Quản lý chặt việc tái lập mặt bằng tại các công trình ngầm hóa lưới điện

07/09/2018 - 15:00

PNO - Đơn vị thi công nào còn để xảy ra tình trạng vệ sinh không tốt, cẩu thả, kém chất lượng, sẽ bị xử lý.

Trao đổi với báo chí chiều 6/9 về phản ảnh của người dân liên quan đến công tác ngầm hóa lưới điện, Ban Quản lý dự án lưới điện phân phối (thuộc Tổng công ty Điện lực TP.HCM) khẳng định, các đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm với ban nếu làm không tốt công tác tái lập mặt bằng.

Quan ly chat viec tai lap mat bang tai cac cong trinh ngam hoa luoi dien
 

Theo quy định của Tổng công ty, tất cả công trình dưới sự quản lý của Điện lực thành phố đều phải được bảo hành 3 năm. Đơn vị thi công nào còn để xảy ra tình trạng vệ sinh không tốt, cẩu thả, kém chất lượng, BQL sẽ thông báo để khắc phục kịp thời và sẽ có biện pháp xử lý. 

BQL thừa nhận, thời gian qua có xảy ra việc tái lập mặt bằng chưa đạt yêu cầu tại một số nơi, ngoài nguyên nhân do đơn vị thi công, còn có trách nhiệm giám sát của BQL.

BQL cho biết, trong quá trình thi công, có giai đoạn tái lập tạm. Bởi việc đào đường đặt cáp, ống trên vỉa hè hay lòng đường chủ yếu thi công ban đêm, từ 22g đến trước 5g sáng hôm sau phải dọn dẹp công trường. Do vậy phải việc tái lập tạm thường chưa đáp ứng như mong muốn ban đầu.

Ông Phạm Quốc Bảo - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM - cho biết, hiện việc đào đường đang thực hiện trên hành lang giao thông, tức vỉa hè, chứ chưa có hành lang kỹ thuật.

“Ở các nước song song với đường giao thông, luôn là hành lang giao thông, rồi đến hành lang kỹ thuật dùng bố trí các công trình kỹ thuật, sau đó mới đến chỉ giới xây dựng. Do đô thị chúng ta cũ, không có hành lang kỹ thuật mà chỉ có vỉa hè, hầu hết các công trình mà chúng ta gọi là công trình kỹ thuật đều tồn tại trên vỉa hè. Do đó, không thể tránh khỏi tình trạng giao chéo giữa các công trình và khi ngầm hóa lưới điện cũng gặp không ít khó khăn”, ông Bảo chia sẻ.

Theo quy định của UBND TP.HCM, khi đào đường phải theo các trình tự do thành phố ban hành. Khi kết thúc công trình, phải làm thủ tục bàn giao lại mặt bằng và ký kết bàn giao mặt bằng với đơn vị chủ quản của mặt bằng đó.

“Vỉa hè thì bàn giao cho phòng quản lý đô thị quận huyện, tuyến đường bàn giao cho các khu quản lý giao thông. Nếu đạt yêu cầu người ta mới ký tiếp nhận, còn chưa đạt thì phải làm lại cho đạt”, ông Bảo nói.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI