Quản lý an toàn thực phẩm: Vẫn loay hoay tìm giải pháp, mô hình

22/12/2017 - 10:51

PNO - Ngày 21/12, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp tổ chức hội nghị kết nối chuỗi hành động vì an toàn thực phẩm để hội nhập.

Quan ly an toan thuc pham: Van loay hoay tim giai phap, mo hinh
 

“Chết chùm” trong tư duy, ý thức lệch

Bà Huỳnh Thị Cẩm Châu - Phó giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (tỉnh Bến Tre) - cho rằng, nếu xem an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề hệ trọng của đời sống, thậm chí là an ninh quốc gia, thì yếu tố con người quyết định tất cả, hơn mọi biện pháp khác: “Ở khía cạnh này, tôi thấy truyền thông giáo dục còn nhiều thiếu sót, chưa giúp cho nông dân hiểu được một điều là: khi sản xuất nông nghiệp không an toàn thì bản thân nông dân phải gánh chịu hậu quả đầu tiên chứ không phải người tiêu dùng”.

Bà Châu có cảm giác rằng, dường như số người mắc ung thư nhiều nhất hiện nay chính là nông dân, bởi theo bà, nông dân tiếp xúc trực tiếp với hóa chất hằng ngày. Khi họ phun hóa chất xuống đồng ruộng, lên cây ăn quả thì người tiêu dùng chỉ “chịu trận” sau, người phun thuốc mới lãnh hậu quả đầu tiên. “Hệ thống giáo dục ở các nước phát triển trang bị cho học sinh ngay từ cấp I, cấp II biết sản xuất an toàn là như thế nào. Biện pháp xử phạt chỉ là phần ngọn. Vấn đề gốc là giáo dục ý thức con người” - bà Châu nói.

Ở khía cạnh ngược lại, bà Châu đặt vấn đề: “Người tiêu dùng lại có thói quen không chuộng những sản phẩm hữu cơ do màu sắc, hình dáng bên ngoài không đẹp mà giá cả lại cao. Chúng tôi đang bán nước cốt dừa hữu cơ ra thị trường Mỹ hay Bắc Âu rất tốt nhưng lại không dám bán ở thị trường trong nước, do màu sắc của nó sẫm chứ không được trắng đẹp như của Thái Lan”.

Theo bà Châu, doanh nghiệp (DN) phải chọn giải pháp không sản xuất thuần hữu cơ để đưa sản phẩm ra thị trường nội địa, và DN vẫn mong muốn tất cả các phụ gia đều phải được kiểm soát tốt nguồn gốc, để sản phẩm được an toàn.

Không phải cứ gắn mác “chuẩn” là an toàn

Bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) - cho biết, hiện Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao và BSA tập trung liên kết hợp tác với các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế để “thừa nhận lẫn nhau”, đồng thời giúp quảng bá thực phẩm ra thế giới qua các đơn vị chức năng, hiệp hội quốc tế, hệ thống phân phối ở các nước.

Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ là đơn vị được quốc tế công nhận để thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ DN đáp ứng được các tiêu chuẩn “thực hành sản xuất tốt” (GMP) tại Việt Nam. Ngoài ra, hội còn đề nghị thực hiện các bước để được công nhận cho việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP).

Theo ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, nhà sản xuất phải có ý thức nhập các tiêu chuẩn. “Không phải cứ gắn chuẩn là an toàn. Các tiêu chuẩn chỉ giúp cho chúng ta kiến thức và mong đợi của thị trường. DN phải thực sự vận dụng nó để vận hành cỗ máy từ sản xuất cho đến chế biến, để cho ra sản phẩm tốt. Lúc đó, các chuẩn chỉ cộng hưởng thêm để giữ giá trị uy tín cho sản phẩm” - ông Viên nói.

Về phát triển nguồn nguyên liệu, ông Viên cho rằng, nó phụ thuộc vào chiến lược của DN nhưng cũng lệ thuộc vào chính sách. “Có thể nói, vùng Đức Hòa, Đức Huệ (Long An) là nơi tốt nhất thế giới để trồng đậu phộng vì cho hàm lượng dầu rất cao, nhưng hiện vùng này đang đô thị hóa quá nhanh. Thật đau khổ” - ông nêu ví dụ.

Phát biểu tại hội nghị, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM - cho rằng, chúng ta vẫn đang loay hoay tìm giải pháp, mô hình để quản lý ATTP. Trước đây, quản lý chiều ngang, một sản phẩm có đến ba bộ chịu trách nhiệm; sau này khi có luật, lại chia theo chiều dọc. Nhưng quy định sữa bò thuộc nông nghiệp, mà chế biến thành bột lại do công thương, nếu có bổ sung thêm vi chất thì lại thuộc y tế thì cũng rối rắm không kém. “Chia theo chiều nào cũng chết, rất nhiều bất cập” - bà nói.

Theo bà Lan, đa số các nước theo mô hình tập trung như Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), quản lý cả thực phẩm, thuốc và mỹ phẩm vì tất cả đều là các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người. Và họ đều quản lý bằng cách xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các ngưỡng, rồi có hệ thống kiểm nghiệm, kiểm tra, kiểm soát, tiền kiểm, hậu kiểm theo các quy chuẩn đó, quan trọng là thống nhất theo một mệnh lệnh trong quản lý.

Bà Lan cho biết, đã đề xuất UBND TP.HCM xem xét giao quản lý giết mổ về cho Ban Quản lý ATTP: “Hiện chợ đầu mối thì ban quản, nhưng heo vào lò mổ thì do thú y (nông nghiệp), nguy hiểm nhất là đổ thừa qua lại khi phát hiện sai phạm. Trong khi chờ quyết định của UBND TP.HCM, ít ra phải có vai trò trong quá trình kiểm soát giết mổ. Sắp tới, nếu gắn camera cho tất cả lò giết mổ ở TP.HCM và cả những lò mổ ở Đồng Nai, Long An được xác định có nhiều heo về TP.HCM thì quyền truy xuất không phải chỉ của tổ thú y mà còn phải của Ban Quản lý ATTP hoặc ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố”. 

Bà Lan thông tin, Sở Công thương TP.HCM đã đồng thuận giao việc quản lý chuỗi ATTP về cho ban. Ban sẽ có đề án chi tiết theo hướng tận dụng những cái đã có. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI