Quán chè Cam ngon, hiếm giữa Sài Gòn

19/07/2022 - 06:10

PNO - Đi chợ đêm Hồ Thị Kỷ, liên thông với chợ Cam (tức chợ Campuchia), ăn hàng, hỏi chè Cam cô Huôi ai cũng biết.

Trong cái chợ Cam ở phường 1, quận 10, TP.HCM, kề bên chợ hoa Hồ Thị Kỷ này, tiệm chè cô Huôi là lâu đời nhất, “thuần Cam” nhất.

Kỳ công món chè hột me

Quán chè của bà Huỳnh Thị Huôi chỉ tầm 5-7 món: chè thập cẩm, chè hột me, xôi Xiêm chè bí chưng (bí trứng sữa), chè thốt nốt… Sau này, chị Hà, con gái bà Huôi, còn bán thêm món chuối nướng kiểu Campuchia.

Thực khách rất thích thú với món chè bí chưng, tiếng Campuchia gọi là num-à-pơi. Khách không nhớ tên món cứ gọi nôm na theo kiểu thành phần có gì thì kêu y vậy: bí trứng sữa. Đó là sự kết hợp của bí ngô nhỏ, nạo ruột, thay vào đó là hỗn hợp sữa bột, sữa đặc, lòng đỏ trứng, nước cốt dừa đem hấp cách thủy. Hấp xong, trái bí vẫn còn nguyên, mềm mà không nhão.

Một món nữa khách ưa gọi khi đến đây là xôi Xiêm. Nếp dẻo mềm, nhân xôi là sầu riêng được làm cô đặc có vị thơm ngậy, phủ lên là lớp nước cốt dừa sền sệt. Vị beo béo như lan khắp dĩa và tìm cách xâm lấn vào từng miếng xôi. Song với tôi, ấn tượng nhất là món chè chỉ ở đây có: chè hột me. Có lẽ chưa món chè nào mà quá trình chế biến lại tỉ mỉ và tốn nhiều thời gian như thế.

Con gái bà Huôi giờ thay mẹ đứng bán
Con gái bà Huôi giờ thay mẹ đứng bán

Bà Huôi kể, me nấu chè là loại dùng nấu canh chua tách bỏ thịt, chỉ lấy hột bên trong, đem rang lên rồi đập. Bà Huôi hướng dẫn: “Vỏ đen bỏ, hột già giữ lại đem ngâm nước vài ngày, thấy mềm vừa tay thì lột hoặc lột không được thì lấy dao nạy ra rồi hầm. Hầm xong phải rửa vì hột me tiết ra rất nhựa, rồi mới đi nấu nước đường. Mà phải nấu bằng đường thốt nốt mới ngon”.

Chè hột me ăn giòn giòn sựt sựt lại mềm mềm. Hột me trong chè hơi lạt, thoảng chút nhân nhẩn, một chút bùi, quyện với vị ngọt thanh mà không gắt của đường thốt nốt. Cái lưỡi thực khách vốn quen vị ngọt chua của trái me, nay ăn chè hột me dễ có cảm giác vị quen ấy còn luẩn quẩn trong từng muỗng chè, vừa có cảm giác tươi mới để vừa nhai vừa à ồ vì thú vị.

Bà Huôi khoe, ở quán chè của bà, trừ trái thốt nốt, còn lại đều tự làm. Nhiều nguyên vật liệu làm nên món chè này chủ yếu được chuyển về từ Campuchia. Dù làm cực, mất thời gian nhưng bà Huôi không quen được kiểu mua mỗi nơi một ít gom lại gọi là chè để bán. Với bà, tự tay làm mới ngon, mới thích. Mà giờ nếu không làm cũng không biết đặt đâu cho như ý.

Nồi chè của người chạy loạn

Bà Huôi có cha là người Campuchia, mẹ người Việt qua xứ chùa Tháp làm ăn rồi ở lại, bà ngoại là người Hoa gốc Tiều. Bà Huôi sinh ra ở Nam Vang, đang tuổi lớn thì dở dang việc học, theo gia đình chạy loạn về quê mẹ khi Campuchia loạn lạc. Lúc đó, người thân bên ngoại của bà vẫn còn ở Campuchia, sau này mới về Việt Nam dần dần.

Khi khăn gói theo gia đình về Sài Gòn, bà Huôi mới hơn mười tuổi. Mẹ bà mua căn nhà nhỏ trong con hẻm nhỏ thông ra đường Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Hùng Vương nhưng chính danh thì nó thuộc về hẻm 57 đường Hồ Thị Kỷ - con hẻm sau này chết danh hẻm Campuchia vì tập trung nhiều người Campuchia gốc Việt chạy loạn về cố hương cùng sống quây quần.

Mẹ bà Huôi chọn kế mưu sinh với mấy nồi chè đặc thù nơi mình từng sống, bán loanh quanh trong hẻm gần nhà. Gia đình bà Huôi như một trong vô vàn minh họa cho làn sóng di cư của kiều bào Campuchia về lại Sài Gòn, đem theo những món ăn ngon từ nước bạn.

“Quán chè cô Huôi” đã 42 tuổi, qua ba đời bán, từ hồi “cô Huôi” còn con nít được mẹ truyền nghề đến nay đã lên chức bà. Thực khách biết đến quán theo kiểu tiếng lành đồn xa. Cách đây mười năm, chè cô Huôi được một đài truyền hình tới quay cho chương trình ẩm thực. Bà ngại ngần từ chối: “Tui làm gì có tiền mà quảng cáo trên ti vi”. “Người ta nói  làm miễn phí nên tui chịu. Làm xong người ta còn gửi phong bì được 300.000 đồng, vui quá trời” - bà Huôi kể.

Quán dù đông khách nhưng vẫn giữ nếp, chỉ bán từ chiều đến tầm hơn chín giờ tối. Bà Huôi cười giòn: “Tui chỉ bán chừng đó. Làm vừa đủ thì món mình làm mới chất lượng”. Bảy năm nay, quán vẫn nguyên mức giá, từ 15.000-20.000 đồng/dĩa thập cẩm. Bà Huôi cười rỏn rẻn: “Xưa bán sao, giờ tui bán vậy hà. Sao tui phải thay đổi khi tui thấy khách đã quen món. Má tui nuôi cả nhà cũng bằng quán chè này mà!”.

Bài và ảnh: Lê Minh Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI