Quản lý học sinh dùng điện thoại bằng cách... trang bị điện thoại cho học sinh

07/12/2022 - 14:54

PNO - Trang bị điện thoại cho học sinh là cách làm đang được nhiều trường ở TPHCM áp dụng để quản lý học sinh.

 

Học sinh Trường THCS Lê Văn Tám sử dụng điện thoại bàn để liên hệ với gia đình
Học sinh Trường THCS Lê Văn Tám sử dụng điện thoại bàn ở trường để liên hệ với gia đình

Trang bị điện thoại cho học sinh sử dụng

Nhiều năm nay, Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) thực hiện quy định không cho học sinh mang điện thoại đến trường. Thay vào đó, nhà trường sẽ trang bị 4 điện thoại bàn đặt ngay khu vực cổng trường để học sinh có thể liên lạc, trao đổi với gia đình bất cứ khi nào.

Em Phạm Trần Thiên Ân (lớp 8/6, Trường THCS Lê Văn Tám) chia sẻ: "Từ khi bắt đầu học lớp 6 em đã thấy các bốt điện thoại ở cổng trường để học sinh liên lạc với gia đình. Em thường sử dụng điện thoại bàn của nhà trường để điện thoại cho ba mẹ nếu quên dụng cụ học tập hoặc sách, vở. Ngoài ra, khi nhà trường có việc gì cần thông báo, em cũng sử dụng điện thoại để trao đổi về cho ba mẹ, bất cứ khi nào. Tan học nếu ở lại trường ôn bài với bạn, em cũng sẽ điện để báo ba mẹ đến đón trễ hơn".

Thiên Ân cho hay, thỉnh thoảng một vài môn học các em cũng được thầy cô cho sử dụng điện thoại di động để tham khảo, nghiên cứu tài liệu, khiến tiết học trở nên thú vị, vui nhộn hơn. Tuy nhiên, các tiết học này đều được giáo viên thông báo trước với ba mẹ, được sự đồng ý của nhà trường mới triển khai.

"Theo em, việc nhà trường quản lý, không cho học sinh mang điện thoại di động bừa bãi vào trong trường là rất hợp lý. Vì khi mang điện thoại vào các bạn sẽ xao nhãng việc học, giờ ra chơi cũng không còn trọn vẹn mà chỉ chúi đầu vào điện thoại, rất ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học" - Ân bày tỏ.

Thầy Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám - cho biết, nội quy không cho học sinh mang điện thoại di động đến trường được nhà trường triển khai suốt nhiều năm nay và rất hiệu quả, được sự đồng thuận cao của phụ huynh, học sinh toàn trường.

"Quy định ban đầu cũng vấp phải phản ứng của một số phụ huynh, học sinh khi cho rằng sẽ khó khăn trong việc liên lạc. Tuy nhiên, song song với việc nghiêm cấm, nhà trường trang bị nhiều bốt điện thoại cố định để ở ngay cổng trường, bất cứ khi nào, bất cứ học sinh nào cũng có thể điện thoại về cho gia đình. Ngoài ra, ở phòng giáo viên, giám thị và tất cả giáo viên trong trường đều được quán triệt cho học sinh mượn điện thoại trao đổi với gia đình" - thầy Nguyễn Anh Tuấn nói.

Đối với quy định được phép sử dụng điện thoại trong giờ học, Hiệu trưởng này chia sẻ, nhà trường linh hoạt triển khai, song không mang tính đại trà. Giáo viên bộ môn xây dựng kế hoạch bài học, chỉ rõ hoạt động nào học sinh sẽ sử dụng điện thoại để tìm hiểu, trao đổi nội dung. Khi kế hoạch được thông qua, giáo viên sẽ thông báo đến phụ huynh để phụ huynh cho phép các em mang điện thoại di động đến trường. 

"Bảo mẫu" điện thoại di động

Tại Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), đầu mỗi buổi học, lớp trưởng các lớp có nhiệm vụ mang điện thoại di động của lớp xuống phòng giám thị gửi. Mỗi khối lớp sẽ có 1 giám thị riêng quản lý điện thoại di động của học sinh khối lớp đó. 

Theo cô Trần Thị Kim Thu - Tổng giám thị, Trường THPT Lương Thế Vinh, quy định gửi điện thoại di động trước giờ học được nhà trường triển khai nhiều năm nay, các khối lớp đều tuân thủ thực hiện. Mỗi sáng, lớp trưởng mang điện thoại xuống gửi, các em sẽ ký tên và báo số lượng. Điện thoại từng lớp sẽ được đựng riêng trong từng bịch. Cuối buổi học khi nhận điện thoại, các em sẽ đếm lại số lượng và ký nhận.

Bảo mẫu điện thoại của học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh
"Bảo mẫu" điện thoại của học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh

Cô Kim Thu chia sẻ: "Học sinh hay gọi thầy cô giám thị quản lý điện thoại là... "bảo mẫu" điện thoại vì thầy cô nghiêm lắm. Trong trường hợp giữa buổi học, học sinh nào cần lấy điện thoại di động các em sẽ xuống ký tên để nhận về, song nhà trường chỉ giải quyết khi học sinh có việc riêng phải về nhà giữa buổi học. Nếu để liên lạc với gia đình khi đang học ở trường, nhà trường đã trang bị riêng nhiều điện thoại di động đặt tại phòng giám thị, y tế, tài vụ, chỉ để phục vụ học sinh liên lạc về nhà. Ngoài ra, các em có thể mượn điện thoại của bất kỳ thầy cô nào khi muốn liên lạc với gia đình - điều này đã được nhà trường quán triệt trong tất cả các buổi họp".

Cũng theo cô Kim Thu, nếu tiết học nào giáo viên cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động thì giáo viên bộ môn đó phải làm đơn đưa xuống phòng giám thị quản lý điện thoại để nhận điện thoại về học. Cuối tiết học, lớp trưởng sẽ lại mang điện thoại di động của lớp đi gửi ở phòng giám thị.

"Khi không sử dụng điện thoại trong trường học, tôi thấy giờ học, giờ ra chơi của học sinh đều thực chất. Không có cảnh sổ đầu bài ghi học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học hay giám thị phải đi "lùng" học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Giờ ra chơi, các em vui chơi ở sân trường, đọc sách trong thư viện, tránh xa thiết bị điện tử..." - cô Trần Thị Kim Thu đánh giá. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI