Quản lý như doanh nghiệp sẽ “bó tay, bó chân” hộ kinh doanh cá thể

22/05/2020 - 08:26

PNO - Góp ý vào dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, không nên đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của luật này vì sẽ khiến chi phí phát sinh, gây khó khăn cho các hộ kinh doanh trong việc mưu sinh.

Sáng 21/5, thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phản đối việc mở rộng phạm vi điều chỉnh tới hộ kinh doanh.

Theo các ĐBQH, đa số hộ kinh doanh hoạt động theo kiểu truyền thống gia đình, quy mô nhỏ nên cần có luật phù hợp để điều chỉnh, theo hướng đưa hộ kinh doanh thành luật riêng để quản lý chặt chẽ hơn

ĐBQH Cao Đình Thưởng (tỉnh Phú Thọ) cho rằng, điều này có thể gây hiểu lầm, cán bộ quản lý sẽ coi hộ kinh doanh là doanh nghiệp, khiến các hộ bị phát sinh chi phí, thêm thủ tục. “Hình thức kinh doanh theo hộ rất đa dạng, linh hoạt và có sự điều chỉnh liên tục để thích ứng với biến động của thị trường. Do vậy, việc đưa vào luật sẽ bó tay, bó chân, gây khó cho các hộ trong việc kinh doanh” - ông Thưởng phân tích.

Theo ông Thưởng, nếu coi hộ kinh doanh như doanh nghiệp, thủ tục giải thể, phá sản sẽ phức tạp hơn: “Trong tình hình dịch bệnh như vừa qua, liệu cơ quan quản lý có kịp thời xử lý những vấn đề về giải thể, dừng hoạt động của hộ kinh doanh hay không?”. ĐBQH này đề xuất giao Chính phủ quy định cụ thể, rà soát và đổi mới chính sách để tăng cường quản lý và thu thuế cũng như các chính sách để thúc đẩy các hộ kinh doanh hiệu quả.

Đồng ý kiến, ĐBQH Dương Minh Tuấn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, hiện cả nước có trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó, trên 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế, trên 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ. Ước tính, tổng tài sản của 5 triệu hộ này là 655.000 tỷ đồng, nộp 12.362 tỷ đồng tiền thuế/năm, giải quyết 7.945 triệu lao động. Đa số hộ kinh doanh hoạt động theo kiểu truyền thống gia đình, quy mô nhỏ nên cần có luật phù hợp để điều chỉnh, theo hướng đưa hộ kinh doanh thành luật riêng để quản lý chặt chẽ hơn. 

ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy (tỉnh Hậu Giang) khẳng định, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp là không phù hợp. “Hộ kinh doanh hầu hết là buôn bán nhỏ lẻ, khác với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Vì vậy, để tránh tình trạng doanh nghiệp manh mún, siêu nhỏ, thiếu tính bền vững, tôi đề nghị cần cân nhắc và không nên đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Thay vào đó, có thể ban hành một luật riêng để điều chỉnh đối tượng này cho phù hợp hơn” - ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy đề xuất.

Đề xuất quy định hộ kinh doanh chỉ có dưới 5 lao động

Dù ủng hộ việc không quản lý hộ kinh doanh như doanh nghiệp, nhưng ĐBQH Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) lại đề xuất nên quy định lại số lao động trong hộ kinh doanh. Theo đại biểu Hòa, quy định hộ kinh doanh có dưới 10 lao động như hiện nay là nhiều, bởi chỉ cần 5 lao động trở lên là có thể thành lập doanh nghiệp: “Nên chăng phải quy định lại hộ kinh doanh có lao động ít hơn. Như vậy sẽ giảm đáng kể hộ kinh doanh, giảm bớt khó khăn trong quản lý”.

ĐBQH này nêu thực tế, không ít người cho rằng, thành lập doanh nghiệp thì phải kê khai thuế, lập sổ sách kế toán, tăng chi phí hoạt động kinh doanh và không dễ dàng như thuế khoán của hộ kinh doanh. Do đó, có nhiều hộ có quy mô sản xuất rất lớn, không khác gì doanh nghiệp nhưng vẫn đăng ký là hộ kinh doanh. Nếu quy định hộ kinh doanh có ít lao động hơn, chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho hộ kinh doanh sản xuất kinh doanh sẽ đúng đối tượng và triển khai thuận lợi hơn. Đại biểu Hòa đề xuất, nên chăng điều chỉnh hộ kinh doanh có quy mô lao động từ 5 người trở xuống.

Người có thu nhập thấp không cần đăng ký hộ kinh doanh?

Dự thảo luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng quy định đối với các hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, những người bán hàng rong, quà vặt, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp thì không bắt buộc phải đăng ký hộ kinh doanh. 

Liên quan tới vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Quốc Bình bày tỏ băn khoăn: “Xin đề nghị ban soạn thảo điều tra, khảo sát thêm hiện nay có khoảng bao nhiêu phần trăm hộ gia đình làm ăn kinh doanh dưới những hình thức này? Như thế nào là thu nhập thấp? Quy định như vậy có tạo ra sự so bì giữa những cơ sở kinh doanh cùng ngành, nghề?”. Đại biểu Bình cũng cho rằng, quy định như trên có thể khiến các hộ giảm động cơ và không muốn phát triển, nhằm né việc thành lập hộ kinh doanh để khỏi phải nộp thuế.

Huyền Anh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI