Quản không “sạch” nên đồ ăn “bẩn”

19/05/2016 - 07:35

PNO - Cốt lõi của vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là một hệ thống quản lý có hiệu quả...

Trước “bức tranh xám xịt” an toàn thực phẩm với hàng loạt nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, đe dọa tính mạng người dân, liên tục trong hai tuần lễ qua, các đơn vị trực thuộc các ngành y tế, nông nghiệp và công thương “ráo riết” tổ chức các hội nghị về chủ đề này. Riêng ngày 12/5, tại TP.HCM, cùng lúc có đến hai hội nghị về an toàn thực phẩm trong trường học, trong khu chế xuất - khu công nghiệp. Thế nhưng, ngay trong chiều cùng ngày, lại xảy ra vụ ngộ độc sau bữa ăn trưa của công nhân Công ty Worldon (Khu công nghiệp Đông Nam, H.Củ Chi, TP.HCM).

Cho đến lúc này, chuyện quản lý thực phẩm hay chuyện “một cái bánh bao, ba bộ quản lý” vẫn xoay quanh cái gọi là quy chế phối hợp giữa ba ngành đã được Luật An toàn thực phẩm quy định, cho thấy một sự thật đáng buồn. Vỏ bánh làm từ tinh bột nên thuộc công thương. Nhân bánh có tí phức tạp hơn do làm bằng thịt nên thuộc về nông nghiệp. Sau khi qua chế biến để làm nhân bánh lại do y tế quản lý. Hệ thống nghe qua có vẻ “chặt chẽ” ấy, trên thực tế lại “chằng chịt”, “chồng chéo” nên không tránh khỏi những kẽ hở.

Quan khong “sach” nen do an “ban”
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Có thể điểm lại một vài thực tế kẽ hở qua các vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm gây chấn động dư luận một thời như nước tương “đen” nhiễm 3-MCPD, bún chứa tinopal, hạt dưa chứa phẩm màu công nghiệp rhodamine B, thủy sản dư lượng kháng sinh, heo bị tiêm chất tăng trọng, tạo nạc... đều đã diễn ra theo kiểu “lạc đà chui lỗ kim” trước mắt cơ quan quản lý.

Có lần, sau khi nghe các giải pháp “muôn thuở” như ban hành văn bản chỉ đạo, tăng cường kiểm tra giám sát, tuyên truyền, phối hợp liên ngành... của cả ba ngành “y-công-nông”, Hội đồng Khoa (tên thân mật báo chí đặt cho ông Đặng Văn Khoa - nguyên đại biểu HĐND TP.HCM) đã không ngần ngại nói: “Ai cũng biết vi phạm an toàn thực phẩm chỉ là phần rất nhỏ của tảng băng chìm về công tác quản lý".

“Tảng băng chìm” trong quản lý có thể minh họa bằng vụ việc mới xảy ra vào cuối tháng Tư vừa qua. Chi cục Thú y TP.HCM phát hiện chất tạo nạc salbutamol trong 80 con heo được đưa từ Đồng Nai về giết mổ tại thành phố. Đáng “cười buồn” là lô heo này lại có đầy đủ giấy tờ đạt tiêu chuẩn VietGap do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

“Tảng băng chìm” đó cũng là câu hỏi chưa có câu trả lời, rằng tại sao nhiều loại hóa chất độc hại, như salbutamol chẳng hạn, vẫn liên tục được nhập khẩu, được mua bán công khai, dù ai cũng thừa biết số lượng lớn hóa chất ấy đã bị lạm dụng trong sản xuất, chăn nuôi, chế biến thực phẩm?

“Tảng băng chìm” ấy còn thể hiện ở “thói quen” thanh tra, giám sát định kỳ, có kế hoạch và được “thông báo trước”, và cũng chỉ tập trung thực hiện vào các “đợt cao điểm”, các “tháng hành động”. Mới đây, Chính phủ ban hành Quyết định 38 cho phép thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại Hà Nội và TP.HCM nhằm thay đổi “thói quen” thanh kiểm tra nói trên. Tuy nhiên, sau bốn tháng thí điểm, một quận tại TP.HCM nêu “khó khăn”, “kiến nghị” đúng vào những “vướng mắc” mà Quyết định 38 đã tháo gỡ, như trao quyền cao hơn cho quận huyện, phường xã, cho phép cá nhân một thanh tra có thể thanh tra độc lập, thanh tra đột xuất cơ sở kinh doanh có dấu hiệu nghi ngờ…

Cùng với Quyết định 38, kể từ 1/7 tới đây, Bộ luật Hình sự 2015 quy định năm tội danh liên quan an toàn thực phẩm có mức phạt tù 1-5 năm, thậm chí tới 20 năm. Thế nhưng, người dân vẫn một nỗi lo về những kẽ hở, những “tảng băng chìm” sẽ tiếp tục khiến cho bất cứ giải pháp nào rồi cũng như kiểu “có chứng nhận VietGap, vẫn chứa chất tạo nạc” mà thôi!

Tham dự hội nghị trực tuyến của Chính phủ về vệ sinh an toàn thực phẩm ngày 27/4, chính Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cũng khẳng định một trong những nguyên nhân hàng đầu làm tình trạng mất an toàn thực phẩm xảy ra tràn lan là vì không xác định được trách nhiệm, không ai bị kỷ luật. Kế đến, theo ông Thăng, công tác thanh tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng không tốt, không nghiêm minh, có tình trạng bao che, thông đồng.

Cốt lõi của vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là một hệ thống quản lý có hiệu quả, không chồng chéo để dễ dàng quy trách nhiệm chứ không chỉ là tuyên truyền ý thức người dân, kêu gọi đạo đức kinh doanh hay lương tâm quản lý.

Ngoài ra, cần thiết có chế tài thật nặng đối với các cơ quan quản lý để xảy ra vi phạm hoặc có dấu hiệu tiêu cực, nhằm bảo đảm an toàn cho tính mạng nhân dân.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI