PNO - Sau khi UBND Q.Bình Tân (TP.HCM) thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND quận Đỗ Đình Thiện tại buổi làm việc với toàn thể giáo viên Trường trung học cơ sở Hồ Văn Long, giáo viên - nhân viên trường này cho biết vẫn còn nhiều vấn đề chưa sáng tỏ.
Trong kết luận, UBND quận này phê bình hiệu trưởng về những nội dung thiếu sót trong công tác quản lý tài chính, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong trường học, dẫn đến giáo viên (GV) gửi đơn phản ánh đến nhiều cơ quan tại quận, thành phố. UBND giao Trưởng phòng Nội vụ theo dõi tham mưu quận đánh giá quý, năm đối với hiệu trưởng; giao ban giám hiệu nhà trường bổ sung các nội dung thu - chi dạy thêm học thêm vào quy chế chi tiêu nội bộ, đưa vào sổ sách kế toán theo dõi, xuất hóa đơn thu tiền cho từng học sinh và thực hiện thu - chi theo đúng quy chế chi tiêu nội bộ.
Giáo viên Trường THCS Hồ Văn Long không đồng tình việc chỉ “phê bình” hiệu trưởng khi có nhiều dấu hiệu sai phạm tài chính
Nhà trường nộp toàn bộ số tiền mặt còn lại vào tài khoản trường mở tại kho bạc, không để tiền mặt tại đơn vị. Trường này phải chấm dứt việc thu tiền đối với các nguồn thu tin học, dò bài và hoàn trả kinh phí còn lại cho học sinh, hoàn trả tiền học tiếng Anh bản ngữ đã thu trong thời gian học sinh nghỉ học; thu tiền học hai buổi theo đúng chỉ đạo của quận. Đồng thời, trường phải bổ sung phụ lục hợp đồng cho nhân viên hợp đồng theo đúng quy định… Thông báo cũng yêu cầu trường công khai nội dung chỉ đạo của thông báo và tổ chức họp giải quyết thắc mắc của GV…
Ngày 23/6, nhiều GV của trường tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến UBND quận. “Chúng tôi làm đơn này khiếu nại về kết quả kiểm tra của UBND theo đơn phản ánh ngày 6/5/2020 của chúng tôi. Cụ thể, chúng tôi thấy không thỏa đáng với một số nội dung của Tổ công tác tại báo cáo số 894/BC-TCT ngày 22/5/2020 đã đọc tại buổi làm việc ngày 30/5/2020 với toàn thể GV nhà trường; không đồng ý với kết luận của Phó chủ tịch UBND quận tại thông báo kết luận số 229/TB-VP ngày 2/6/2020”, một GV đứng đơn bức xúc cho biết.
Theo GV, báo cáo của Tổ công tác cho biết, năm 2018-2019 căng-tin không hoạt động do trường đang xây dựng, chưa được duyệt sử dụng tài sản công nên không thực hiện là không đúng. Vì năm đó, căng-tin vẫn hoạt động bình thường và trong báo cáo tài chính năm 2019 cũng không thấy thể hiện khoản thu này.
Tiền gửi xe hợp đồng ba năm với giá 13 triệu đồng/năm cũng không đúng sự thật. Vì bảo vệ - người giữ xe đã nói công khai trong cuộc họp giải trình của hiệu trưởng ngày 13/6 là mỗi năm nộp cho thủ quỹ trường chia làm hai kỳ tổng cộng là 30 triệu đồng (năm học 2018-2019) và cũng không có ký hợp đồng. Còn năm học 2017-2018, con số này là 45 triệu đồng nhưng trong bảng công khai tài chính năm 2018 (mới được công khai) cũng không thể hiện có thu tiền bãi xe. Ngoài ra, theo GV, Tổ công tác đã không phát hiện trường hợp anh Lê Văn Bình làm phục vụ ở trường đã sáu năm (từ thời hiệu trưởng cũ) không được ký hợp đồng lao động.
Hiệu trưởng đã giữ lại không chi trả hết số tiền dạy tăng tiết (65%/tổng thu) của các GV tổ văn, toán, Anh và tiền ôn thi tuyển sinh lớp Mười của GV văn, toán, Anh khối Chín từ năm 2017 đến thời điểm kiểm tra (hết học kỳ I năm học 2019-2020), với tổng số tiền hơn 647 triệu đồng. Số tiền này để ngoài sổ sách kế toán ba năm liền (2017, 2018, 2019) và mới được chi trả cho GV sau khi Tổ công tác về làm việc.
“Tại sao hiệu trưởng lại giữ tiền công lao động của GV nhiều năm như vậy? Để ngoài sổ sách kế toán, không nộp ngân sách nhà nước, không trích quỹ cải cách tiền lương, quỹ phúc lợi… làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của cán bộ, GV và người lao động trong trường, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền lớn. Nếu chúng tôi không phát hiện và phản ánh thì khoản tiền này rơi vào túi ai?”, một GV đặt vấn đề.
Từ ngày 27/5/2020 đến 18/6/2020, trường này mới nộp vào tài khoản tiền gửi kho bạc của đơn vị những khoản tiền thu dịch vụ và thỏa thuận với phụ huynh ba năm học (từ năm 2017-2020) đã để ngoài sổ sách kế toán chưa chi hết và trả lại tiền lạm thu cho phụ huynh. Số tiền để ngoài sổ sách kế toán khoảng 2,4 tỷ đồng; số tiền thu không đúng quy định phải trả lại cho phụ huynh theo chỉ đạo hơn 700 triệu đồng.
Nhân viên, GV thắc mắc trong thời gian “mất tích” đó, số tiền này đi đâu? Bởi theo quy định, mọi khoản thu đều phải đưa vào sổ sách kế toán và nộp vô kho bạc ngay tại thời điểm thu, chứ không phải đến vài năm sau.
Tồn tại hai loại sổ sách tài chính?
GV còn cho biết, sau cuộc họp ngày 30/5 với Phó chủ tịch UBND quận, họ - những người đứng đơn phản ánh, người lao động của trường không dễ dàng tiếp cận được thông báo kết luận ngày 2/6 của Phó chủ tịch. Phải đến sáng 12/6, GV liên lạc với trợ lý của Phó chủ tịch Đỗ Đình Thiện thì đến chiều cùng ngày mới thấy kết luận dán lên bảng thông báo.
Thế nhưng, khi thực hiện công khai báo cáo tài chính thì mới vỡ lẽ trường đã tồn tại song song hai hệ thống sổ sách. Đó là sổ sách của kế toán và thủ quỹ; con số, khoản thu của hai hệ thống này cũng chênh nhau rất lớn. Các GV cho biết: “Về nguyên tắc, mọi thu - chi của trường đều phải nằm trong sổ sách kế toán, nhưng trong bảng công khai tài chính của nhân viên kế toán, chúng tôi thấy thiếu nhiều khoản nên tiếp tục yêu cầu thì lúc này hiệu trưởng mới đưa ra bảng tổng hợp các khoản thu. Từ bảng này, chúng tôi mới phát hiện hàng loạt khoản thu đã không được đưa vào sổ sách kế toán trong suốt ba năm qua lên đến hàng tỷ đồng". Cụ thể, năm học 2017-2018 có chín khoản thu chi bị “quên” vào sổ sách kế toán công khai tài chính, năm học 2018-2019 là chín khoản, năm học 2019-2020 là tám khoản…
“Với một loạt hành vi vi phạm trong quản lý tài chính của hiệu trưởng, chúng tôi thấy rõ đó là sai phạm. Chỉ riêng việc hiệu trưởng để tiền ngoài sổ sách kế toán, lập hai hệ thống sổ sách kế toán tài chính đã là vi phạm pháp luật. Đây là sai phạm nghiêm trọng về tài chính, không thể gọi là “thiếu sót trong công tác quản lý tài chính” rồi chỉ “phê bình”.
Hiệu trưởng đã vi phạm Luật Kế toán số: 88/2015/QH13. Điều 13 đã chỉ rõ các hành vi bị cấm: khoản 3 “Để ngoài sổ kế toán tài sản, nợ phải trả của đơn vị kế toán hoặc có liên quan đến đơn vị kế toán”; khoản 10 “Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên hoặc cung cấp, công bố các báo cáo tài chính có số liệu không đồng nhất trong cùng một kỳ kế toán”.
“Do đó, chúng tôi không đồng ý với hình thức phê bình đối với ông Phạm Vĩnh Phú, Hiệu trưởng Trường THCS Hồ Văn Long”, tập thể GV nêu quan điểm.
Năm 2025, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM tuyển sinh bằng 5 phương thức khác nhau, như: ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng, xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT…
Trường dự kiến 3 phương thức tuyển sinh: tuyển thẳng và ưu tiên; tuyển theo đề án tuyển sinh của trường; dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Triển khai đồng bộ chương trình giáo dục phổ thông 2018, chuyển đổi số, chung tay khắc phục bão Yagi... là những sự kiện lớn của ngành giáo dục trong năm 2024.