo hết lời khen ngợi. Còn với cha mẹ Hải, dù biết con ở nhà nấu ăn rất ngon nhưng khi đưa con đi thi, nhìn Hải kết hợp nguyên liệu và phân tích mùi vị, hai người hết sức ngỡ ngàng.

Quan quan vua dau bep nhi Thanh Hai: Tet nay em lam dau bep chinh nha noi
Thanh Hải say sưa với món ăn của mình

“Ở nhà cháu chỉ nấu những món cơm canh kho bình thường thôi mà, không biết cháu tìm học những điều đó hồi nào nữa”, chị Thanh chia sẻ. Cha Hải, vì sợ con vất vả nên câu nói đùa quen thuộc của anh là: “Thôi vậy được rồi, rớt đi rồi về đi học”! Ngày Hải nhận thông báo được vào vòng chung kết, để động viên tinh thần cháu, bà ngoại đã từ Nha Trang vào. Con bên trong thi, mẹ bên ngoài đợi. Giây phút chờ công bố kết quả, Hải căng thẳng một thì mẹ căng thẳng 10, trong khi con nhảy cẫng và hét lên sung sướng lúc tên của mình được xướng lên thì mẹ bật khóc.

Với Hải, đó là một đêm đáng nhớ, nhưng nhớ nhất là bà nội gọi vào, thông báo rằng tết này Hải sẽ đảm nhiệm phần nấu đám. Cha Hải có chín anh chị em, cộng với các anh chị họ nữa nên bữa tiệc tết nhà nội chưa bao giờ dưới 40 người. “Chắc chết quá!” - Hải “than” nhưng miệng cười toe. Từ nhiều năm trước, Hải đã là thành phần không thể thiếu trong “đội ngũ” nấu bếp cho bữa tiệc ấy. Khi thì Hải phụ trách phần ướp thịt nướng, khi thì chế biến món này món kia. Tết này, dự báo Hải sẽ được đôn lên làm đầu bếp chính của nhà nội.

Rời chương trình, Hải quay về với việc học ở trường. Hải nói, cậu chưa biết mình sau này có trở thành đầu bếp hay không, vì biết đâu hai-ba năm nữa mình lại có định hướng khác. Nhưng, dù có làm công việc gì, với Hải, nấu ăn hàng ngày vẫn là niềm vui. Với bố mẹ Hải, niềm vui to lớn mà anh chị nhận được không phải vì con bỗng dưng nổi tiếng hay vì số tiền 200 triệu đồng của giải thưởng, mà vì cô em gái tám tuổi của Hải, người chưa từng nghĩ đến việc sẽ nấu ăn, giờ đã bắt đầu mon men hỏi mẹ và anh trai cách… chiên trứng.

“Con đã biết chiên hai loại rồi, trứng đánh tan ra và trứng ốp-la”, em gái Hải hồn nhiên kể. Niềm cảm hứng nấu nướng mà Hải truyền cho em gái mình, truyền cho cả cha mẹ, đó mới là điều khiến cha mẹ Hải hạnh phúc. Cả nhà đã cùng nhau vào bếp làm những món bánh, như bánh Trung thu, panna cotta… (các món bánh ngọt là sở trường của mẹ Hải) mỗi người đảm nhiệm một khâu, cười nói vang nhà. Trong những lần ấy, mẹ là bếp trưởng, em gái lăng xăng ở các khâu nhẹ nhất và luôn miệng ganh tị rằng “tại sao anh ăn bao nhiêu cũng ốm, còn em hít không khí thôi cũng mập”, Hải là bếp phó… Giờ thì, tiếng cười còn rộn lên nhiều hơn trong căn nhà của cậu bé quán quân Vua đầu bếp nhí.

Nguyên Vĩnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI