Quản lý con tuổi teen

22/01/2017 - 06:30

PNO - Những người làm cha mẹ có bao giờ tự hỏi và có thể trả lời ngay được câu hỏi: Giờ này con mình đang làm gì, ở đâu, với ai, có bình yên…?”.

Vụ nữ sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Q.Gò Vấp, TP HCM) bị bạn nam học chung dung vật cứng đập vào đầu, giấu xác trong thùng xốp tại chung cư Hà Đô (Q.Gò Vấp) vào đếm 22/1/2017 như lời cảnh báo cho những bậc cha mẹ “mất song” với con.

Cha mẹ lơ là, teen đi lạc

Không chỉ ở lứa tuổi sơ sinh, trẻ nhỏ, mà trẻ tuổi teen cũng có nguy cơ lạc… mẹ bất cứ lúc nào. Các em thường mất tích sau khi đã báo gia đình là đi học chính khóa, đi tập múa, đi học thêm, dự sinh nhật, đi chơi với bạn… Nạn cướp giật, lừa gạt bắt cóc, buôn bán người ra nước ngoài làm nô lệ tình dục, lấy nội tạng… đã gây hoang mang cho nhiều phụ huynh (PH) khi con về trễ mà không báo trước, nhất là con gái. Xã hội đầy dẫy những vấn đề phức tạp khiến bài toán quản lý con cái tuổi teen càng nan giải, nhất là vào những dịp lễ tết, các em hào hứng với nhiều kế hoạch vui chơi bên ngoài cùng bạn bè.

Do vợ cũ thường xuyên đi công tác xa nên khi ly hôn, tòa án đã giao con gái duy nhất cho anh Tuấn K. (41 tuổi, kinh doanh xăng dầu ở Q.2, TP.HCM) trực tiếp nuôi dưỡng. Con gái lên lớp 8, đã điều khiển được xe đạp điện nên anh K. để con tự đi học. Thấy con lanh lợi và biết tự giác học tập nên anh hoàn toàn yên tâm, nới lỏng dần sự quản lý. Khi có việc cần, anh chỉ trao đổi với con qua điện thoại. Tiền tiêu vặt cho con, anh đưa mỗi đầu tuần, con cần thêm thì xin. Bước vào tuổi cần mẹ, con gái anh đêm thì về nhà với cha, đêm lại sang ở cùng mẹ (cũng ở Q.2).

Nửa năm nay, anh K. có bạn gái mới, sự quan tâm dành cho con gái càng lỏng lẻo hơn. Tai họa ập đến. Con gái anh bị một tên quen qua mạng xã hội (tự xưng là sinh viên trường luật) hẹn hò tại phòng trọ để tặng giáo trình, bỏ thuốc mê vào cốc nước để xâm hại cháu, rồi lấy cả điện thoại và xe đạp điện. Con đi đêm không về, anh không bận tâm tìm kiếm vì đinh ninh con sang nhà mẹ. 

Vợ chồng chị Hoàng V. (39 tuổi, công nhân vệ sinh, ngụ Q.6, TP.HCM) chỉ có một con gái (hiện 15 tuổi) nên dồn sức lo cho con đầy đủ cả vật chất lẫn tinh thần. Cùng nghề, vợ chồng chị phải làm lệch ca để đưa đón con đi học cho an toàn, hạn chế chuyện con tung tăng với bạn bè sau giờ học. Tuy nhiên, con gái chị không nghĩ cha mẹ đang chăm lo cho mình, mà luôn than thở là bị gò bó, mất tự do, rằng “sống mà bị bóp nghẹt thế này khổ còn hơn chết”.

Tết Nguyên đán sắp đến, cháu nằng nặc đòi theo bạn gái học chung về quê ngoại của bạn chơi. Chị Hoàng V. không đồng ý vì được biết đi với bạn gái đó chỉ là cái cớ để con gái cặp kè với anh họ của bạn, một thanh niên bỏ học sớm, thường tụ tập đá gà, đánh bài, nhiều khả năng nghiện ngập. Chị sợ “lửa gần rơm”, con gái khó giữ mình. Trước những viễn cảnh mẹ chỉ ra, con gái chị bịt tai, hét: “Nói như mẹ thì con là đứa ngu, hư hỏng à? Mẹ không tin con thì con buông xuôi luôn! Mẹ không cho con cũng đi. Nhà ở mà như nhà giam, chịu sao nổi!”. Rồi con gái chị không ăn uống, không nói chuyện để làm áp lực với cha mẹ. 

Sau nhiều vụ ồn ã như ba nữ sinh cấp II ở Đồng Nai rủ nhau trốn nhà, hai nữ sinh lớp 8 ở Bắc Ninh bỏ học nhiều ngày đi chơi… cho thấy có một thực tế là trẻ không mất tích chỉ vì bị kẻ xấu lừa gạt mà không ít trường hợp đã chủ động bỏ đi vì bất mãn gia đình, vì có những nhu cầu cần được thỏa mãn. Nhiều trẻ có vẻ ngoài rất ngoan hiền khiến PH lầm tưởng “chuyện gì cháu cũng chia sẻ với tôi”, nhưng thật ra lại không biết con mình đã chia sẻ đến đâu, kiểu gì…?

PH hoàn toàn không biết con đã giữ lại những bí mật nào không dám nói ra vì sợ bị cha mẹ ngăn cản, sợ bị la mắng, hoặc đơn giản chỉ là do sự ngăn cách của bức tường giao tiếp giữa các thế hệ. Cũng có thể trẻ không hình dung được những nguy cơ khi thiết lập các quan hệ, khi tham gia một cuộc chơi, nên thấy không cần phải trao đổi cho cha mẹ biết. Đó thật sự là một thách thức lớn với PH.

Quan ly con tuoi teen
 

Chặt cũng hỏng, lỏng cũng nguy

Theo thạc sĩ tâm lý Võ Thị Minh Huệ (Công ty Tâm Lý Trẻ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), “quản lý con sao để con được an toàn và phát triển?” là một câu hỏi mà PH rất quan tâm, nhất là khi con vào tuổi vị thành niên. Nhiều người nghĩ “phải thường xuyên để mắt đến con” thì sẽ yên tâm, nên chọn cách quản lý chặt thời gian của con, con đi đâu cũng đưa đón. Họ không hiểu, tuổi mới lớn rất khó chấp nhận sự kiểm soát đó, trẻ sẽ thấy gò bó, mất tự do.

Càng bị kiểm soát trẻ sẽ càng tìm cách đối phó bằng cách nói dối, tìm mọi cớ để đi chơi. Nghiêm trọng hơn là trẻ sẽ rất khó chia sẻ với PH thông tin về những hoạt động của mình, về những mối quan hệ bạn bè, nhất là chuyện yêu đương. Vì thế, trong khi cha mẹ luôn lo lắng thì trẻ ở tuổi này luôn nghĩ bản thân có thể tự giải quyết mọi vấn đề của mình.

Chúng ta không thể ngăn chặn được hết những nguy hiểm đang rình rập con, cũng không thể luôn có mặt bên con để bảo vệ nên phải tập cho con biết cách nhận biết những nguy hiểm ngay từ khi còn nhỏ. Không cần phải đe dọa con bằng những câu chuyện về sự nguy hiểm. Nếu luôn phải căng thẳng, lo sợ về sự nguy hiểm, con trẻ sẽ mất tự tin, thiếu niềm tin vào mọi người xung quanh và thiếu cả khả năng tự bảo vệ mình.

Để có thể làm chủ được những tình huống nguy cơ, trẻ cần được hướng dẫn và trao đổi, chia sẻ; được học cách cảm nhận những tình huống có thể gây tổn hại cho mình. PH cần tập cho con thói quen báo trước những chương trình, lịch trình của chúng bằng cách tôn trọng những thông tin con thông báo. Nếu cảm thấy không an toàn thì có thể góp ý, phân tích cho con biết mà đề phòng. Cha mẹ cũng cần có thói quen báo với con về lịch trình của mình. Khi thấy mọi người đều công khai lịch hoạt động cá nhân, trẻ sẽ không còn tìm cách giấu diếm, PH có thể biết phải tìm con ở đâu khi cần.

Quản lý con về thời gian, không gian, các mối quan hệ là việc nhiều người thường áp dụng với trẻ tuổi teen. Điều này tưởng như an toàn nhưng thật ra là không hẳn. Chúng ta cần dạy con về ý thức, về sự an toàn, về khả năng xử lý các tình huống khi cần. Đặc biệt, với trẻ mới lớn, chúng ta cần đàm phán về những kế hoạch, chia sẻ những cảm xúc, cho con biết những sai lầm của mình thời trạc tuổi con và cùng con học từ những sai lầm đó. Khi trẻ thấy mình được hiểu, được tin tưởng, được lắng nghe, được tôn trọng, chúng sẽ tỉnh táo hơn và xử lý khôn khéo hơn trước những tình huống nguy hiểm. 

Chị Khánh Hương (một bà mẹ từng may mắn giải nguy được cho con gái ở phút 89 khi bị bạn xấu lừa dắt đi “làm ăn xa”) chia sẻ: “PH và PH, PH và các thầy cô phải thông tin chặt chẽ với nhau để quản lý giờ giấc, việc học của trẻ. Sau lần con gặp nạn, tôi đã phân tích cho con về những nguy cơ và bảo con ghi ra tất cả những cảm giác, những tưởng tượng của tôi khi con không về đúng giờ quy định. Sau khi viết nhiều cái gạch đầu dòng, cháu đã bật khóc, ôm lấy tôi…

Từ đó, cháu thật sự thoải mái khi cha mẹ quan tâm, việc mà trước đây cháu cho là sự kiểm soát, quản thúc. Tôi nghĩ, điều cần thiết là giúp trẻ hiểu việc minh bạch thông tin có lợi như thế nào, để trẻ không nói dối hoặc giấu diếm nữa”.

                                                                                                            Tô Diệu Hiền

Người từ đủ 14 tuổi đã phài chịu trách nhiệm hình sự

Điều 12, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Theo quy định của điều 8, Bộ luật Hình sự thì “tội phạm rất nghiêm trọng” là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội đó là đến 15 năm tù; “tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội đó là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Đối với các nhóm tội như: cướp tài sản; cướp giật tài sản; cố ý gây thương tích; giết người; hiếp dâm; cưỡng dâm... tùy tình tiết và mức độ phạm tội, nhưng đa phần đây là nhóm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, trẻ từ đủ 14 tuổi trở lên nếu phạm tội thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự và bị áp dụng hình phạt, chế tài theo quy định của pháp luật. Tất nhiên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tố tụng phải áp dụng các quy định về người chưa thành niên phạm tội để xử lý, nhằm bảo đảm quyền lợi của trẻ em.

Hiện nay mức độ nhận thức, hiểu biết về pháp luật của trẻ em và cả các bậc phụ huynh vẫn còn hạn chế, nên tình trạng tội phạm gây ra bởi những em còn đang ngồi trên ghế nhà trường vẫn xảy ra khá phổ biến. Vụ án mới đây ở P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM liên quan đến hai học sinh THCS gây hậu quả rất đau lòng và xót xa. Đó là một bài học chung cho mọi người. Để ngăn ngừa tình trạng trẻ em phạm tội, phụ huynh và nhà trường cần chú trọng giáo dục tuyên truyền pháp luật, làm cho các em hiểu tính mạng của con người là vô giá, là bất khả xâm phạm.

Điều 33, Bộ luật Dân sự hiện hành quy định “cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Về uy tín, danh dự, nhân phẩm, về sở hữu tài sản cũng vậy, pháp luật đều có quy định và bảo hộ cho mọi công dân. Do vậy, mọi hành vi chiếm đoạt tài sản trái ý muốn của chủ sở hữu đều là vi phạm và nếu khi chủ sở hữu không đồng ý mà mình ra tay giết người để chiếm đoạt tài sản, thì cùng lúc đã phạm hai tội là giết người và cướp tài sản, đây được xem là hành vi cực kỳ nguy hiểm cho xã hội, thuộc tội đặc biệt nghiêm trọng. Đã đến lúc phải tăng cường giáo dục tuyên truyền, phải làm thường xuyên và mạnh mẽ để tất cả các em được biết và tránh xa việc phạm tội. 

Huỳnh Minh Vũ

( Luật sư - Đoàn Luật sư TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI