Quán là nhà

17/12/2022 - 12:48

PNO - Ở không gian này, người ta gặp nhau không chỉ bàn công việc mà còn nói chuyện sách vở, sống vui, sống khỏe, sống an.

Ngày nhỏ, chị Trần Xuân Quyên thường được cha mẹ dắt đi ăn tiệm. Vì nhớ các quán Sài Gòn xưa cùng những món ăn đậm chất Nam Bộ, chị quyết tâm tạo ra một không gian đặc biệt để khách đến quán mà như về nhà.

Quán “Cà phê Sài Gòn” nằm ngay dưới tòa nhà Aqua, trong khu Vinhomes Golden River (quận 1, TPHCM) hiện đại.

Không chỉ có cà phê, món ăn hằng ngày của quán là cơm tấm. Chị Quyên cho biết, đây là món tủ của gia đình chị, được truyền từ đời bà ngoại đến mẹ chị và bây giờ là chị. 

Bà ngoại nấu cho chồng con và cho cả hàng xóm. Mọi người ăn tấm tắc khen và khuyên bà mở quán: “Bà bán cũng hai mấy năm”, chị Quyên chia sẻ.

Khách đến quán thân thuộc như vào bếp nhà mình
Khách đến quán thân thuộc như vào bếp nhà mình

 

Khi bà ngoại không còn đủ sức nấu cơm tấm, má chị Quyên là người nối nghiệp. “Má tôi cũng là đầu bếp giỏi và là người phụ nữ đảm đang, chịu khó”, chị nói đầy tự hào. 

Nhờ những món ăn từ tay bà, tay mẹ, chị Quyên chọn học và theo ngành ẩm thực. Chị mở trường đào tạo nghề bếp, nhà hàng. Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, nên lối sống dung hòa, mộc mạc của người Sài Gòn thấm vào chị trong cả nếp nghĩ lẫn công việc. Với chị, đến quán ăn, uống, mọi người còn muốn nói chuyện với người “trước lạ, sau quen”.

Quán phải là nơi hẹn hò, rủ rê: “Hôm nào gặp lại heng”.

Ấp ủ về một không gian ẩm thực mang phong vị người Sài Gòn, nhưng chị phải chờ hơn 3 năm. Đó là quãng thời gian chị quyết định tạm dừng công việc đào tạo nghề sau gần 20 năm gắn bó cộng thêm 2 năm ở yên chống dịch.

“Từng chiếc bàn, chiếc tủ hay cả chén bát, ly cà phê… đều là những hình ảnh quen thuộc của Sài Gòn xưa, nơi tôi đã lớn lên và trải qua từ thanh xuân đến giờ”, chị Quyên chia sẻ. 

Họa sĩ Lã Văn Huy - bạn của chị Quyên - người có sở thích sưu tập những ngôi nhà, vật dụng cũ của người Sài Gòn xưa. Biết chị Quyên mong muốn thổi hồn Sài Gòn vào không gian quán giữa những tòa nhà cao tầng hiện đại với cư dân đa dạng vùng miền, kể cả người nước ngoài, anh Huy đã đồng ý.

Trong công việc của mình, chị Quyên đã đi đến nhiều nơi sang trọng, trong nước cũng như nước ngoài nhưng theo chị, một Sài Gòn nhẹ nhàng, dễ thương xưa cũ luôn là nơi tạo cảm giác dễ chịu, bình an. Đó cũng chính là lý do để chị Quyên mở không gian ẩm thực này dù nhiều người lo ngại: khi dịch giã vừa yên, không ít người đóng hoặc tạm dừng quán, ai lại… mạo hiểm. “Cà phê Sài Gòn không chỉ là nơi ăn uống mà còn là địa chỉ của những người yêu mến, muốn tìm hiểu về Sài Gòn, là nơi lưu giữ ký ức đẹp của mình”, chị Quyên chia sẻ.

“Quán là nhà” là password wifi của cà phê Sài Gòn. Khách quen hay lạ khi bước vào cửa, gặp chị chủ, là rộn ràng câu chào hỏi nhau. Quán không có menu. Mọi người vào quán như về nhà, khách trò chuyện với nhân viên, thăm hỏi sức khỏe nhau rồi mới tới chuyện “nay có món gì?”. Khi đó, nhà bếp mới liệt kê 4-5 món quán chuẩn bị trong ngày, ngoài cơm tấm còn có bún bò, bún riêu, hủ tíu… Thực đơn thay đổi từng ngày và được dọn lên như cơm nhà.

Chị Trần Xuân Quyên có phong cách nhẹ nhàng dễ gần
Chị Trần Xuân Quyên có phong cách nhẹ nhàng dễ gần

 

Ở không gian này, người ta gặp nhau không chỉ bàn công việc mà còn nói chuyện sách vở, sống vui, sống khỏe, sống an. Tại quán có đàn piano, guitar… để khách “biểu diễn tài năng” và nghe nhau, cổ vũ nhau. Chị Quyên đang xây dựng chương trình talk show để quán trở thành nơi chia sẻ văn hóa Sài Gòn qua các buổi trò chuyện của những nhà nghiên cứu, chuyên gia, người am hiểu về Sài Gòn…

Anh Lê Minh Nghĩa - chồng chị Quyên - là điểm tựa vững chãi để chị Quyên phát triển công việc. Chị cho biết: “Anh luôn đứng sau ủng hộ vợ, không chỉ là người chồng mà vẫn luôn là người thầy của tôi”.

Lê Minh Nghĩa Nhân, cậu con trai của anh chị - cùng làm việc với mẹ mỗi ngày. “Nhân mới ngoài 20 tuổi, có thể, khi Nhân hiểu biết hơn, con trai sẽ tiếp quản tốt những gì chúng tôi đang làm”, anh chị hạnh phúc khi nói về đứa con duy nhất của mình. 

Lưu Đình Long

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI