Quản lý chặt hơn dịch vụ phát thanh, truyền hình, OTT

14/10/2022 - 16:37

PNO - Dịch vụ phát thanh - truyền hình trong nước và quốc tế, dịch vụ truyền hình xuyên biên giới đang phát triển mạnh và đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý để phù hợp với tình hình.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông tin về  Nghị định 71/2022/NĐ-CP (Nghị định 71) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP trong quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình (PT-TH). Những thay đổi này được đưa ra sau thời gian dịch vụ PT-TH trong nước và dịch vụ truyền hình xuyên biên giới (OTT) phát triển nhanh chóng.

Netflix bị buộc gỡ phim Little women vì xuyên tạc lịch sử
Netflix bị buộc gỡ phim Little women vì xuyên tạc lịch sử

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu dịch vụ OTT đến thời điểm này đã tăng 300% so với cùng kỳ năm 2021. Với dịch vụ PT-TH trong nước, mức tăng cũng khá ổn: 9,5% so với năm ngoái. Từ chính những con số biết nói này cùng nhiều sự vụ ồn ào liên quan OTT suốt thời gian qua, việc cơ quan quản lý sửa đổi, bổ sung một số điều luật trong quản lý là phù hợp, thậm chí có phần chậm trễ so với tình hình thực tế.

Tuy nhiên, sự thay đổi cho thấy cơ quan quản lý nhà nước đã đánh giá được thực trạng và đưa ra hướng giải quyết vấn đề. 

Nghị định mới yêu cầu việc biên tập các nội dung phát hành phải được thực hiện chặt chẽ bởi các cơ quan có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực PT-TH. Trong đó, các dịch vụ được chia làm ba nhóm chính, gồm chương trình tin tức, thời sự (do cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động PT-TH sản xuất, biên tập), nhóm phim (phân loại phim theo tiêu chí do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định), và nhóm chương trình thể thao, giải trí (doanh nghiệp chủ động biên tập, phân loại theo quy định). Với OTT quốc tế, nội dung biên dịch do các đơn vị chủ động nhưng phải thượng tôn pháp luật Việt Nam, không vi phạm điều cấm.

Thời gian qua, các OTT nước ngoài trong đó có Netflix liên tục mắc sai sót trong khâu biên dịch, sử dụng từ ngữ chưa phù hợp, vi phạm về lịch sử, thuần phong mỹ tục và chủ quyền lãnh thổ...

Cho đến nay, cơ quan quản lý Việt Nam đã năm lần yêu cầu Netflix gỡ bỏ phim có nội dung vi phạm pháp luật việt Nam. Việc mắc sai sót liên tục buộc cơ quan quản lý tại Việt Nam phải có hình thức xử lý quyết liệt hơn, bởi nếu không hành động, sẽ hình thành những tiền lệ xấu.

Những quy định mới trong Nghị định 71 chủ yếu hướng đến việc quản lý các ứng dụng PT-TH được cấp phép trong nước. Ngoài ra, những nỗ lực để quản lý các nền tảng OTT quốc tế cũng được thể hiện bằng việc đưa ra nhóm quy định về quản lý cung cấp và sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam, không “thả nổi” như trước.

Với các nền tảng OTT quốc tế hiện chỉ hoạt động mà không đặt trụ sở tại Việt Nam, lâu nay cơ quan quản lý chỉ có thể nhắc nhở, yêu cầu xóa, gỡ bỏ nội dung, chứ chưa thể áp dụng hình thức phạt như các ứng dụng PT-TH được cấp phép trong nước. Sắp tới, cơ quan quản lý sẽ có biện pháp quản lý chặt hơn lĩnh vực này, tạo sự công bằng trong hoạt động giữa dịch vụ OTT trong nước và quốc tế.

Mình Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI