Quản gia tí hon

24/12/2021 - 06:38

PNO - Nhiều đứa trẻ tự cho mình quyền quyết định thói quen, sở thích, sinh hoạt của bố mẹ. Những “quản gia con” khiến bố mẹ ấm áp nhưng đôi lúc cũng phiền toái.

 

Đứa trẻ già trước tuổi

Mới bảy tuổi nhưng con trai chị Uyên (P.15, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thường xuyên “cằn nhằn” phê bình mẹ tính lộn xộn. Một mình nuôi con, công việc bận bịu, chị ráng sắp xếp dọn nhà chỉ một lần mỗi tuần. Vì vậy mới có chuyện “ông con” thường xuyên nhắc mẹ “đi về nhà, để gọn giày dép lên kệ”, “nhớ kiểm tra trước khi ra khỏi nhà xem còn quên gì không”...

“Có lần tôi đãng trí thả chìa khóa vào cốp xe rồi nháo nhác tìm. Thằng bé muốn “dạy mẹ một bài học” nên giấu chìa khóa dự phòng đi, chỉ đến khi tôi chuẩn bị gọi thợ phá khóa con mới đưa ra và  “ca” cho mẹ một bài”, chị Uyên chia sẻ.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Đồng cảnh ngộ, anh Bình (P.4, Q.3, TP.HCM) mỗi khi có bạn rủ nhậu hoặc đi làm về trễ đều nhắn tin “xin phép” cô con gái 12 tuổi. Nếu chẳng may “vi phạm quy ước” như nhậu xỉn, nhậu về trễ... anh phải tự giặt đồ, ủi đồ hoặc bị phạt chi tiền mua sắm cho con gái...

Thực chất, những cô, cậu bé có tâm lý “kiểm soát” hành vi của cha mẹ phần lớn đều rơi vào những gia đình bố hoặc mẹ đơn thân. Không sống cùng ông bà, người giúp việc, công việc của bố, mẹ lại bận rộn nên đứa trẻ sớm tự lập, sớm trưởng thành. Thấu hiểu được sự vất vả của bố mẹ cũng như nỗi sợ hãi một ngày ba hoặc mẹ không còn cạnh mình, những đứa con “trưởng thành sớm” này có xu hướng “kiểm soát” để giữ cho bố, mẹ - người thân gần gũi nhất của chúng - luôn bên mình.

“Sự kiểm soát, nhắc nhở của chúng rất đáng yêu. Phần lớn là lặp lại hành vi, lời nói của cha mẹ khi dạy dỗ chúng từ nhỏ. Một số hành vi khác là do chúng học được từ xã hội như trên ti vi, sách báo hay những câu chuyện, video trên mạng. 

Khóc cười với các quản gia - con

Bạn bè chị Châu (P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM) “khoái” nói chuyện với con gái mười tuổi của chị mỗi khi họ đi cà phê hay dịp tụ họp nào đó. Lý do là cô bé hay “bóc phốt” mẹ đầy hài hước, như: “Nếu mẹ cứ ngồi im, làm sao tình yêu tới” hoặc “Mẹ con là nữ hoàng hậu đậu, có lần mẹ để con ở trường quên đón luôn, còn điện thoại mẹ con để trong tủ lạnh là chuyện bình thường nha cô chú, con nhắc hoài vẫn quên”.

“Bi đát” hơn, có lần bạn bè thấy anh Bình (P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đăng Facebook: “Từ hôm nay tôi không đi nhậu sau giờ làm nữa mà về ăn cơm với con gái. Mong bạn bè đồng nghiệp đừng rủ rê”. Hóa ra con gái anh, nhân lúc bố ngủ đã lấy điện thoại bố, đăng nhập.

Facebook và “tuyên ngôn” hùng hồn như trên. Anh Bình sau khi giải thích và bị bạn bè chọc quê, cũng thấu hiểu tình cảm của con gái và dành nhiều sự quan tâm hơn cho cô bé tuổi dậy thì. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Nhiều ông bố, bà mẹ còn bị “quản lý” mật khẩu điện thoại, laptop, định vị, tài khoản mạng xã hội... với lý do “để con còn biết bố/mẹ ở đâu còn liên lạc khi có việc gấp”. Chị Châu còn “dở khóc dở cười hơn” khi cô con gái giỏi công nghệ, dùng tài khoản Gmail của mình để cài đặt mặc định trên laptop và điện thoại của mẹ. Mọi hoạt động của chị trên thiết bị đó con biết hết.

“Có lần lố tay đặt hàng online mà con cũng nhắc, hay lỡ đăng Facebook thả thính con cũng chỉnh đốn. Chuyện bắt mẹ phải mặc quần áo kín đáo đi làm hay đi ra ngoài là điều xảy ra mỗi ngày... Do mình từng dạy con về giới tính, dặn con phải kín đáo khi mặc đồ nên giờ bị nhắc ngược lại thế đó. Nhiều khi cũng bứt rứt lắm mà phải gương mẫu làm theo lời con chứ biết sao giờ”, chị Châu tâm sự. 

Châu Mỹ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI