Quần áo, giày dép, túi xách, mắt kính, đồng hồ… là những sản phẩm có nhiều 'hàng nhái'

13/11/2019 - 06:00

PNO - Quần áo, giày dép, túi xách, mắt kính, đồng hồ… là những sản phẩm có nhiều “hàng nhái” và gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý.

“Hôm nay shop em có sẵn rất nhiều hàng F1, trong 3 ngày tới khách mua hàng sẽ được giảm 5%, 10%”, hay “Shop hiện đang có các mặt hàng Fake 2, Fake 1 giá rẻ, các mặt hàng Fake chuẩn”… Đó là những lời rao bán một số mặt hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng dễ dàng được tìm thấy trên các trang mạng xã hội.

Quan ao, giay dep, tui xach, mat kinh, dong ho… la nhung san pham co nhieu 'hang nhai'
Thương nhân các chợ truyền thống tham gia chuyên đề về truyền thông bán hàng.

Theo ông Võ Hưng Sơn, Trưởng phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ - Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM: “Hiện nay các mặt hàng như quần áo, giày dép, túi xách, mắt kính, đồng hồ… là những dòng sản phẩm có nhiều hàng nhái các thương hiệu và được giới thiệu, mua bán qua internet, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý. Bên cạnh đó, một bộ phận người mua cũng thích mua hàng nhái thương hiệu vì vừa thích có hàng thương hiệu nhưng giá rẻ, chất lượng tương đối…”

Hàng giả bao gồm hàng giả chất lượng và hàng giả mạo về chỉ dẫn thương mại như tên nhà sản xuất, thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ, tem, nhãn, bao bì…

Quan ao, giay dep, tui xach, mat kinh, dong ho… la nhung san pham co nhieu 'hang nhai'
 

“Hàng nhái” chính là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu. Các sản phẩm “hàng nhái” thường bắt chước cấu tạo, cách phát âm, bao bì, cách trình bày… dễ gây sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng, gây nhiều hậu quả cũng như ảnh hưởng đến thị trường kinh doanh.

Vấn nạn hàng giả ở các chợ truyền thống vẫn còn, không những ảnh hướng đến thị trường mua bán ở các chợ khiến người tiêu dùng ngại mua, thậm chí sợ mua sắm ở chợ mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của thành phố.

Để chủ động phòng, chống cũng như ngăn chặn hàng gian hàng giả, ông Sơn thông tin: đối với tiểu thương cần biết phân phân biệt hàng thật, hàng giả, nắm rõ thông tin hàng hóa, nhà sản xuất, yêu cầu nhà sản xuất cung cấp cam kết hàng thật… không tiếp tay cho việc sản xuất, buôn bán hàng giả; khi phát hiện cần phản ánh với cơ quan chức năng. 

Đối với người tiêu dùng, cần cảnh giác khi mua hàng. Xem rõ hàng hóa, nguồn gốc, thông tin về nhà xản xuất, nhà cung cấp, thông tin về chất lượng, định lượng, tem, nhãn, chọn các nhà phân phối có uy tín. Đặc biệt đối với phụ nữ đừng nên mua mỹ phẩm trôi nổi trên thị trường.

Khi có nghi ngờ hay mua phải hàng hóa kém chất lượng, người tiêu dùng có thể đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, Hội Chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng TP.HCM để được xử lý.

Những thông tin trên được trình bày trong chuyên đề về kỹ năng giao tiếp trong kinh doanh và các giải pháp hạn chế hàng gian, hàng giả năm 2019 vừa được Hội LHPN TP.HCM tổ chức chiều ngày 12/11 với sự tham gia của 250 thương nhân tại các chợ truyền thống.

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI