Quản lý chất gây nghiện quá lỏng lẻo

12/07/2017 - 14:35

PNO - Hơn 2.200 viên thuốc chứa chất gây nghiện không rõ nguồn gốc vừa được phát hiện ở một nhà thuốc tư nhân tại TP.HCM, tiếp tục đặt ra vấn đề đang nhức nhối trong việc quản lý các mặt hàng thuốc này.

Hơn 2.200 viên thuốc chứa chất gây nghiện không rõ nguồn gốc vừa được phát hiện ở một nhà thuốc tư nhân tại TP.HCM, tiếp tục đặt ra vấn đề đang nhức nhối trong việc quản lý các mặt hàng thuốc này.

Chủ đầu tư của nhà thuốc cho biết, số thuốc này được mua để sử dụng cho bệnh nhân tại phòng khám đa khoa của mình, có cùng địa chỉ với nhà thuốc. Tuy nhiên, tất cả đều không có hóa đơn chứng từ và không chứng minh được nguồn gốc.

Quan ly chat gay nghien qua long leo
Nhà thuốc Văn Chương (ảnh lớn) và loại thuốc gây nghiện được phát hiện tại nhà thuốc này (ảnh nhỏ)

Từ con đường đi “mù mờ” của lô hàng có chứa hoạt chất gây nghiện này, Sở Y tế TP.HCM nhận định có dấu hiệu liên quan đến Luật Phòng, chống ma túy nên đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Công an TP.HCM để tiếp tục theo dõi, điều tra và xử lý. 

Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên thuốc tân dược chứa chất gây nghiện, tiền chất gây nghiện bị nghi ngờ sử dụng sai quy định, cũng như sai mục đích trong điều trị khám chữa bệnh. Đầu tháng Sáu vừa qua, Công an TP.HCM đã triệt phá cơ sở sản xuất ma túy lớn nhất cả nước, thu 2,5 tấn tiền chất và hóa chất được các đối tượng sử dụng để sản xuất ma túy tổng hợp. Trên thực tế, các loại tiền chất ma túy này có mặt nhiều các loại thuốc trị cảm cúm, ho hen… nên các đối tượng đã lợi dụng để sử dụng sai mục đích.

Để xảy ra những vụ việc trên, rõ ràng việc quản lý các loại tân dược chứa chất gây nghiện, tiền chất gây nghiện hiện còn nhiều lỗ hổng. Trên thực tế, việc quản lý khâu xuất nhập khẩu tiền chất ở các công ty, đại lý cấp I được các đơn vị chức năng kiểm soát khá chặt chẽ, nhưng công tác quản lý từ chuỗi phân phối tiếp theo lại hầu như không bị bỏ ngỏ.

Theo Thông tư 19 của Cục Quản lý dược, hiện chỉ có năm công ty chịu trách nhiệm xuất nhập khẩu và cung ứng thuốc gây nghiện, tiền chất làm thuốc trên cả nước. Các nhà phân phối này bán buôn cho các công ty dược phẩm tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang cung ứng thuốc thành phẩm gây nghiện, tiền chất. Khi tới hệ thống bán lẻ, các nhà thuốc bán thành phẩm này phải đăng ký với sở y tế trên địa bàn để nắm bắt, quản lý. 

Tuy nhiên, cũng theo quy định này, các loại thuốc thành phẩm dạng phối hợp chứa hoạt chất gây nghiện, tiền chất thuộc vào danh mục thuốc không kê đơn và được phép bán lẻ tại các hiệu thuốc GPP trên cả nước. Đây chính là lý do, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua các loại thuốc thành phẩm dạng phối hợp có chứa chất gây nghiện, tiền chất như Tramadol, PSE… ở bất cứ một hiệu thuốc nào. Việc các nhà thuốc, theo quy định, phải ghi chép thông tin người mua loại thuốc, bấy lâu nay, dường như chỉ… nằm trên giấy!

Vấn đề quản lý thuốc gây nghiện, tiền chất đã được các đại biểu Quốc hội nhiều lần đem ra mổ xẻ, phân tích và chỉ ra các điểm bất ổn. Luật Dược năm 2005 có riêng một chương quy định về “quản lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc phóng xạ”. Tuy nhiên, trong Luật Dược năm 2016 (có hiệu lực từ 1/1/2017), những quy định này không được đưa vào, đặt ra nhiều vấn đề lo ngại trong quản lý các loại thuốc có chứa chất gây nghiện và tiền chất gây nghiện cùng những nguy cơ tiềm ẩn cho cộng đồng. 

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI