Quản lý thực phẩm bằng hệ thống tiêu chuẩn

17/01/2025 - 06:24

PNO - Đối với người tiêu dùng, lời khuyên chung là không nên tiêu dùng thực phẩm không có nhãn mác, trừ khi biết rõ những sản phẩm này có nguồn gốc đáng tin cậy và được kiểm soát.

Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao mỗi dịp tết. Điều đáng lo ngại là vẫn có những cơ sở dùng chất cấm, chất độc hại để sản xuất thực phẩm.

Khi bị phát hiện dùng chất cấm để ngâm giá đậu, chủ cơ sở sản xuất Lâm Đạo (tỉnh Đắk Lắk) đã trưng ra giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, đồng thời cho rằng, những người làm nghề đi trước cũng sử dụng “nước kẹo” (dung dịch 6-benzylaminopurine).

Điều này cho thấy tệ nạn dùng chất cấm đã diễn ra từ lâu và khá phổ biến, đồng thời khâu kiểm tra của cơ quan chức năng sau khi cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm là chưa thường xuyên và bỏ sót nhiều cơ sở vi phạm.

Một quầy bán bánh kẹo tết ở chợ An Đông, quận 5, TPHCM - ẢNH: THANH HOA
Một quầy bán bánh kẹo tết ở chợ An Đông, quận 5, TPHCM - ẢNH: THANH HOA

Tình trạng buông lỏng kiểm tra sau khi cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo tôi là rất phổ biến. Giải pháp cho vấn đề này là thay đổi căn bản từ cách tiếp cận đến phương thức kiểm tra. Cách tiếp cận được thừa nhận rộng rãi trên thế giới là doanh nghiệp nông sản, thực phẩm phải chịu trách nhiệm đảm bảo thực phẩm an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng khi đưa ra thị trường.

Theo đó, doanh nghiệp phải được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn an toàn theo cách tiếp cận nhận diện mối nguy, quản lý từ nguồn và truy xuất được nguồn gốc. Các hệ thống kiểm soát chất lượng mà doanh nghiệp buộc phải áp dụng là hệ thống HACCP (phân tích và quản lý rủi ro), GAP (kỹ năng thực hành tốt, áp dụng trong khâu trồng trọt), ISO 22000, SSOP (quy trình vận hành đạt tiêu chuẩn vệ sinh), đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ, Nhật, EU hoặc của Việt Nam...

Các hệ thống này quy định tiêu chuẩn và quy trình thực hiện. Doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn cả về phần cứng (thiết kế nhà xưởng, đường đi của sản phẩm, nguồn nước cấp, chất thải…) và phần mềm (ghi chép các hoạt động trong quá trình triển khai thực hiện như sản lượng nhập, xuất, loại và lượng hóa chất sử dụng, tưới hoặc rửa, thời gian của công đoạn…).

Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đều phải được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn trên. Cơ quan kiểm tra chứng nhận đạt các tiêu chuẩn này hầu hết là các tổ chức độc lập, hoạt động như một doanh nghiệp nếu đủ tiêu chuẩn.

Cần lưu ý rằng, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam khá thấp so với các tiêu chuẩn quốc tế nêu trên.

Với sản lượng hàng hóa ngày càng lớn, trong khi biên chế nhân sự có hạn, các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm của Việt Nam cần học tập cách tiếp cận của các nước khác.

Một là bắt buộc các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm phải áp dụng và được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Hai là hệ thống quản lý cần được số hóa với sự tham gia bắt buộc của doanh nghiệp và các tổ chức chứng nhận độc lập. Các thông tin về quá trình triển khai tại doanh nghiệp phải được cập nhật trực tuyến theo thời gian thực. Cơ quan thẩm quyền kiểm tra giám sát trên việc theo dõi hệ thống này, kết hợp với kế hoạch kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra khi phát hiện sự cố bất thường.

Tất cả quy định nêu trên chưa được thể hiện đầy đủ trong Luật An toàn thực phẩm và cần được bổ sung vào luật.

Tôi đã thực hiện vài chuyến khảo sát các chợ đầu mối lớn ở TPHCM. Điều đáng ngạc nhiên là rau, củ, quả Việt Nam tại các gian hàng đều không có nhãn mác, không có địa chỉ, số điện thoại, trong khi khá nhiều lô hàng nhập từ Trung Quốc ghi rõ tên và số máy của đơn vị bán hàng và đã được cấp giấy chứng nhận của cơ quan kiểm soát tại cửa khẩu.

Coi lại thì Luật An toàn thực phẩm của Việt Nam không bắt buộc các hộ nông dân, trang trại phải ghi nhãn mác. Đây là một điểm nữa cần bổ sung vào Luật An toàn thực phẩm.

Đối với người tiêu dùng, lời khuyên chung là không nên tiêu dùng thực phẩm không có nhãn mác, trừ khi biết rõ những sản phẩm này có nguồn gốc đáng tin cậy và được kiểm soát. Dù sao, tỉ lệ thực phẩm không an toàn ở những kênh phân phối hiện đại vẫn thấp hơn thực phẩm được bán ở chợ, lề đường.

Các kênh bán hàng hiện đại của Việt Nam cũng cần phải cải thiện hệ thống kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm trước khi đưa lên kệ hàng của mình, và tốt hơn nữa là có cách thức kiểm soát riêng, có hệ thống tiêu chuẩn riêng.

Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch
Mai Ca (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI