Quán cơm 2.000 đồng của má Hai Xuân

11/01/2021 - 05:06

PNO - Sáng Chủ nhật nào “quán” cơm 2.000 đồng của bà Phạm Thị Xuân và con cháu cũng nổi lửa nấu hơn 100 suất để “bán” cho những người khó khăn, dân lao động nghèo. Quán đặt tại số 117/2 Phan Văn Hân, khu phố 4, P.17, Q.Bình Thạnh, TP.HCM và hoạt động suốt chín tháng qua.

Chỉ 2.000 đồng nhưng cơm luôn nóng sốt với nhiều món ngon như gà, chả cá, sườn ram, canh, rau xào và trái cây tráng miệng. Đáng ghi nhận là chi phí để duy trì quán cơm suốt thời gian qua đều từ sự đóng góp của các con trai, con gái, dâu, rể của má Hai Xuân (tên bà con thường gọi). Cơm và các món canh, xào, mặn cũng đều do các anh chị em trong gia đình đứng ra nấu nướng. Chủ nhật, họ thức dậy từ 5 giờ sáng để đi chợ Bình Điền mua thực phẩm. Về tới nhà, các cháu nội, ngoại, mỗi người một tay thái thịt, rửa rau. Hai con trai và các con rể của má Hai Xuân luân phiên đứng bếp.

Chúng tôi ghé nhà má Hai Xuân vào sáng Chủ nhật đầu năm. Má Hai Xuân và cô cháu ngoại đang xới cơm cho vào hộp, chị Hai đang xào su hào, các chị em gái đang lo món tráng miệng. Hai chị con dâu cùng nhau nấu canh. Bên bếp than hồng, anh con trai út đang chăm chú chiên món đậu hũ dồn thịt. 

Niềm vui của người bán vé số khi mua được cơm
Niềm vui của người bán vé số khi mua được cơm

Đúng 11 giờ, 100 phần cơm đã sẵn sàng. Chị Bảy đẩy chiếc xe máy ra, treo 30 phần cơm lên rồi chạy qua đường Xô Viết Nghệ Tĩnh trao cho các em học sinh, sinh viên khiếm thị. Hai đứa cháu của má Hai hì hụi bưng những phần cơm đưa ra bàn trước cổng nhà. Anh út mang cái thùng có dán dòng chữ “Cơm 2.000 đồng, duy nhất trưa Chủ nhật hằng tuần” đặt trên chiếc bàn nhỏ. Con hẻm yên ắng trở nên nhộn nhịp bởi chị bán hàng rong, anh bán vé số, chạy xe ôm và các em nhỏ đến xếp hàng, bỏ tiền vào thùng giấy rồi lấy đi một phần cơm. Quen mặt, quen từng cảnh đời, có không ít người được má Hai nhắc: “Lấy thêm phần nữa đi con!”. Rồi má giải thích với con cháu: “Tội lắm, nhà đó có bạn già cỡ má nằm bệnh, thằng con trai nhỏ mới đây lại đau...”. Chồng má ngồi bên cạnh cười hiền: “Người nào khó quá thì cho thêm phần nữa, không thì mỗi người một phần”.

Chưa đầy nửa tiếng, 100 suất cơm đã được bán hết. Anh út lại lấy cây lau nhà, chị Hai, chị Năm, chị Bảy cùng thu dọn bàn ghế. Các anh con rể chạy xe đến rước các cháu ngoại của má về… “Ngày của riêng mình” của các gia đình nhỏ lúc đó mới bắt đầu. Vợ chồng má Hai mỉm cười mãn nguyện khi thấy con cháu biết cho đi, san sẻ với đời.

Má Hai Xuân sinh năm 1944, là tổ trưởng tổ phụ nữ 77, khu phố 4, P.17, Q.Bình Thạnh. Má vốn là tiểu thương ngành may mặc ở chợ An Đông những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất. Vợ chồng má có tổng cộng 9 người con, 7 gái, 2 trai. Trừ chị lớn và một người chị giữa do gia cảnh khó khăn phải nghỉ học từ lớp mười để phụ mẹ cha lo cho các em, còn lại đều tốt nghiệp đại học, đi làm, có gia đình và nhà cửa ấm êm. 

Dịch COVID-19 bùng phát, má nghe Hội LHPN P.17 và Hội LHPN Q.Bình Thạnh có kết hợp với các nữ tu ở Tập viện dòng Thánh Phaolô tổ chức nấu cơm tặng dân nghèo trong đợt giãn cách. Má Hai Xuân nghĩ, khu phố mình ở cũng có nhiều người lao động khó khăn, mất việc vì dịch bệnh, má bàn với con gái lớn: “Má con mình nấu cơm phát cho người dân đi!”. Nghe má gợi ý, con gái Trần Lệ Tâm - tổ trưởng tổ phụ nữ 79, khu phố 4 - đồng ý liền. Chị còn rủ mọi người trong gia đình cùng đóng góp, người có nhiều thì đóng 300.000 - 400.000 đồng, người ít góp 50.000 đồng, để làm bếp cơm 2.000 đồng, đồng thời phân công mỗi người một việc. Quán cơm 2.000 đồng ra đời đúng ba ngày sau đó.  

Từ đó đến nay, quán duy trì đều đặn mỗi Chủ nhật hơn 100 phần cơm “bán” cho mọi người, tặng các học sinh, sinh viên khiếm thị. 

Người dân tuần tự xếp hàng chờ đến lượt mua cơm
Người dân tuần tự xếp hàng chờ đến lượt mua cơm

Biết được ý nghĩa việc làm của gia đình má Hai Xuân, nhiều người mang tiền đến đóng góp, nhưng má và các con đều từ chối. Bà nói: “Má mở “quán” cơm này là vì niềm vui, không tạo bất kỳ một áp lực nào cho các con, để con cháu hiểu ý nghĩa của hai từ “thiện nguyện”. Nếu các con nhận tiền, nhận vật chất của người ngoài để duy trì quán cơm, điều đó cũng hay, nhưng sẽ tạo cho các con áp lực. Mà các con, ai cũng có việc làm, chuyện học của riêng mình. Mang áp lực như vậy thì mệt mỏi lắm. Làm từ thiện khi mình không vui vẻ, thoải mái thì sẽ không dồn hết tâm sức chăm lo cho những phần ăn, thiếu nụ cười lúc trao tặng quà… Như vậy, dù không “bán”, mang cho không cũng không còn ý nghĩa”. 

Hạnh Chi

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI