Quản lý chợ bỏ mặc hàng giả hoành hành

11/05/2018 - 06:37

PNO - Bến Thành, An Đông, Bình Tây… là những chợ truyền thống lớn của TP.HCM, là điểm đến mua sắm của khách du lịch, nhờ đa dạng hàng hóa, đặc biệt là hàng thời trang, quà lưu niệm. Song những chợ này cũng là “thủ phủ” hàng nhái,...

Công khai bán hàng nhái, giả

Ngay cổng vào chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM), cửa hàng Ngọc Hoa chuyên kinh doanh đồng hồ, mắt kính, túi xách, trang sức, quà lưu niệm… Chúng tôi hỏi mua đồng hồ, mắt kính, người bán báo giá dao động từ 100.000 - 5 triệu đồng/sản phẩm, mua nhiều bớt giá, có đủ các thương hiệu: Gucci, Rayban, Rolex, CK… 

Thắc mắc nguồn gốc, người bán cam kết là “hàng hiệu chính hãng”, “hàng xách tay” nhưng “không bảo hành”, “hàng lỗi thì mang tới đổi, sửa”. Thực tế, sản phẩm chính hãng các thương hiệu trên có giá rất cao, có thể đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng và luôn có bảo hành.

Quan ly cho bo mac hang gia hoanh hanh
Đồng hồ, mắt kính giả bày bán công khai tại chợ Bến Thành, Q.1, TP.HCM.

Tương tự, các cửa hàng Ngọc Oanh, Ngọc Nga, Thanh Phương, Ngân Hà… bên trong chợ cũng bán đồng hồ, mắt kính nhái, giả. Khi chúng tôi hỏi “sản phẩm các thương hiệu lớn sao giá rẻ vậy?”, chủ cửa hàng nói thẳng: “Là hàng fake (hàng nhái) nhưng là super fake, fake 1”. 

Đề nghị giấu tên, anh T. - chủ một cửa hàng đồng hồ, mắt kính tại đây - cho biết: “Tất cả đều là hàng Trung Quốc, chúng tôi mua qua đầu mối tại TP.HCM. Mua số lượng nhiều, giá vài chục ngàn đồng/cái, về bán kiếm lời. Hàng thật giá cao quá, mà có bán khách cũng không mua, vì khách chủ yếu mua làm quà tặng, đeo một thời gian đổi cái khác”.

Tại chợ An Đông (Q.5), Bình Tây (Q.6), ngoài đồng hồ, mắt kính, túi xách, còn bày bán quần áo, dây nịt, giày dép, ví da… giả các thương hiệu. Chúng tôi được chào mua một chiếc ví da hiệu Coach giá chỉ 250.000 đồng, một áo thun hiệu Adidas giá chỉ 120.000 đồng.

Nhiều người bán thẳng thừng: “Khỏi trả giá, hàng nhái mới có giá đó chứ hàng hiệu đâu rẻ vầy”. Đáng nói là, khi được hỏi, người bán nào cũng biết rõ kinh doanh hàng nhái, hàng giả là phạm pháp, nhưng họ vẫn bán, vì lợi nhuận cao. Có sạp bị cơ quan chức năng kiểm tra, thu giữ hàng, phạt tiền nhiều lần, nhưng cứ nộp phạt rồi… bán tiếp.

Theo anh T., tổng vốn hàng khoảng 100 triệu đồng, bán khoảng hai, ba tháng là thu lại đủ. Tính cả năm buôn bán vẫn đảm bảo lợi nhuận, nên không đến mức dẹp cửa hàng.

Ban quản lý chợ ở đâu?

Các cửa hàng bày bán công khai hàng nhái, hàng giả trong chợ, thậm chí có cửa hàng nằm sát bên phòng ban quản lý (BQL) chợ. Nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề thì BQL chợ né tránh. Ông Lê Minh Hiệp - Phó BQL chợ Bến Thành - từ chối trả lời với lý do “không thuộc thẩm quyền theo phân công phát ngôn”.

Theo quy định, BQL chợ có chức năng quản lý các hoạt động của chợ và tổ chức kinh doanh các dịch vụ tại chợ theo quy định của pháp luật. Đồng thời, BQL chợ có nhiệm vụ tổ chức quản lý, điều hành chợ hoạt động, tổ chức thực hiện nội quy chợ và xử lý các vi phạm nội quy chợ; trong đó, có nghiêm cấm kinh doanh hàng nhái, hàng giả.

“Toàn bộ hàng nhái, giả, khi phát hiện, sẽ bị tịch thu, tiêu hủy và chủ cửa hàng vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định.

Cửa hàng nào tái phạm sẽ bị xử phạt theo tình tiết tăng nặng, thậm chí rút giấy phép kinh doanh.

Tuy nhiên, mức chế tài hiện nay còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe, nên dù bị kiểm tra, xử phạt nhiều lần, các cửa hàng vẫn tái phạm.

Phải tăng nặng khung phạt và tăng cường xử hình sự nhiều hơn”.
Ông Nguyễn Văn Bách 
(Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM)

Theo ông Nguyễn Văn Bách - Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM - hàng nhái, giả bày bán ở hầu hết các chợ trên địa bàn thành phố và cả tại các trung tâm thương mại. Đã có các quy định rất rõ trong hợp đồng kinh doanh giữa BQL chợ và hộ kinh doanh, hàng bán phải có hóa đơn chứng từ, chính hãng, chất lượng.

Nếu nhắc nhở nhiều lần mà các hộ vẫn tái phạm, BQL chợ có quyền hủy hợp đồng, không cho tiếp tục buôn bán tại chợ. Rõ ràng, để tình trạng này diễn ra tràn lan là trách nhiệm của BQL chợ.

Ông Trần Hùng - Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công thương) - cho rằng, ngoài QLTT, BQL chợ cũng phải có trách nhiệm. BQL chợ phải buộc các hộ ký cam kết không được bán hàng nhái, giả. Hộ nào vi phạm thì không cho kinh doanh tại chợ nữa.

Lý thuyết là vậy. Quy định pháp luật cũng có đủ. Nhưng thực thi như thế nào là chuyện cần phải đặc biệt chú ý, bởi để tình trạng diễn ra tràn lan, công khai như hiện nay, không thể nói các BQL chợ không biết hoặc đơn giản là thiếu trách nhiệm.

Trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng, trách nhiệm giữ lấy niềm tin cho khách hàng và cho cả xã hội đôi khi lại nằm ở những điều tưởng như nhỏ nhặt thế thôi. 

Thực hiện Quyết định 334 của Bộ Công thương về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả từ nay đến hết năm 2020, ngày 10/5, Chi cục QLTT TP.HCM đã kiểm tra 20 cửa hàng kinh doanh đồng hồ, mắt kính, túi xách… tại chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM).

Qua kiểm tra, phát hiện cả 20 cửa hàng đều bán hàng giả, không có hóa đơn chứng từ; thu giữ 3.000 cái đồng hồ, mắt kính, túi xách giả các nhãn hiệu: Rolex, Franck Muller, Patek Philippe, Piaget, Montblanc, Chanel, Longines, Dior, Hermès, H&M...

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI