Quận 1 xin chủ động thu hồi đất công sử dụng sai mục đích

10/02/2017 - 09:04

PNO - Phần đất trước tiên được UBND quận 1 nhắm đến là đất của của các cơ quan đóng trên địa bàn có dấu hiệu sử dụng lãng phí hoặc không đúng mục đích.

Nhằm tạo quỹ đất cho phát triển giáo dục, UBND quân 1, TP.HCM đã đề xuất được giao quyền rà soát và thu hồi phần diện tích sử dụng sai mục đích của các cơ quan đang đóng tại địa bàn.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó chủ tịch UBDN quận 1, tổng diện tích đất dành cho giáo dục trên địa bàn quận hiện nay là 86.805 m2. Nếu xét theo quy chuẩn 4-5 m2/học sinh như hiện nay, quận còn thiếu khoảng 82.000 m2 đất cho giáo dục.

Đó là chưa kể số học sinh ở các quận khác nhưng xin nhập học tại quận 1.

“Số lượng các em học ở quận 1 thì ngoài số dân ở đây, còn rất nhiều trường hợp ở quận huyện khác, nhưng do cha mẹ làm việc ở quận 1. Nên sỉ số học sinh ở quận 1 cao”, bà Hường cho biết.

Quan 1 xin chu dong thu hoi dat cong su dung sai muc dich
Quận 1 là nơi tập trung các cơ quan, ban ngành của trung ương và thành phố. Đây cũng là nơi có giá đất cao nhất TP.HCM hiện nay.

Trong khi với đặc thù của quận, địa phương này không dễ tạo được quỹ đất sạch để xây dựng thêm trường lớp cho các em. Quận này đã đề xuất UBND TP.HCM được chủ động rà soát – thu hồi các phần đất sử dụng không hiệu quả, để phát triển quỹ đất giáo dục.

Bên cạnh đó, quận này cũng xin được chỉnh trang lại các chung cư cũ và giảm bớt các đơn vị trường học nhỏ lẻ, để hướng đến chuyển đổi công năng, hợp khối phục vụ cho giáo dục.

Không khó để hiểu vì sao UBND quận 1 lại nóng lòng thu hồi với phần diện tích trú đóng của các cơ quan, ban ngành trên địa bàn.

Chưa tính đến các đơn vị của thành phố, quận 1 cũng là khu tập trung mật độ cao nhiều văn phòng đại diện thuộc các bộ, ban ngành trung ương. Một số liệu thống kê  gần đây cho thấy, riêng phường Đa Kao có thời kỳ đến 300 cơ sở, với 334.000 m2 đất do các bộ ngành quản lý.

Hiện quận 1 vẫn còn đến có 128 cơ quan ban ngành thành phố, Trung ương trú đóng và 28 cơ quan là lãnh sự quán hoặc đại diện của các nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Phần lớn diện tích đất này tọa lạc tại khu đất vàng của thành phố. 

Tuy nhiên, theo ông Trần Nam Trang, Phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, việc thu hồi đất của các cơ quan trực thuộc thành phố còn dễ, những phần đất thuộc bộ ngành trung ương thì rất khó khăn. Để có lệnh thu hồi với những phần đất này phải có sự thông qua của Bộ chủ quản và Bộ Tài chính.

Đó là chưa kể nhiều trường hợp đã có quyết định thu hồi, nhưng các cơ quan vẫn có văn bản đề nghị xem xét lại.

Thực tế trong năm 2016, báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cũng cho thấy, việc thu hồi, tạo quỹ đất để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn vẫn còn khiêm tốn, tổng diện tích thu hồi được chỉ vài trăm ha.

Trước mắt, để giải quyết quỹ đất dành cho giáo dục tại quận 1, ông Trần Nam Trang đề nghị quận tận dụng 48 mặt bằng đang đưa ra đấu thầu, kêu gọi nhà đầu tư. Ông khẳng định, nếu quận thấy các mặt bằng này phù hợp để phát triển giáo dục và phù hợp với quy hoạch, Sở Tài chính sẽ ủng hộ, và đề xuất lên UBND thành phố..

Riêng với 14 địa chỉ đã được bán thành công, ông Trang cho biết hiện quận 1 vẫn còn dư khoảng 70 tỷ đồng chưa sử dụng hết. Theo cơ chế, nguồn tiền bán nhà đất sẽ được giao lại toàn bộ cho địa phương.

“UBND quận 1 có công trình gì, cần có vốn đầu tư và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt thì cứ đề xuất. Sở Tài chính sẽ tham mưu ủy ban để giao lại, sao cho sử dụng số tiền này được hợp lý nhất”, ông Trần Nam Trang cho biết.

Anh Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI