“Quán cơm 2.000 đồng”của các anh bộ đội

18/12/2024 - 06:15

PNO - Ở TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) có “quán cơm 2.000 đồng” nằm dưới gốc cây đa cổ thụ bên đường Mang Cá. Chủ quán là các anh em bộ đội thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Quán mở bán vào trưa Chủ nhật cho thực khách là những bệnh nhân, người lao động nghèo…

Hơn 5 năm trước, đại úy Trương Văn Tài - nhân viên nhà khách Điện Biên, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế - từng tham gia nấu cơm thiện nguyện tại một quán cơm 2.000 đồng trên đường Hai Bà Trưng, TP Huế. Quán cơm này đã giúp nhiều bà con nghèo vượt qua khó khăn, đặc biệt là những bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Hoạt động được một thời gian thì quán đóng cửa vì nhà tài trợ gặp khó khăn.

“Rồi một hôm trên đường đi làm về, tôi thấy những bệnh nhân của Bệnh viện Quân y 268 đứng ở cổng chờ cơm từ thiện, nhiều bệnh nhân tay vẫn lòng thòng dây truyền nước, tôi cầm lòng không đặng. Thế là quán cơm 2.000 đồng lại hiện lên trong đầu tôi” - anh Tài kể.

“Quán cơm 2.000 đồng” của Câu lạc bộ Anh em tự nguyện (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã góp phần làm vơi bớt nỗi lo cho những người nghèo
“Quán cơm 2.000 đồng” của Câu lạc bộ Anh em tự nguyện (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã góp phần làm vơi bớt nỗi lo cho những người nghèo

Nghĩ là làm. Anh Tài về đơn vị vận động anh em mở quán cơm thiện nguyện phục vụ bà con nghèo và được mọi người đồng ý. Để không bị động về kinh phí, anh đề xuất mỗi người đóng 150.000 đồng/tháng làm quỹ nấu cơm. Bữa cơm đầu tiên, anh Tài cùng anh em đơn vị nấu hơn 40 suất rồi đem bán cho bà con với giá 2.000 đồng.

Thấy việc anh làm có ý nghĩa, nhiều người đi đường, dù chẳng quen biết, cũng ghé lại ủng hộ. Có người ủng hộ vài triệu đồng, người ủng hộ trái chuối, quả cam. Thấy hình ảnh đẹp của anh em bộ đội, chị Bùi Thị Kim Khuyên - Phó chủ tịch UBND phường Hương Sơ, TP Huế - cũng tham gia với nhóm.

Đến nay, vị nữ phó chủ tịch phường đã có 5 năm cùng đi bán cơm từ thiện. “Không chỉ mình tôi mà nhiều thành viên của nhóm, không phải là bộ đội, cũng xin tham gia giúp đỡ bà con nghèo. Số tiền 2.000 đồng mỗi suất cơm chúng tôi để riêng ra, cuối năm sẽ mua quà tết cho bà con” - chị Bùi Thị Kim Khuyên nói.

Đến với quán cơm 2.000 đồng của đại úy Tài vào mỗi trưa Chủ nhật, khách không chỉ là bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 268 mà còn có các bác xe ôm, vé số, người đi nuôi bệnh và cả nhân viên bệnh viện.

Tiếng là “2.000 đồng” nhưng hầu như là miễn phí, vì khách ăn cơm đều là những bệnh nhân nghèo, thi thoảng còn được anh em bộ đội cùng các nhà hảo tâm tặng thêm quà, tiền để mua thuốc. Ông Mai Hòa (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) - bị mắc bệnh về máu, thường xuyên nhập viện điều trị tại Bệnh viện Quân y 268 và là khách hàng lâu năm của quán - nhận xét: “Mấy chú bộ đội nấu ăn rất ngon, an toàn, phục vụ cũng chu đáo. Cảm ơn đại úy Tài cùng anh chị em đã chăm lo người nghèo”.

Để duy trì hoạt động lâu dài, đại úy Trương Văn Tài cùng anh em Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế thành lập Câu lạc bộ Anh em tự nguyện. Thiếu tá Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết, từ 12 thành viên là cán bộ, chiến sĩ lúc mới thành lập, đến nay câu lạc bộ đã thu hút gần 50 thành viên.

Để có những suất cơm giá 2.000 đồng giúp người nghèo, các thành viên đã dành dụm tiền lương, kêu gọi mọi người cùng hỗ trợ, đảm bảo kinh phí duy trì thường xuyên và phục vụ với tinh thần tương thân, tương ái. Để đem lại những bữa ăn dinh dưỡng hơn cho bà con, ngoài suất cơm có đủ cơm, canh, rau, cá thịt, đại úy Trương Văn Tài còn lên mạng xã hội kêu gọi các nhà hảo tâm cùng tham gia đóng góp nải chuối, ký mận… để mọi người tráng miệng.

Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ và những người thiện nguyện trong Câu lạc bộ Anh em tự nguyện đã trở nên gần gũi, thân quen với nhiều người dân trên địa bàn TP Huế và các huyện thị vùng ven.

Đại tá Phan Thắng - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết, mô hình bữa cơm 2.000 đồng do đại úy Trương Văn Tài cùng các anh chị em thiện nguyện đang thực hiện được anh em trong đơn vị hưởng ứng rất nhiệt tình bởi tính nhân văn, nêu cao tấm gương bộ đội Cụ Hồ hết lòng vì nhân dân trong thời bình.

Nồi cháo nghĩa tình

Hơn 2 năm qua, cứ sáng sớm thứ Sáu hằng tuần, các bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở 2 Tà Rụt của Trung tâm Y tế huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) lại xếp hàng ở hành lang chờ nhận cháo. Xen lẫn trong màu áo bệnh nhân là những người đi nuôi bệnh, phần đa là người dân tộc Pa Kô nghèo khó sinh sống ở vùng biên giới Việt - Lào. Phát cháo là những cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay.

Trong chốc lát, hơn 30 suất cháo đã được trao hết cho mọi người. Thượng tá Nguyễn Xuân Linh - chính trị viên đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay - chia sẻ: “Nồi cháo nghĩa tình” ban đầu dự định thực hiện 2 lần/tháng. Nhưng do số lượng bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn quá đông nên từ tháng 6/2020 đơn vị cùng Công đoàn cơ sở 2 Tà Rụt đã bổ sung thêm 2 nồi cháo nữa, duy trì đều đặn 4 lần/tháng.

“Để có những nồi cháo thơm ngon, đủ chất, tối hôm trước anh em đã hầm gạo, xương với đậu xanh, cà rốt, khoai tây. 4g sáng hôm sau anh em thức dậy nêm nếm sao cho ngon nhất rồi đem trao” - thượng tá Nguyễn Xuân Linh nói.

Móc khóa bảo vệ an ninh biên giới

Từ tượng đài chiến thắng Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) theo đường Hồ Chí Minh về phía bắc khoảng 50km sẽ đến xã Hướng Việt - xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa - gần đây đang có sự chuyển mình mạnh mẽ. Tại đây, ngoài những chương trình giúp đồng bào các dân tộc vươn lên xóa đói giảm nghèo, cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng Hướng Lập còn chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền nhiều vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo an ninh trật tự phù hợp tính chất, đặc điểm địa bàn.

“Móc khóa đường dây nóng” được đánh giá là cách làm hay của đồn biên phòng Hướng Lập (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị)
“Móc khóa đường dây nóng” được đánh giá là cách làm hay của đồn biên phòng Hướng Lập (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị)

Một sáng kiến của đồn biên phòng Hướng Lập là tặng hàng ngàn móc khóa có in số điện thoại đường dây nóng của đồn cho đồng bào các dân tộc thiểu số và người dân 2 bên biên giới Việt - Lào. “Khu vực biên giới có địa hình hiểm trở, an ninh trật tự phức tạp, người dân sinh sống lại thưa thớt, chủ yếu là đồng bào Vân Kiều và Pa Kô, nên có vấn đề gì bà con phải đi bộ mấy tiếng mới ra đến trung tâm xã hoặc trạm biên phòng để trình báo. Khi cơ quan chức năng triển khai lực lượng tới nơi thì việc đã rồi.

Nhưng nay, khi “móc khóa có in số điện thoại đường dây nóng” được triển khai, khi cần bà con nhân dân có thể gọi ngay cho lực lượng biên phòng mọi lúc, mọi nơi. Nhờ vậy, lực lượng biên phòng đã tiếp nhận và xử lý tin báo kịp thời” - già Hồ Lành chia sẻ.

Trung tá Nguyễn Công Trình - Đồn trưởng đồn biên phòng Hướng Lập - cho biết, đường dây nóng của đơn vị hoạt động 24/24, kể cả ngày nghỉ, lễ, tết; 100% nguồn tin do nhân dân cung cấp đều được đơn vị tiếp nhận, giải quyết kịp thời và có phản hồi kết quả đến cá nhân, tổ chức đã cung cấp thông tin. Mọi thông tin về nhân thân người báo tin cũng được giữ bí mật, nên mọi người đã hưởng ứng tích cực.

“Từ khi triển khai mô hình đến nay, đơn vị đã tiếp nhận hàng trăm tin báo liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn, kịp thời can thiệp và giải quyết” - trung tá Nguyễn Công Trình cho biết.

Mô hình “móc khóa đường dây nóng” được đánh giá là cách làm hay, góp phần nâng cao ý thức người dân trong tham gia tố giác, phòng chống tội phạm. Đại tá Lê Văn Phương - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị - cho biết, những hoạt động này không những thể hiện tinh thần, trách nhiệm của người chiến sĩ biên phòng, mà còn cổ vũ mọi người dân phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, tích cực tham gia bảo vệ an ninh biên giới.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI