Quản lý tài chính cá nhân thoạt nghe khá đơn giản nhưng để thực hiện hiệu quả đòi hỏi bạn phải có nguyên tắc, lập trường xuyên suốt. Đây được xem như một trong những bước để làm giàu. Các chuyên gia tài chính của Berich sẽ tư vấn giúp bạn quản lý thu, chi hợp lý.
Công thức “Jars”
Đây là công thức quản lý tài chính cá nhân khá phổ biến đã và đang được nhiều người giàu trên thế giới áp dụng. Dễ dàng thấy rằng quản lý tài chính thực ra là quản lý các khoản chi. Phương pháp của triệu phú T.Harv Eker sẽ giúp bạn quản lý tài chính cá nhân hiệu quả. Người nghèo: tiết kiệm = thu nhập - chi phí. Người giàu: chi phí = thu nhập - tiết kiệm.
Bạn hãy chuẩn bị sáu cái lọ (có thể là két sắt hay tài khoản ngân hàng) - gọi là sáu quỹ tài chính. Mỗi cái lọ có tên và chức năng nhất định. Mỗi khi có tiền lương, thưởng, lợi nhuận bán hàng hoặc bất kể nguồn thu nhập nào, bạn hãy chia khoản tiền này vào sáu cái lọ. Cụ thể sáu khoản được chia như sau:
Nhu cầu thiết yếu (NEC): 55%
Quỹ NEC giúp bạn đảm bảo nhu cầu thiết yếu hằng ngày của cuộc sống. Bạn dùng quỹ NEC để ăn uống, sinh hoạt; vui chơi, giải trí, mua sắm và các chi phí khác. Nếu hiện tại quỹ NEC của bạn ở mức trên 80% thu nhập, bạn cần tăng cường thêm nguồn thu nhập hay cắt giảm chi phí để đạt được tự do tài chính.
Tiết kiệm dài hạn (LTSS): 10%
Bạn cần quỹ LTS vì điều quan trọng không phải là bạn kiếm được bao nhiêu mà bạn giữ được bao nhiêu. Bạn sử dụng quỹ cho những mục tiêu lâu dài, thực hiện những ước mơ của bạn. Đây là quỹ dành cho khi khó khăn.
Giáo dục đào tạo (EDUC): 10%
Đầu tư tốt nhất là đầu tư vào việc học. Bạn cần quỹ EDUC để rèn luyện phát triển bản thân mỗi ngày. Bạn dùng quỹ EDUC để mua sách; tham gia các khóa đào tạo, diễn thuyết hay gặp gỡ, giao lưu để học hỏi từ những người thành công.
Hưởng thụ (PLAY): 10%
Quỹ PLAY để bạn hưởng thụ, giúp bạn thể hiện sự yêu quý bản thân; hưởng cảm giác của người thành công; làm những việc như người giàu và tăng cường khả năng đón nhận. Bạn sử dụng quỹ PLAY để mua áo mới, ăn món ăn yêu thích, cà phê với bạn bè…
Cho đi (GIVE): 5%
Cuộc sống còn là sự sẻ chia, bạn cho đi để nhận lại nhiều hơn. Quỹ GIVE giúp bạn thể hiện lòng biết ơn cuộc sống. Bạn dùng quỹ GIVE để làm từ thiện; giúp đỡ người thân; gia đình, bè bạn hoặc những người kém may mắn…
Quỹ tự do tài chính (FFA): 10%
Tự do tài chính là khi bạn sống một cuộc sống như bạn mong muốn mà không nhất thiết phải làm việc hay phụ thuộc tài chính vào người khác. Bạn cần lập quỹ FFA để có tiền làm việc thay cho bạn. Bằng cách này, bạn đã tạo ra “con ngỗng” đẻ trứng vàng để bạn sử dụng khi không còn làm việc.
Nguyên tắc áp dụng
Việc này cần làm ngay và tạo thành thói quen. Bạn hãy dành thời gian để ngồi tính toán lại tiền bạc của mình. Đầu tiên, hãy ghi ra số tiền bạn sẽ có mỗi tháng rồi chia đều cho các tài khoản theo tỷ lệ nêu trên. Không quan trọng số tiền bạn chuyển bao nhiêu, quan trọng là tạo thành thói quen hằng ngày.
|
Jars là công thức quản lý tài chính cá nhân khá phổ biến đã và đang được nhiều người giàu trên thế giới áp dụng |
Nếu bạn làm hằng ngày nhưng số tiền chỉ tăng vào mỗi cuối tháng, tức là bạn đang chỉ làm công, ăn lương. Hãy tìm thêm các nguồn thu nhập thụ động khác để bổ sung nguồn thu của mình mỗi ngày.
Lưu ý là không bao giờ được làm hao hụt quỹ vào những việc không đúng mục đích, chức năng của từng lọ. Đặc biệt, bạn không bao giờ được tiêu tiền trong quỹ tự do tài chính FFA mà chỉ dùng nó để đầu tư tạo ra thu nhập thụ động.
Theo các chuyên gia tài chính, để gầy dựng tài sản, bên cạnh nâng cao thu nhập, bạn phải tạo ra được khoản thu từ tiền tiết kiệm, lợi nhuận từ đầu tư và giảm chi phí sinh hoạt bằng cách đơn giản hóa cách sống của bạn. Khi tiền “đẻ” ra tiền, bạn sẽ đỡ bị áp lực và lệ thuộc vào công việc hơn.
Nhiều nước trên thế giới còn truyền lại phương pháp đặc biệt này để giáo dục tư duy triệu phú cho thế hệ sau. Nếu bạn tuân thủ theo công thức này, chắc chắn tương lai tài chính của bạn sẽ phát triển hơn.
Robert Kiyosaki, tác giả bộ sách Dạy con làm giàu, nói: “Không phải quan trọng là bạn có bao nhiêu tiền trong túi mà điều quan trọng là bạn giữ lại được bao nhiêu tiền” và làm cho số tiền đó sinh sôi nảy nở nhiều hơn. Vì vậy, khi cầm tiền trong tay, việc đầu tiên không phải là tiêu nó vào việc gì mà hãy nghĩ đến việc đầu tư số tiền này như thế nào.
Gạt bỏ tư duy cản trở
Nhiều người nghĩ rằng khi có nhiều tiền mới tính đến việc quản lý tài chính cá nhân. Đây là suy nghĩ sai lầm vì nếu không biết quản lý tốt số tiền bạn đang có, tài sản này chẳng thể nhiều hơn.
Một số khác lại thấy việc chia các khoản tạo cảm giác bị ràng buộc, không tự do chi tiêu thoải mái. Thế nhưng khi bạn đã tạo thành thói quen thì khoản nào ra khoản nấy sẽ giúp bạn chi tiêu hợp lý, không “lấn sân” dẫn đến thiếu hụt và bị động.
Không phải ai cũng quen với việc ghi chép lại các khoản chi tiêu trong ngày, nhưng nếu không cập nhật thường xuyên những khoản chi tiêu này, bạn sẽ khó nắm bắt được tình hình tài chính và cản trở việc thực hiện kế hoạch tiết kiệm của mình.
Việc cắt giảm chi tiêu sẽ khó khăn khi bạn đặt mục tiêu quá cao và không cụ thể. Bạn không nên đặt mục tiêu chung chung là tiết kiệm được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Không đề ra mục tiêu cụ thể sẽ làm cho bạn không thực hiện nghiêm chỉnh và làm giảm hiệu quả.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia tài chính, cắt giảm những chi tiêu không cần thiết là một biện pháp quan trọng trong việc cải thiện tình hình tài chính cá nhân. Hãy thực hiện chúng thường xuyên và có sự kiểm soát các khoản thu chi hằng ngày. Mỗi ngày, bạn chỉ cần 5 phút buổi sáng và 5 phút buổi tối lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu và kiểm tra quá trình thực hiện việc tiết kiệm trong ngày. Cắt giảm chi tiêu cũng có nghĩa là cắt giảm nhu cầu.
3 Mảnh ghép của tài chính cá nhân
Chính là kiếm tiền - chi tiêu - dành dụm. Nếu chi tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được, dòng tiền của bạn sẽ là âm và có nguy cơ nợ nần; ngược lại nếu chi tiêu ít hơn số tiền kiếm được, bạn sẽ có dòng tiền dương và có thể tích lũy, đầu tư sinh lời.
Khả năng kiếm tiền có thể mang lại cho bạn sự giàu có, còn lối sống tiết kiệm sẽ giúp bạn duy trì nó. Song song thực hiện cắt giảm chi tiêu và gia tăng thu nhập, bạn sẽ có một khoản dư để dành dụm và đầu tư. Nếu chỉ chú trọng đến cắt giảm chi tiêu mà không quan tâm đến tăng thu nhập và các khoản dành dụm đầu tư, bạn sẽ khó có được cuộc sống sung túc. Vì vậy, để thành công trong quản lý tài chính cá nhân, bạn phải tối đa hóa năng lực trong cả 3 lĩnh vực là khả năng tạo ra thu nhập, chi tiêu hợp lý và tạo ra thặng dư.
Rèn tính kỷ luật trong chi tiêu là điều cần thiết, bằng cách đi theo lối sống thanh đạm, đơn giản và thực hành chi tiêu có ý thức, chọn ưu tiên khoản chi quan trọng và hoãn lại cái mình muốn; tránh những khoản vay có lãi cao...
Bên cạnh đó, để tăng thu nhập, bạn nên nâng cao trình độ chuyên môn, chọn đúng nghề yêu thích và được trả lương ổn định; tranh thủ thời gian rảnh rỗi kiếm thêm
thu nhập…
Còn kỹ năng tiết kiệm chủ yếu liên quan đến những gì bạn làm với khoản thặng dư bạn có. Thay vì để tiền trong tủ và nhìn nó bị “ăn dần” bởi lạm phát, bạn hãy tìm hiểu các kênh đầu tư để có quyết định đầu tư phù hợp, tăng số tiền này lên.
Bạn có thể gửi câu hỏi hoặc chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân cho chuyên mục thông qua địa chỉ email: tuvantaichinh@baophunu.org.vn
Nguyễn Cẩm