Quận Phú Nhuận, TP.HCM: Công trình tạm 'nuốt' diện tích chung

18/03/2019 - 08:42

PNO - Từ tháng 11/2018 đến nay, người dân liên tục phản ánh đến Báo Phụ Nữ TP.HCM về việc thi công cẩu thả, không che chắn kỹ lưỡng làm bụi bay vào nhà dân, rớt vật liệu xuống đường.

Mới đây, UBND Q.Phú Nhuận (TP.HCM) cấp phép cho chủ công trình số 20 đường Trần Hữu Trang xây dựng công trình tạm trên lộ giới khiến người dân hết sức bức xúc. Trong khi đó, trên thực tế tại TP.HCM, không ít công trình tạm tồn tại lâu dài và việc xử lý càng lúc càng phức tạp, tốn kém ngân sách. 

Xây nhà lấn mặt đường, che trụ điện

Công trình nhà ở đang hình thành với quy mô bốn tầng ở số 20 Trần Hữu Trang, Q.Phú Nhuận xây dựng lấn ra mặt đường khoảng nửa mét khiến kiến trúc đô thị cả con đường trở nên hết sức... kỳ cục. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tháng 4/2018, chủ công trình này được UBND Q.Phú Nhuận cấp giấy phép xây dựng, trong đó cho phép xây dựng công trình tạm trên diện tích lộ giới là 5,6m2, có kết cấu bê tông, cốt thép. Với giấy phép trên, công trình này sẽ có diện tích xây dựng tạm ở tầng 1 là 34,81m2 và tầng 2 cũng tương tự.

Quan Phu Nhuan, TP.HCM: Cong trinh tam 'nuot' dien tich chung
Căn nhà số 20 Trần Hữu Trang xây trồi ra ngoài đường, tường nhà nằm sát đường dây điện

Đến tháng 1/2019 chủ công trình này được Q.Phú Nhuận cấp phép xây dựng mới theo hướng giảm diện tích xây dựng tạm lại, tầng 1 và tầng 2 đều chỉ còn 17,20m2, đồng thời diện tích xây dựng của tầng 1 và tầng 2 cũng bị giảm so với giấy phép xây dựng ban đầu. Với tờ giấy phép trong tay, chủ công trình ngang nhiên xây dựng trên lộ giới “theo đúng giấy phép xây dựng”. Bức xúc với việc cấp phép nêu trên, nhiều người dân đã gửi đơn khiếu nại lên cơ quan chức năng.

Không chỉ bức xúc với giấy phép xây dựng "đúng luật" mà không phải ai cũng có thể được cấp, người dân khu vực này còn phản ánh về việc thi công cẩu thả của công trình. Anh H.V. (P.11, Q.Phú Nhuận) cho biết: “Cách đây ít tháng, một thanh sắt nặng gần 5kg từ công trình này lao thẳng xuống sân nhà bên cạnh. Sau đó, lại xảy ra chuyện xô đựng hồ, tấm sắt rớt xuống đường. Nếu những vật dụng này rơi trúng người, chắc chắn có thương vong”. Từ tháng 11/2018 đến nay, người dân liên tục phản ánh đến Báo Phụ Nữ TP.HCM về việc thi công cẩu thả, không che chắn kỹ lưỡng làm bụi bay vào nhà dân, rớt vật liệu xuống đường.

Vì sao phải sửa đổi giấy phép xây dựng nhiều lần?

Tại TP.HCM, không ít công trình tạm tồn tại lâu dài và việc xử lý càng lúc càng phức tạp, tốn kém ngân sách. Năm 2018, cơ quan chức năng tại Q.7 đã phải cưỡng chế tháo dỡ nhiều căn nhà xây tạm tại P.Bình Thuận. Tại đây, ban đầu, người dân xin xây tạm công trình thể dục thể thao phục vụ cộng đồng trên đất nông nghiệp nhưng sau đó xây nhà kiên cố và bán lại cho nhiều người. Sau vụ việc này, nhiều cán bộ phụ trách địa chính - xây dựng ở địa phương đã bị kỷ luật.

Còn tại chung cư 55 Nguyễn Văn Thủ (P.Đa Kao, Q.1), người dân hết sức ngao ngán với “công trình tạm” đã tồn tại hàng chục năm qua, đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết. Chung cư này có diện tích sân chung khoảng 322,99m2 (là nơi để xe, công trình phụ, lối đi, đặt thiết bị chữa cháy...). Thế nhưng, theo thời gian, người dân đã lấn chiếm toàn bộ diện tích sân chung này để xây nhà ở. “Ban đầu họ xin xây tạm nhưng dần dần cơi nới thành nhà ở ngay tầng trệt chung cư, diện tích sử dụng chung bị chiếm đoạt hết. Đối chiếu với bản vẽ ban đầu của chung cư, có đến bốn  - năm nhà kiểu này ngang nhiên tồn tại, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không biết bao giờ mới bị xử lý” - một cư dân ở chung cư này bức xúc. 

Trở lại với công trình số 20 Trần Hữu Trang, trong một cuộc họp mới đây với cư dân, đại diện Phòng Quản lý đô thị Q.Phú Nhuận khẳng định, việc cấp phép xây dựng cho công trình nói trên là đúng. Phía UBND P.11 cũng khẳng định với chúng tôi rằng, việc xây dựng trên đúng theo giấy phép của UBND Q.Phú Nhuận cấp. Tuy nhiên, quan sát thực tế tại công trình nói trên, dễ dàng nhận thấy, công trình được cấp phép xây dựng lấn ra đường, phần tường nhà xây vượt ra ngoài một trụ điện; phía trên, dây cáp quang, dây điện móc thành từng chùm ép sát ngay tường nhà trông rất phản cảm và nguy hiểm. 

“Diện tích đất của công trình trên đã đủ hình thành nhà ở nên không cần phải ưu ái cấp thêm phần lấn lộ giới. Hơn nữa, toàn bộ nhà dân trên tuyến đường này đều xây thụt vào, bỗng dưng có căn nhà được xây ra ngoài làm xấu kiến trúc đô thị ở địa phương. Mặt khác, nếu cho phép công trình này xây lấn lộ giới thì công trình khác cũng phải được cấp phép tương tự, và con đường sẽ ra sao nếu người dân ở mặt tiền đường này đồng loạt xin xây lấn lộ giới?” - một kiến trúc sư đang công tác tại TP.HCM nêu quan điểm.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) dẫn điều 94 Luật Xây dựng cho rằng, việc xây dựng tạm chỉ có thời hạn nhất định ghi trên giấy phép xây dựng và phù hợp quy hoạch, không ảnh hưởng đến đô thị, cư dân… Nhưng theo phản ánh thì công trình trên xây lấn trụ điện, phần tường đẩy dây điện trồi ra ngoài và bị người dân khiếu nại do mất an toàn. Như vậy, cần phải xem xét lại việc cấp phép của UBND Q.Phú Nhuận. Luật sư Hùng nói: “Khi người dân phản ánh công trình trên xây mất an toàn, lẽ ra, cơ quan chức năng phải tạm dừng thi công. Việc tạo điều kiện cho chủ đầu tư hoàn thành công trình bất chấp khiếu nại của cư dân sẽ gây khó khăn cho quá trình xử lý sau này”. Luật sư Hùng cũng nhận định, có nhiều khuất tất, không minh bạch trong việc cấp phép cho công trình này nên mới xảy ra tình trạng sửa đổi giấy phép xây dựng nhiều lần; thanh tra Q.Phú Nhuận và Sở Xây dựng nên vào cuộc kiểm tra. 

Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI