Quân đội nổ súng vào những người biểu tình, 42 người chết

08/07/2013 - 11:21

PNO - PNO - Sáng 8/7, quân đội Ai Cập đã nổ súng vào những người ủng hộ Tổng thống Mohamed Morsi bị lật đổ và các thành viên phong trào Anh em Hồi giáo, giết chết ít nhất 42 người và làm bị thương 322 người khác. Hãng tin CNN đưa thông...

Quan doi no sung vao nhung nguoi bieu tinh, 42 nguoi chet

Phe ủng hộ ông Morsi tụ tập tại một thánh đường Hồi giáo đòi phục chức cho ông - Ảnh: AFP

Phóng viên CNN đếm được ít nhất tám xác chết do đạn bắn và 40 người khác bị thương tại cơ sở cấp cứu đầy hỗn loạn ở thủ đô.

Đám đông biểu tình đã tổ chức buổi cầu nguyện khổng lồ bên ngoài trụ sở Vệ binh Cộng hòa nơi được cho là đang giam giữ ông Morsy.

Trong khoảng thời gian diễn ra buổi cầu nguyện sáng 8/7, các nhân chứng cho biết quân đội và cảnh sát đã nổ súng bằng súng máy và bắn đạn hơi cay để giải tán những người biểu tình đòi phục chức ngay lập tức cho ông Morsi.

Hãng tin MENA của nhà nước cho biết, quân đội còn bắt giữ 200 kẻ tấn công lực lượng an ninh và tấn công trụ sở trên, những người mang theo súng đạn và lựu đạn chai xăng tự chế.

Trước đó, hàng chục ngàn người biểu tình đã xuống đường tại các thành phố ở Ai Cập, đây là cuộc biểu dương lực lượng của hai phe đối địch - những người ủng hộ và chống đối nhà lãnh đạo Mohammed Morsi vừa bị quân đội phế truất hồi tuần trước.

Phe ủng hộ ông Morsi tụ tập bên ngoài một thánh đường Hồi giáo và một doanh trại quân đội ở Cairo để đòi phục chức lại cho ông. Những người biểu tình chống Morsi vẫn tập trung tại địa điểm truyền thống - Quảng trường Tahrir ở trung tâm thủ đô Cairo.

Ông Morsi, Tổng thống Hồi giáo đầu tiên của Ai Cập được bầu hợp pháp, đang bị tạm giam cùng với một số nhân vật cấp cao của phong trào Anh em Hồi giáo, lực lượng hậu thuẫn chính của ông ta.

Ngày 4/7 vừa qua, ông Adly Mansour, Chánh án Tòa án Hiến pháp tối cao, đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống tạm quyền của Ai Cập. Nhà lãnh đạo mới đã hứa tổ chức bầu cử sớm, nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể.

Nhà chức trách Cairo đang tìm cách ngăn ngừa người biểu tình hai phe đụng độ với nhau, nhưng việc này dường như khó khả thi. Những người biểu tình chống chính phủ “đóng đô” trên Quảng trường Tahrir, nơi chưa bao giờ là thánh địa của phong trào Anh em Hồi giáo. Phong trào Hồi giáo chưa từng đóng vai trò nổi bật gì trong cuộc nổi dậy tháng 2/2011 (được mệnh danh là Mùa Xuân Ai Cập), và tập trung xây dựng lực lượng ở các khu vực khác, với trung tâm ở thành phố Nasr, ngoại ô phía Đông Cairo.

Bên trong và xung quanh nhà thờ Hồi giáo al-Rabaa Adawiya, hàng chục nghìn người ủng hộ Anh em Hồi giáo tập trung suốt ngày hôm qua để đòi phục chức cho ông Mohammed Morsi, nhà lãnh đạo hợp hiến của Ai Cập.

Những người biểu tình mang theo chân dung của ông Morsi, hô vang tên của nhà lãnh đạo Hồi giáo và tuyên bố từ chối bất kỳ quan điểm nào cho rằng cần hỗ trợ chính quyền lâm thời do quân đội hậu thuẫn.

Rất may, không lặp lại cảnh bạo lực như ngày 5/7 khi ít nhất 36 người thiệt mạng trên khắp Ai Cập. Nhưng điều đó không có nghĩa là bầu không khí kém căng thẳng hay không có khả năng xảy ra bạo lực khi có đụng độ. Điều nguy hiểm, theo các nhà phân tích là lực lượng hai bên đều đông đảo và không có dấu hiệu của sự thỏa hiệp.

Quan doi no sung vao nhung nguoi bieu tinh, 42 nguoi chet

Quan doi no sung vao nhung nguoi bieu tinh, 42 nguoi chet

Quân đội Ai Cập tìm cách ngăn ngừa cuộc đụng độ giữa lực lượng của hai phe - Ảnh: AP, Reuters

Nhận định về tình hình hiện tại ở Ai Cập, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng Ai Cập có nguy cơ đi theo con đường của Syria, bước vào một cuộc nội chiến nguy hiểm và gây chia rẽ.

Quân đội đã triển khai binh lính ở Cairo và nhiều địa điểm khác ở thủ đô. Nhà chức trách mới của Ai Cập không muốn lặp lại các cuộc đụng độ khiến hơn 30 người thiệt mạng và khoảng 1.000 người bị thương trên toàn quốc như trong ngày thứ Sáu đẫm máu (5/7).

Trong khi đó, một phát ngôn viên của tổng thống nói với các kênh truyền hình tiếng Ai Cập rằng luật sư Ziad Bahaa Eldin "rất có khả năng" được bổ nhiệm làm thủ tướng. Trong khi, thứ Sáu tuần trước, hãng tin nhà nước Ai Cập cho biết nhà lãnh đạo ủng hộ cải cách Mohamed Elbaradei sẽ được chỉ định làm thủ tướng tạm thời.

Phong trào Tamarod chống chính phủ đã phát đi tín hiệu rằng họ sẽ không chấp nhận bất cứ ai ngoại trừ ông ElBaradei, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình và là cựu giám đốc Cơ quan năng lượng hạt nhân của LHQ (IAEA), làm thủ tướng.

Mỹ và các nước phương Tây khác đã bày tỏ sự lo ngại về việc loại bỏ ông Morsi, và kêu gọi hòa giải đồng thời tổ chức bầu cử sớm.

VIỆT HƯNG (Theo BBC, CNN, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI