Quản lý, kiểm soát cháy nổ: Xử phạt chưa đủ sức răn đe

27/02/2013 - 10:17

PNO - PNO - Theo thông tin từ Bộ Lao động - thương binh và xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), trong năm 2012, toàn quốc xảy ra hơn 1.750 vụ cháy tại cơ sở, nhà dân, phương tiện giao thông và 155 vụ cháy rừng làm 73 người chết, 136 người bị thương. Thống...

Trong thời gian qua, có những vụ cháy nổ gây bàng hoàng dư luận như vụ cháy xưởng may tại huyện An Lão (Hải Phòng) hồi tháng 7/2012, làm 13 người thiệt mạng. Vụ nổ gas tại khu công nghiệp Khai Sơn (tháng 12/2012) tuy may mắn không có người thiệt mạng nhưng cũng làm 32 công nhân trọng thương, thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng. Gần đây nhất, vụ nổ hồi đầu tuần này ở Q.3, TP.HCM cũng đã tước đi tính mạng của 11 người… Rõ ràng, bên cạnh ý thức của các cơ sở kinh doanh, sản xuất cũng như người dân về phòng cháy chữa cháy chưa cao, còn phải kể đến trách nhiệm của công tác quản lý, thanh tra, giám sát của các cơ quan chức năng liên quan.

Lý giải cho điều này, ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn Lao động (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy, nổ luôn là một hoạt động trọng tâm nhưng thanh tra Bộ chủ yếu làm công tác đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ, thanh tra điểm, giải quyết khiếu kiện… nên chỉ có thể định hướng, hướng dẫn cho thanh tra địa phương. “Với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì việc kiểm soát phải được phân cấp. Các cấp địa phương phải tập trung nhiều hơn vì trung ương không thể làm thay được”, ông Thắng nói.

Quan ly, kiem soat chay no: Xu phat chua du suc ran de

Thiếu tướng Trần Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng cháy, nổ xảy ra như hiện nay là do công tác quản lý vũ khí và vật liệu nổ vẫn còn phức tạp. Hiện các bộ ngành đã có phân cấp quản lý vật liệu cháy nổ như Bộ Công thương phụ trách xăng, dầu; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý vũ khí. Quy định về quản lý vật dụng cũng khá đầy đủ, cụ thể là từ năm 2010, Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã được ban hành đi kèm nhiều quy định liên quan… Tuy nhiên, ông Dũng thừa nhận, việc kiểm tra, kiểm soát vũ khí, vật liệu nổ chưa đầy đủ nên chưa thể làm đến tận gốc! Theo ông Dũng, Việt Nam trải qua một thời gian dài chiến tranh nên vũ khí tồn tại trong dân rất nhiều. Biên giới dài, rộng cũng khiến công tác quản lý vũ khí từ Campuchia, Lào, Trung Quốc vào nội địa gặp khó khăn...

Ngoài ra, vấn đề xử phạt hành chính, xử lý vi phạm về cháy nổ và giáo dục hành vi vi phạm theo quy định hiện hành, theo ông Dũng, còn “chưa đủ sức răn đe”. Theo Nghị định 73/CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội, điều 13 về Hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm bị cấm, mức xử phạt cao nhất với việc sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn trái phép và mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép vũ khí, súng săn, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm cũng chỉ nằm trong khung xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng kèm theo xử phạt bổ sung (nếu có). Hành vi sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép; không kê khai và đăng ký đầy đủ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với cơ quan có thẩm quyền chỉ chịu mức phạt từ một-hai triệu đồng. Sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả bị phạt từ hai-bốn triệu đồng. Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ với số lượng nhỏ mà không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng không còn giá trị bị phạt từ bốn-tám triệu đồng...

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI