Quán cà phê vợt cuối cùng ở TP.HCM luôn khiến con hẻm 330 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, TPHCM tấp nập. Cơ man không biết bao nhiêu người xếp hàng chờ mua, bao nhiêu người kê ghế ngồi ngóng ly cà phê thơm đậm đặc.
|
Nhiều người đứng xếp hàng chờ mua cà phê vợt. |
Nếu như nhiều người trẻ đến thưởng thức cà phê vợt cho sành điệu, cho biết với người ta để rồi nghiện thì những vị khách trung niên mê hương vị cà phê vợt do hợp thời và nhiều kỷ niệm.
Tôi lấy chiếc ghế kê gần bậc cửa quán, ngồi chờ ly cà phê sữa đá như bao nhiêu người khách khác rồi phóng tầm mắt quan sát không gian không thể đơn giản hơn của quán cà phê vợt có khoảng 70 năm tuổi.
Quán không có bàn, chỉ có những chiếc ghế nhựa nhỏ màu đỏ. Khách gọi cà phê rồi bước qua đường hoặc lên lầu ngồi chờ. Cũng có người chờ cầm được ly cà phê trong tay mới tìm chỗ ngồi trong quán.
Khách cầm cà phê trên tay nhấm nháp từng chút và phả hồn vào những câu chuyện phiếm. Cà phê đá khiến bàn tay hơi lạnh, hơi buốt thì khách khẽ khàng kéo thêm chiếc ghế làm bàn.
|
Quán không có bàn, chỉ kê những chiếc ghế nhỏ màu đỏ cho khách ngồi thưởng thức cà phê. |
Những vị khách nhanh chân chọn được vị trí ngồi trên lầu thì thích thú quan sát phố phường, ngắm nhìn mọi người chen chúc xếp hàng mua cà phê.
Vài năm gần đây, ông Đặng Ngọc Côn (82 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM), chủ quán cà phê vợt không còn thường xuyên đứng pha loại thức uống này nữa. Ông chỉ làm khi nhớ nghề, nhớ hương vị cà phê. Hiện tại, con trai của ông đảm nhận công việc pha chế và quán xuyến trong ngoài.
Tuổi cao, ông Côn vẫn không thích nghỉ ngơi mà chọn việc nhẹ nhàng để phụ con cháu. Vừa khui mấy lon sữa đặc, ông Côn tranh thủ chia sẻ: “Mấy năm gần đây, quán đông khách, pha cà phê không kịp thở nên tôi làm không nổi nữa. Quán tôi bán 24/24, con cháu chia ca ra đón khách, bán hàng. Tính đến đời con tôi, quán đã tồn tại qua 3 đời”.
|
Ông Đặng Ngọc Côn phụ con cháu khui sữa để pha cà phê. |
Trong dòng hồi tưởng, ông Côn nhớ những ngày đầu cha mẹ của ông mở quán bán cà phê vợt. Thời đó, cà phê vợt thường được bán chung với các loại nước giải khát, điểm tâm nhưng quán của gia đình chỉ bán độc mỗi cà phê. Ban đầu, quán rất thưa khách, người uống đủ mọi tầng lớp, người lao động bình dân lẫn quan chức.
Qua năm tháng, cà phê vợt phải nhường chỗ cho cà phê phin, cà phê pha sẵn. Chủ quán cà phê vợt ngậm ngùi tháo bảng hiệu, đóng cửa, nhìn những quán cà phê sang trọng mọc lên như nấm.
Vậy mà, trời thương, quán cà phê vợt nhỏ xíu, trong hẻm của ông Côn vẫn níu được khách quen. Ông nói: “Quán có công thức pha chế, rang xay cà phê riêng biệt, đặc biệt sử dụng cà phê thật, sữa đặc đắt tiền mà giá cả rất phải chăng, chỉ từ 16.000 đồng/ly. Tôi rất vui khi có nhiều bạn trẻ, Việt kiều, du khách đến với quán. Điều đó chứng tỏ cà phê vợt vẫn có chỗ đứng trong lòng họ”.
“Cà phê nhạt quá thì không ngon, đậm quá thì lại đắng. Pha cà phê ngon đâu có dễ. Con tôi pha cà phê, tôi còn chưa ưng bụng. Muốn cà phê đủ tuổi phải nhìn màu cà phê. Hễ màu cà phê yếu đi phải thay vợt ngay. Vợt phải làm bằng vải tám, khít vừa đủ, bởi khít quá không xuống cà phê mà không khít thì bã chảy xuống ly”, ông Côn chia sẻ.
|
Con trai của ông Côn nối nghiệp cha, duy trì quán cà phê vợt cuối cùng ở TPHCM. |
Nhìn anh Quý, con trai của ông Côn pha cà phê, tôi chợt nhớ đến ly cà phê của ngoại vào những sớm tinh sương. Chiếc vợt chứa đầy cà phê được ngoại ngâm trong ly nước sôi nóng hổi. Hơi nước bốc lên như khói, quyện vào mùi cà phê, tỏa đi nồng nàn.
Anh Quý cũng làm như thế nhưng nhanh hơn, không từ từ như các bậc cao niên. Tuy vậy, hương cà phê vẫn đủ sức bay bổng trong khoảng không xô bồ, len vào từng tế bào thần kinh gợi lên miền ký ức xưa cũ.
Bởi vậy, nhiều vị khách tâm sự, họ nghiện cà phê vợt từ lần đầu tiên đến mua. Họ chắc rằng, hiếm hoi lắm mới có quán cà phê không cần bảng hiệu mà người đi đường vẫn biết quán bán cà phê.
|
Pha cà phê bằng vợt, mùi loại thức uống này được tỏa lan khắp con hẻm nhỏ. |
Khi màn đêm buông xuống, đa số quán cà phê khác đều đóng cửa thì cà phê vợt vẫn đón khách xuyên đêm. Sinh viên đi làm thêm, mấy anh xe ôm, người làm ca đêm… đều tạt qua quán mua ly cà phê sữa, đen đá… mang đi, nhấm nháp cho tỉnh táo.
Ngồi đồng ở quán lúc 2, 3h sáng là những bóng người thu lu dưới ánh đèn đường, cầm ly cà phê chìm vào không gian tĩnh lặng, chiêm nghiệm nội tâm, thêm một đêm không ngủ bên ly cà phê vừa đủ vị như đời.
Bài và ảnh: Lâm Ngọc