Quận chờ hướng dẫn, giáo viên mỏi mòn chờ lương

16/11/2016 - 07:02

PNO - Sau hơn một năm giảng dạy, nhiều giáo viên ở TP.HCM vẫn chưa “biết mặt” khoản lương của mình. Một số phòng GD-ĐT lý giải, tình trạng này là do “vướng quy định”.

Sau hơn một năm giảng dạy, nhiều giáo viên ở TP.HCM vẫn chưa “biết mặt” khoản lương của mình. Một số phòng GD-ĐT lý giải, tình trạng này là do “vướng quy định”. Thực tế, cách làm thờ ơ, thiếu linh hoạt của một số nơi khiến đời sống giáo viên càng thêm khốn khó.

Lo ngại giáo viên thiệt thòi?

Một giáo viên (GV) mới được tuyển dụng của Trường THCS Bình Tây (Q.6) lương khoảng 3 triệu đồng. “Lương của tôi còn thấp hơn thu nhập của nhân viên văn phòng, bảo vệ”, một cô giáo mới ra trường đang công tác tại đây cảm thán.

Tại Q.6, GV có thời gian công tác từ một đến dưới 5 năm ở cấp THCS chỉ gần 2,6 triệu đồng/tháng/người; tiểu học 2,6 triệu/người, mầm non (MN) hơn 2,2 triệu đồng/người. Theo ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD- ĐT Q.6, với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng, đời sống của GV gặp rất nhiều khó khăn.

Không chỉ vậy, nhiều quận đang loay hoay trong việc chi trả lương khiến hàng loạt GV mòn mỏi chờ.

Quan cho huong dan, giao vien moi mon cho luong

Cô N.Q.P., được tuyển dụng vào làm GV ở một trường MN công lập tại Q.1 từ năm 2015. Suốt cả năm trời lao động cật lực nhưng cô P. vẫn không được nhận lương, đành phải xin trường tạm ứng mỗi tháng 1,5 triệu đồng và phụ cấp từ bán trú để tạm duy trì cuộc sống. “Tốt nghiệp đại học, thi tuyển đúng quy trình, trải qua hết thời gian tập sự, nhưng chờ mãi vẫn không nghe được tin tức gì về lương bổng”, cô P. kể.

Nhiều GV trúng tuyển đợt tuyển dụng năm học 2015-2016 (tháng 8/2015) của Q.1 đang lâm vào cảnh khó khăn, túng thiếu khi lương chính thức chưa có. Trong đợt này, Q.1 tuyển dụng 134 GV từ cấp MN đến THCS. Gần đây, một số người đã bỏ nhiệm sở.

Vì sao GV được phân công nhận nhiệm vụ đã lâu nhưng vẫn chưa nhận được quyết định bổ nhiệm viên chức, chưa được xếp lương? Theo lý giải của Phòng GD- ĐT Q.1, tình trạng này là do vướng quy định mới từ thông tư liên tịch của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của GV MN, tiểu học và THCS ban hành từ tháng 9/2015.

Theo quy định này, GV có bốn phân hạng chức danh nghề nghiệp (THCS có ba hạng), mỗi hạng ứng với yêu cầu và bậc lương khác nhau. Để được xếp hạng II hoặc III, Bộ còn có các yêu cầu khác như chứng chỉ bồi dưỡng GV hạng II hoặc III, hoặc được công nhận là chiến sĩ thi đua hoặc GV dạy giỏi.

Do đó, nếu chiếu theo quy định này, 117 GV trúng tuyển đợt tháng 8/2015 tại Q.1 chỉ được bổ nhiệm vào chức danh hạng IV (đối với MN và tiểu học) và hạng III (với THCS). Vì thế, không muốn những GV này bị xếp hạng bậc lương thấp nhất, UBND quận đã đề nghị Sở Nội vụ xem xét và có văn bản hướng dẫn. Mặ c dù “lo” GV bị thiệt thòi nhưng nhà quản lý lại vô tình đẩy họ vào tình thế khó khăn suốt một năm qua.

Kém linh động!

Phải một năm sau ngày tuyển dụng GV, UBND Q.1 mới có công văn đề nghị với Sở Nội vụ xem xét, hướng dẫn việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với GV. Ngày 31/10, UBND Q.1 mới có văn bản gửi các trường học trên địa bàn thực hiện việc chi trả lương cho 117 GV theo hệ số lương bậc 1 của bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước theo Nghị định số 204 của Chính phủ. Quận cũng đề nghị các trường chi trả 80% lương cho GV từ tháng 8/2015 đến tháng 7/2016 (12 tháng tập sự) và 100% lương từ tháng 8/2016 đến khi có quyết định chính thức từ Sở Nội vụ.

Thực tế, việc vướng quy định khi tuyển GV mới không chỉ có Q.1 hay H.Hóc Môn gặp khó, vấn đề là cơ quan quản lý có linh động giải quyết hay không. Bà Tống Thị Ngọc Nhanh, Phó phòng Nội vụ Q.6 cho biết, một năm qua GV mới của quận vẫn được trả lương.

Đại diện Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT cho biết: “Q.6 linh động chi trước để trả lương cho GV, khi có quyết định xếp ngạch viên chức sẽ tính đúng, tính đủ sau”. Hiện Sở GD-ĐT TP đang tích cực phối hợp với Sở Nội vụ để tháo gỡ khó khăn này cho các quận, huyện.

Tại buổi tiếp xúc cử tri H.Hóc Môn vào tháng 10, GV Trần Thái Châu “kêu cứu” đến Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng vì bị thử việc không lương. Theo thầy Châu, ban giám hiệu nhà trường đã nhiều lần kiến nghị Phòng Nội vụ và Phòng GD-ĐT H.Hóc Môn về việc này. GV Trần Thái Châu giảng dạy đã 15 tháng với mức lương khoảng 2,1 triệu đồng/tháng, nhưng vẫn chưa nhận được đồng nào vì chưa được bổ nhiệm.

Không riêng thầy giáo Châu, hơn 50 GV được tuyển cho năm học 2015-2016 của H.Hóc Môn cũng chịu chung cảnh bị “nợ” lương vì quận tuyển dụng sai quy trình dẫn đến hậu quả GV không được công nhận để xếp ngạch viên chức.

Nhờ “kêu cứu” của thầy Châu, ngày 31/10, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu đã có văn bản chỉ đạo đối với UBND H.Hóc Môn về việc tuyển dụng 53 GV năm học 2015-2016 để công nhận ngạch viên chức, trả lương. H.Hóc Môn cũng đã bị phê bình vì chậm giải quyết theo công văn của Sở Nội vụ từ tháng 11/2015, gây bức xúc không đáng có trong GV… và 52 GV trong đợt tuyển dụng đó được xếp ngạch viên chức.

Rõ ràng ở trường hợp này, không phải là không có cách giải quyết. Nếu không có những lời kêu cứu, cùng sự “giải vây” của lãnh đạo TP thì những GV ở Hóc Môn vẫn phải tiếp tục chịu cảnh tương tự như đồng nghiệp tại Q.1.

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI