Quan hệ tình dục không an toàn, khi nào nên đi xét nghiệm bệnh?

11/01/2024 - 06:37

PNO - Trong thời gian chờ đợi, người cần xét nghiệm nên bình tĩnh, hạn chế quan hệ tình dục. Nếu quá lo lắng thì hãy đến gặp bác sĩ tâm lý để được hỗ trợ bởi chịu đựng có thể rơi vào các rối loạn về tâm lý.

Một số bạn đọc thắc mắc: Nếu quan hệ tình dục không dùng biện pháp bảo vệ, nhất là với bạn tình không phải là vợ, chồng hoặc một người có nhiều bạn tình thì khi nào nên xét nghiệm tầm soát các bệnh liên quan đến đường tình dục?

Bác sĩ chuyên khoa 2 Đoàn Văn Lợi Em - Trưởng khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TPHCM - cho biết: mặc dù xét nghiệm tầm soát sau khi quan hệ không an toàn rất cần thiết nhưng việc xét nghiệm vào thời gian phù hợp cũng quan trọng không kém. Bởi nếu xét nghiệm không đúng thời điểm, kết quả xét nghiệm có thể sẽ không chính xác. Dựa trên thời gian ủ bệnh của các tác nhân lây truyền qua đường tình dục, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ khuyến cáo thời điểm tầm soát bệnh lây truyền qua đường tình dục như sau:

Bệnh giang mai: khoảng 1 tháng sau khi quan hệ, nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì nên xét nghiệm lại sau 3 tháng.

Viêm gan B: khung thời gian tầm soát khoảng 3-6 tuần sau quan hệ.

Viêm gan C: khoảng 2 tháng sau khi có quan hệ tình dục không an toàn. Nếu kết quả xét nghiệm ban đầu âm tính thì vẫn nên xét nghiệm lại sau 6 tháng. 

Xét nghiệm HPV: khoảng 3 tuần đến vài tháng sau khi quan hệ. Trichomonas: thực hiện xét nghiệm khoảng từ 1 tuần đến 1 tháng sau quan hệ. Xét nghiệm HSV: thời gian tầm soát có thể khác nhau tùy thuộc vào loại xét nghiệm (dựa trên dịch tiết hoặc kháng thể trong máu).

Thông thường, khoảng vài ngày sau quan hệ thì có thể thực hiện xét nghiệm dịch tiết, nhưng xét nghiệm kháng thể trong máu thì nên đợi vài tháng. HIV: thường được thực hiện khoảng 2 tuần sau khi có quan hệ tình dục không an toàn. Nếu âm tính thì vẫn nên xét nghiệm lại sau 3 tháng.

Trong thời gian chờ đợi, người cần xét nghiệm nên bình tĩnh, hạn chế quan hệ tình dục. Nếu quá lo lắng thì hãy đến gặp bác sĩ tâm lý để được hỗ trợ bởi chịu đựng có thể rơi vào các rối loạn về tâm lý. Nếu vội vàng đi xét nghiệm dễ gặp tình huống kết quả âm tính giả, từ đó bỏ sót bệnh, dẫn đến tăng nguy cơ bỏ qua điều trị, bị biến chứng và làm lây lan bệnh trong cộng đồng.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI