Hàng loạt “trò lố” vi phạm pháp luật, cảnh quan, thuần phong mỹ tục mang danh thúc đẩy du lịch, bảo vệ môi trường những ngày qua cho thấy, bên cạnh trách nhiệm “què cụt” của địa phương, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa - du lịch đang tỏ ra khá mờ nhạt.
|
Công trình vi phạm cảnh quan thiên nhiên trên đèo Mã Pì Lèng (Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) |
Cà phê đường tàu - “đặc sản văn hóa - du lịch” vi phạm an toàn giao thông tại Hà Nội - chỉ xuất hiện trên cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) trong mục điểm báo hoạt động ngành mà không có bất cứ đề xuất, chỉ đạo nào từ bộ để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Dù rằng ngày 8/10, báo Hà Nội Mới có dẫn quan điểm của Bộ VHTTDL cho biết các quán cà phê ở đường tàu không phải là điểm du lịch. Thế nhưng, với tinh thần “Chính phủ điện tử, khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, dịch vụ cổng trực tuyến và làm việc trên môi trường mạng” mà chính bộ đang triển khai bồi dưỡng cho cán bộ của mình, người dân có quyền băn khoăn về quan điểm chính thức của cơ quan quản lý cao nhất, về “thảm họa du lịch” mang tên cà phê đường tàu như thế nào trên cổng thông tin điện tử của bộ.
Cũng vậy, kênh giao tiếp chính thức của bộ tuyệt nhiên không hề đả động gì đến cú “khỏa thân vì môi trường”, nhưng lại ngầm ủng hộ công trình vi phạm cảnh quan thiên nhiên trên đèo Mã Pì Lèng (Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang).
Liên quan đến Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, dư luận dậy sóng với khu nhà nghỉ Panorama không chỉ vì vấn đề xây dựng không phép trên di tích này, mà còn đe dọa cảnh quan, môi trường và nhiều khả năng trở thành tiền lệ cho những vi phạm tương tự sẽ “mọc lên như nấm” - điều vẫn thường thấy trong “phát triển du lịch” ở Việt Nam.
Theo cổng thông tin điện tử của bộ, trả lời tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2019, ông Nguyễn Thái Bình - Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ VHTTDL - cho biết: “Chiều 6/10, Cục Di sản văn hóa đã có thông tin bước đầu về công trình xây dựng trái phép trên đỉnh Mã Pì Lèng”. Theo ông Bình, bất cứ ai, bất cứ thành phần nào cũng phải tuân thủ pháp luật. Ông khẳng định bộ không ủng hộ dù công trình có tính chất khuyến khích, thúc đẩy du lịch, nhưng không tuân thủ quy định, đồng thời nêu quan điểm phải có biện pháp, hình thức bảo vệ tốt nhất danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng. Người phát ngôn Bộ VHTTDL cũng cho hay, hiện bộ chưa hề nhận được bất kỳ văn bản nào của tỉnh Hà Giang đề nghị có ý kiến thẩm định đối với công trình xây dựng tại đèo Mã Pì Lèng.
|
Những hình ảnh của 4 người đàn ông khoả thân ở Mã Pì Lèng khiến người xem "nhức mắt". |
Ông Bình cho biết thêm, trong ngày 8/10, đoàn gồm các chuyên gia, chuyên viên và Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa kiểm tra thực tế công trình vi phạm. Sau khi khảo sát, đoàn sẽ có ý kiến báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL và sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này. Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau, sáng 12/10, công trình bảy tầng trên đèo Mã Pì Lèng đã được sơn xanh. Phương án “phủ xanh” tòa nhà vi phạm bằng sơn đã được chủ đầu tư đưa ra sau khi các sở ngành tỉnh Hà Giang đề xuất đập bỏ một phần công trình, rằng: “Thay vì phải tháo dỡ, tôi sẽ phủ xanh toàn bộ, biến nó thành công trình hoang sơ”. Rõ ràng, đây là hành động xem thường pháp luật.
Dường như mọi hoạt động liên quan đến văn hóa - du lịch đã “bình chân như vại” cho đến khi xảy ra các “tai biến” gây bức xúc dư luận. Ngay cả trong phát ngôn của mình, đại diện Bộ VHTTDL chỉ dè dặt nêu ra sai phạm trực tiếp đến pháp luật xây dựng của nhà nghỉ Panorama. Vậy mà trong các nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ VHTTDL, Chính phủ đã giao cho bộ rất nhiều “vũ khí” để có thể lên tiếng, tham mưu, đề xuất và xử lý khá mạnh trong các vấn đề liên quan. Phải chăng các nhiệm vụ và quyền hạn về di sản văn hóa; văn hóa quần chúng, văn hóa dân tộc, về tài nguyên du lịch và quy hoạch du lịch… đã không đủ sức mạnh và cơ sở để các cơ quan quản lý ngành từ trung ương đến địa phương đưa ra những đề xuất hoặc ngăn chặn, xử lý sai phạm trong lĩnh vực văn hóa - du lịch?
Hơn thế nữa, các “thảm họa” như “cà phê đường tàu”, “khỏa thân vì môi trường”, “xây dựng không phép trên di sản”… lại cho thấy khía cạnh ảm đạm khác cũng xuất phát từ ý thức chức năng, nhiệm vụ còn giới hạn của quản lý ngành.
Có thể hiểu, sản phẩm du lịch là sự kết hợp giữa các yếu tố hữu hình và vô hình, như tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và nhân tạo, các điểm tham quan, cơ sở, dịch vụ và hoạt động xung quanh một trung tâm đại diện cho cốt lõi văn hóa của điểm đến, pha trộn và tạo ra trải nghiệm, cảm xúc cho du khách. Một sản phẩm du lịch đô thị đích thực theo nghĩa đó đang thiếu, nên mới có chỗ cho một đường ray xe lửa đang vận hành trở thành “điểm đến” văn hóa.
Nhà nghỉ trên Mã Pì Lèng chắc chắn không phải là loại hoạt động du lịch diễn ra trong một tâm thức tôn trọng và giữ gìn những đặc điểm và thuộc tính đặc biệt vốn có của một cảnh quan, địa hình, khí hậu, đa dạng sinh học hay hệ thực vật và cộng đồng địa phương. Muốn phát triển du lịch nông thôn và miền núi, điều kiện tiên quyết là sản phẩm du lịch đó phải kích thích tăng trưởng kinh tế địa phương, xem xét sự thay đổi xã hội, vì sự xuất hiện của nó đối với các hoạt động kinh tế khác, phải đóng góp vào GDP và tạo ra việc làm…
Như vậy sản phẩm du lịch nông thôn và miền núi hiện đang khủng hoảng các giá trị khi phát triển ồ ạt, bất chấp tác hại cảnh quan, môi trường và cộng đồng, thuộc trách nhiệm của ai? Câu hỏi sẽ cứ trôi dạt mãi trước sự “im lặng”, “mờ nhạt” hoặc “bất lực” của cơ quan quản lý, cho đến khi nó nổ ra “tai biến”, chả nhẽ cứ thế này mãi sao?
Quốc Ngọc