Quần áo thời trang ùn ứ vì dịch COVID-19 sẽ được xử lý như thế nào?

04/09/2020 - 08:14

PNO - Từ thương hiệu xa xỉ đến bình dân đứng trước câu hỏi chung: “Họ sẽ làm gì với quần áo ùn ứ từ mùa Xuân-Hè chưa thể bán được?”.

Kinh tế đi xuống do dịch bệnh cũng khiến sức mua trên thị trường suy giảm. Ngành thời trang chịu ảnh hưởng không nhỏ từ hệ luỵ này. Tại Mỹ, sức mua đã giảm trong nửa năm qua khoảng 70%. Các nhà bán lẻ toàn cầu liên tục huỷ đơn đặt hàng từ các thương hiệu để tránh tình trạng thua lỗ trở nên tồi tệ hơn. 

Amy Smilovic, giám đốc sáng tạo của Tibi, một thương hiệu thời trang ra đời từ năm 1997 nói: “Đây thực sự là một sự tàn phá khủng khiếp về kinh tế. Hàng triệu USD của chúng tôi vẫn nằm nguyên trong kho ở New Jersey. Bây giờ, chúng tôi phải tìm cách loại bỏ chúng. Thử nghĩ sự việc này tồi tệ và khủng khiếp đến dường nào”.

Theo quy luật thông thường, các nhà bán lẻ sẽ đặt hàng quá mức so với nhu cầu thực. Sau khi bán được một số nhất định với giá cao (đã thu lợi nhuận), họ sẽ mở chiến dịch bán giảm giá để tiếp tục có thêm nguồn thu. Và việc này đã đẩy không ít đơn vị rơi vào thế khó khi dịch bệnh ập đến bất ngờ.

Trước đây, với hàng hoá thừa mứa, các thương hiệu thường đem chôn lấp hoặc đốt, không cho hoặc bán giá rẻ để bảo vệ thương hiệu. Nhưng việc này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt vì những hệ luỵ ô nhiễm môi trường.

Một mẫu thiết kế của Burberry dành cho mùa mốt 2021
Một mẫu thiết kế của Burberry dành cho mùa mốt 2021

Đến hiện tại, Burberry là hãng thời trang xa xỉ duy nhất công bố việc xử lý hàng tồn đọng. Hãng sẽ giảm giá mạnh cho người mua, nhân viên và quyên góp cho các tổ chức từ thiện hoặc tái chế. Trước đó, Burberry từng bị lên án vì thiêu huỷ 28,6 triệu bảng Anh tổng giá trị quần áo tồn kho vào năm 2018. Sau sự vụ bị phanh phui lần đó, hãng này tuyên bố sẽ dừng các hoạt động tương tự.

Một số nơi mà Burberry dự kiến sẽ áp dụng hình thức trên gồm có: Bicester Village (trung tâm mua sắm ở vùng ngoại ô ở Oxfordshire, Anh), Cheshire Oaks (Cheshire) ở Anh, Woodstock, New York... 

Nhiều nơi phải giảm giá đến tận 70, 80% để giải quyết sản phẩm ùn ứ
Nhiều nơi phải giảm giá đến tận 70, 80% để giải quyết sản phẩm ùn ứ

Nếu như các thương hiệu lớn có thể chuyển hàng sang các cửa hiệu nhỏ để giải quyết vấn đề thì những thương hiệu tầm trung, bình dân phải tư xoay sở để giải quyết vấn đề của mình. Rejina Pyo (Anh) đã thực hiện việc giảm giá từ 20-40%. Một số cửa hàng bán lẻ khác giảm giá sản phẩm lên đến 80% để giải quyết hàng hoá ùn ứ. 

Bên cạnh đó, một số thương hiệu lại tìm cách liên kết với những web bán hàng thứ cấp, để bán sản phẩm giảm giá mà không làm ảnh hưởng thương hiệu. Ngoài ra, một số đơn vị thành lập thêm một không gian bán hàng khác, hoặc lập web riêng để bán sản phẩm còn tồn kho để tránh làm ảnh hưởng đến thương hiệu. 

Thương hiệu Peta Petrov mới đây tổ chức mua sắm cho khách hàng tại studio với mức giá giảm khoảng 20%. Thương hiệu này bị huỷ đơn hàng lên 1 triệu Euro, và phải tìm cách xoay sở để lấy lại vốn. Nhưng khi giảm giá cũng chỉ bán được 150 sản phẩm. Sau đó, họ phải tiếp tục tổ chức một sự kiện mua sắm khác ở Munich, với mức giá giảm đến 40%.

Nha thiết kế người Ý Brunello Cucinelli tặng quần áo trị giá 30 triệu Euro cho nhiều tổ chức từ thiện khác nhau trên toàn cầu. Smilovic đã tặng hơn 900 chiếc váy cho nhân viên tuyến đầu chống dịch.

Theo Katie Holland, người sáng lập công ty tổ chức sự kiện giảm giá Showcase, các BST vẫn còn tồn đọng vào cuối mùa hè sẽ được bán hết trong đợt bán hàng giảm giá. Trong thời gian đóng cửa, chi nhánh trực tuyến mới của đơn vị này đã giúp giữ doanh số cho các thương hiệu như Shrimps và Erdem. 

Nikole DeSantis, giám đốc thương mại của Shrimps, cho biết bán hàng trực tuyến “phức tạp về mặt hậu cần” vì các thương hiệu phải chấp nhận bị trả lại hàng, trong khi đó họ có thể không mạnh về việc này. Vì vậy, việc cộng tác với bên thứ ba giúp thương hiệu hoạt động hiệu quả, thoải mái hơn. 

Nhờ chiến dịch này mà Madaluxe Group, một đơn vị trung gian chuyên mua hàng tồn kho để đẩy đến các cửa hàng giảm giá cho biết hiện tại khối lượng hàng và công việc của họ tăng 25% so với dự kiến ban đầu. Mức chiết khấu cũng hấp dẫn hơn trong tình trạng các thương hiệu đang cần tiền mặt để xoay sở.

Thuỳ Anh (theo Channel News Asia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI