|
Hai shipper chờ lấy hàng ở một quán cà phê trên đường Trần Quang Khải, Q.1 - Ảnh: Q.Thái |
Chủ quán than ứng dụng "ăn dày"
Ở TPHCM, nhiều chủ nhà hàng, quán ăn cho rằng, trong lúc vật giá leo thang hiện nay, các đơn vị cung cấp ứng dụng chẳng những không giảm mà còn tăng tỷ lệ chiết khấu hoặc các khoản phí, khiến họ không còn lợi nhuận. Muốn bán được hàng trên ứng dụng, các nhà hàng, quán ăn phải khuyến mãi nhiều hơn.
Tại một quán cơm trên đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh), giá cơm bán tại chỗ là 40.000 đồng/dĩa, canh chua 10.000 đồng/tô; giá niêm yết trên GrabFood là 50.000 đồng/dĩa, canh chua là 15.000 đồng/tô; giá niêm yết trên GoFood là 56.000 đồng/dĩa nhưng giảm còn 50.500 đồng/dĩa do khuyến mãi, canh chua 17.000 đồng/tô. Mức này cao hơn gần 25% so với giá bán tại chỗ.
Theo chủ quán cơm, khách ngồi ăn tại chỗ với giá 40.000 đồng/dĩa, quán vẫn có lãi hơn nhiều so với bán qua ứng dụng. Bởi khi bán qua ứng dụng, quán phải chiết khấu trung bình 15% và phải khuyến mãi 20% mỗi đơn hàng để sản phẩm của quán nổi bật trong kết quả tìm kiếm của khách trên ứng dụng. Tính ra, chủ quán ăn chỉ thu về 35.000 đồng/dĩa cơm, lại còn tốn thêm chi phí mua hộp, bịch ni-lông, dây thun, muỗng, đũa…
“Sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều khách hàng chuyển sang hình thức mua online, các quán cũng bán online nhiều hơn. Nhưng khi khách hàng online tăng thì chủ các ứng dụng cũng tăng mức chiết khấu, phí giao nhận hàng, gây thiệt hại cho cả người bán lẫn người mua” - chủ quán cơm trên nói.
Một số chủ nhà hàng, quán ăn đã phản ứng bằng cách gỡ bỏ gian hàng trên các ứng dụng. Chị V.A. - bán bánh mì tại Q.Gò Vấp - cho biết, do bị chủ các ứng dụng ép doanh thu, chị đã ngưng bán hàng qua các ứng dụng, chỉ bán trực tiếp, dựa vào lượng khách quen.
Theo chị, giá bán bánh mì 18.000 đồng/ổ, mức chiết khấu của ứng dụng ShopeeFood là 10,2%, là mức phí dành cho quán thường xuyên tham gia các chương trình khuyến mãi. Khi khuyến mãi, tiệm chỉ thu được 10.000 đồng/ổ do phải chi 8.000 đồng cho ứng dụng, khuyến mãi, nên chỉ huề vốn. Nhưng khi chị dừng khuyến mãi, cả tháng chỉ có khoảng 1 - 2 đơn online.
Anh Nam - chủ một thương hiệu cà phê - đang kinh doanh trên hai ứng dụng. Trong đó, chủ một ứng dụng mời anh tham gia với mức chiết khấu 0 đồng, nhưng sau một thời gian kinh doanh, họ lần lượt nâng mức chiết khấu 1%, 2%, 2,2% và hiện tại là 2,5%. Nếu không chấp nhận mức chiết khấu này, anh phải rời đi, mất doanh thu online, mất lượng khách quen đặt mua trên ứng dụng lâu nay.
Hiện hầu hết các ứng dụng không chủ động tìm kiếm, chào mời các đối tác (nhà hàng, quán ăn) như trước nữa do đã có hệ thống đối tác tương đối ổn định. Bây giờ, các đối tác phải chủ động tìm đến ứng dụng. Do “nằm kèo trên” nên chủ các ứng dụng tự cho mình quyền áp mức chiết khấu và các chi phí kèm theo.
Người giao nhận hàng cũng nản
Chủ các ứng dụng thường khuyến khích người giao nhận hàng (shipper) ghép nhiều đơn hàng trên hành trình nhằm tiết kiệm thời gian và xăng xe. Thực chất, giá từng đơn hàng khi chia về cho shipper rất thấp, tiền thu không đủ bù tiền xăng. Theo phản ánh của giới shipper, khi gom, ghép nhiều đơn hàng trên một hành trình, họ phải làm việc nhiều hơn nhưng thu nhập không tương xứng.
Tài xế Grab tên T.C.L. cho biết, tính năng gom đơn của GrabFood gọi là hỗ trợ đối tác nhưng chẳng khác nào bóc lột họ. Shipper ghép ba đơn hàng vào một chuyến, mỗi đơn chỉ thực nhận 8.000 - 9.000 đồng, tính ra chỉ được 24.000 - 27.000 đồng/chuyến. Trong khi đó, khách mua hàng qua ứng dụng vẫn phải trả phí cho đơn riêng chứ không được lợi gì khi bị ghép đơn. Hiện cước dịch vụ GrabFood là 16.000 đồng/đơn cho 2km đầu tiên, 5.000 đồng/đơn cho các km tiếp theo. Việc ghép các đơn hàng cũng khiến các shipper tốn thêm nhiều thời gian chờ đợi, di chuyển, tốn thêm chi phí.
Theo các shipper, chỉ những tài xế chạy để lấy thưởng mới chịu nhận các đơn hàng ghép. Chẳng hạn, Grab có chương trình thưởng 120.000 đồng/ngày cho shipper chạy đủ số đơn do hãng đưa ra. “Tài xế mới của GrabFood mặc nhiên bị ghép đơn, có người bị ghép từ 4 - 5 đơn, thời gian chờ nhận hàng, giao hàng mất hết nửa ngày nhưng tiền nhận được chỉ bằng khoảng 2 - 3 đơn hàng giao lẻ” - tài xế T.C.L. nói.
Nhiều shipper còn gặp tình trạng khách từ chối nhận hàng do bị giao chậm, mà chậm là do bị ghép đơn. Anh L.H. - shipper của GrabFood - kể: “Tôi bị vài lần rồi. Khách không nhận, tôi phải mang hàng về cho vợ con ăn, chứ phản ánh lên ứng dụng thì thủ tục phức tạp lắm”.
Các chủ ứng dụng nói gì? Theo đại diện Grab, với tính năng ghép đơn hàng, giá cước của chuyến xe ghép đơn sẽ được tính dựa trên thực tế quãng đường di chuyển cộng với thời gian di chuyển và các điều kiện khác khi thực hiện chuyến xe (giao thông, thời tiết…). Nhờ đó, sẽ giúp tối ưu lộ trình di chuyển và thời gian thực hiện đơn hàng, cũng như mang đến thu nhập tương xứng với thời gian và nỗ lực của đối tác tài xế. Tính năng này hiện đang được áp dụng cho một số nhà hàng/cửa hàng nhất định, và đối tác tài xế có thể lựa chọn tham gia hoặc không tham gia thực hiện chuyến xe ghép đơn. Đại diện Gojek cho biết, để hỗ trợ cho đối tác hàng quán, hãng này triển khai chiến dịch “Vùng Freeship” kéo dài từ năm 2021 tới nay, với mục tiêu giảm bớt sự ngần ngại về chi phí vận chuyển cho người dùng khi đặt món trực tuyến. Chương trình khuyến mãi này có thể dùng kết hợp với tất cả khuyến mãi giảm giá khác, từ đó người dùng được giảm đáng kể chi phí. Đối tác nhà hàng, quán ăn có nhiều khách hàng hơn. |
Quốc Thái