"Quái kiệt" Kim Ki-duk: Gã đại tài cô độc

12/12/2020 - 06:42

PNO - Hiếm có phim của một đạo diễn nào tồn tại giữa những làn sóng chỉ trích gay gắt và lời ngợi ca hết mực như Kim Ki-duk, nhưng đến nay, cuộc độc hành của ông cũng đã dừng lại.

Con thú hoang bên trong Kim Ki Duk

Cơn đại dịch COVID-19 vừa “cướp mất” của nền điện ảnh thế giới một Kim Ki-duk quái kiệt, cô độc. Nam đạo diễn mất tại Latvie, một quốc gia châu Âu nhỏ bé, nơi được cho là một trong những vùng đất mới mà Kim Ki-duk tìm tới để làm việc.

Theo SBS, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, nói sau những biến cố liên quan đến làn sóng Metoo dấy lên vào năm 2018, Kim Ki-duk rời Hàn Quốc và tìm kiếm các hoạt động ở nước ngoài. Năm ngoái, đạo diễn Kim là giám khảo của Liên hoan phim (LHP) quốc tế Mosque, và năm nay đang thực hiện quay bộ phim mới, Dissolve.

Đạo diễn Kim Ki-duk được xem là niềm tự hào của Hàn Quốc ở những sân chơi quốc tế, phim ông được đồng nghiệp đánh giá cao. Pietà mang lại cho Kim Ki-duk giải Sư tử vàng, 3-Iron mang về Sư tử bạc, Samaritan Girl đạt giải Gấu bạc, Arirang lập nên chiến thắng tại LHP Cannes 2011 với giải Un Certain Regard.

Trailer phim Pietà, bộ phim nhận được giải Sư tử vàng năm 2012:

Sự nghiệp lừng lẫy của Kim Ki-duk được ngợi ca khi dám bóc trần những mảng màu xám xịt của cuộc đời, đậm đặc tình dục và liên tục khai thác những phản đề gay gắt về cuộc sống.

Trong Crocodile – bộ phim đầu tay, đạo diễn Kim kể về một người đàn ông chuyên đi thu thập xác người tự sát. Cho đến một ngày, người này cứu sống một cô gái xinh đẹp vừa lao xuống dòng nước sâu, và cô gái bắt đầu chuyện tình ướt át với người mình gọi là ân nhân.

Những cảnh ân ái – một trong các yếu tố khiến phim của đạo diễn Kim bị chê là rẻ tiền cũng là thứ khiến phim ông thu hút, gần như luôn xuất hiện. Hình ảnh người phụ nữ trong phim của Kim Ki-duk đa phần bị giày vò, bạo hành, rơi vào cảnh túng quẫn, khốn khó.

Trong The Isle, là chuyện của cô gái điếm sống một mình trên con thuyền đơn lẻ một ngày gặp được người đàn ông. Cô như muốn “thiêu đốt” gã trong cơn đê mê xác thịt.

Trong Bad Guy, Kim lại tạo ra câu chuyện có sự xuất hiện của cô gái điếm và các cảnh bạo hành. Phim 3-Iron kể về chuyện tình ngang trái, có phần lệch lạc của gã thanh niên trẻ Tae-suk.

Nhưng, bộ phim bị cho là "bệnh hoạn" nhất của đạo diễn người Hàn phải kể đến là Moebius. Ông thách thức những người vốn khinh thường sản phẩm điện ảnh của mình và cả những khán giả mến mộ, ủng hộ các tác phẩm của ông.

Trong phim, chi tiết người cha ngoại tình với cô hàng xóm, người mẹ biết được, trong cơn ghen điên cuồng đã cầm dao định cắt dương vật của người cha.

Tuy nhiên ý định không thực hiện được vì người cha kịp tỉnh dậy. Mờ mắt vì giận dữ, người mẹ quay sang phòng của cậu con trai, cắt đứt bộ phận sinh dục của con. Chưa hết, bà còn cho thứ vừa cắt vào mồm và nhai ngấu nghiến.

Trailer phim Xuân Hạ Thu Đông rồi lại... Xuân:

Kim Ki-duk từng nói, đối với nghệ thuật, ông không muốn làm những thứ tầm thường, ông không ngại “mổ xẻ” những vấn đề thuộc về mặt tối của xã hội Hàn Quốc. Nhưng khó ai có thể biết được bước đi tiếp theo của đạo diễn Kim.

Năm 2003, ông giới thiệu Xuân Hạ Thu Đông… rồi lại Xuân với khán giả. Cho đến nay, đây là bộ phim được cho là dễ xem nhất của nam đạo diễn khi khai thác các triết lý sống ở đời qua lăng kính của đạo Phật. 

Ông nói phim được thực khi ông bắt đầu đi tìm câu trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời. Trong Xuân Hạ Thu Đông… rồi lại Xuân, con người của Kim Ki-duk cũng được thể hiện qua sự đơn giản ( tương ứng với việc tiết kiệm thoại, ít diễn viên, bối cảnh) nhưng vô cùng sâu sắc, dày trải nghiệm cuộc sống, hiểu biết. Xuân Hạ Thu Đông… rồi lại Xuân là một trong những bộ phim hiếm hoi của Kim được phần lớn khán giả khen ngợi.

Cái gai trong mắt truyền thông và quá khứ u tối

Năm 2017, Kim Ki-duk bị một diễn viên tố ông đã từng tát và bắt cô phải đóng cảnh bị cưỡng dâm, không có trong kịch bản Moebius. Đạo diễn Kim thua kiện, phải nộp phạt 5 triệu won (khoảng hơn 100 triệu đồng).

Nhưng đó không phải là lần duy nhất ông bị cáo buộc vì bạo hành trên phim trường.

Đối với truyền thông Hàn Quốc, Kim Ki-duk cũng không phải là người “dễ chịu”, ông không hào hứng và thoải mái với truyền thông.

Nhưng, chẳng có điều gì ở Kim Ki-duk là bình thường, kể cả tính cách, phim ảnh và thái độ sống của ông.

Một số cảnh trong phim The Isle:
 

 

Kim Ki-duk sinh ra trong gia đình nghèo tại Bonghwa, phía bắc tỉnh Kyungsang, Hàn Quốc. Cuộc sống của đứa trẻ lớn lên tại vùng núi trải qua nhiều biến cố từ sớm, phải làm quen với cuộc sống ở vùng đất hoàn toàn khác.

Cậu bé Kim sớm bỏ học từ năm 15 tuổi, sau đó làm công nhân cho tới khi gia nhập hải quân năm 20 tuổi. Môi trường quân đội rèn luyện cho Kim Ki-duk tính kỷ luật nhưng ước mơ với nghệ thuật của ông luôn bùng cháy dù thời điểm đó, Kim Ki-duk chẳng rõ ông thích vẽ tranh, làm phim, hay viết kịch bản điện ảnh.

Năm 1990, ở tuổi 30, Kim Ki-duk dồn hết số tiền có được để mua vé máy bay sang Paris, Pháp. Tại đây, để có tiền sinh sống, nam đạo diễn làm việc tại một xưởng tranh. 

Dù tại đây, Kim Ki-duk không học qua trường lớp đào tạo nào về điện ảnh, nhưng khi trở về Hàn, với vốn sống và sự quan sát trong nhiều năm, ông bắt đầu rèn luyện việc viết kịch bản, tham gia nhiều cuộc thi và dần được biết đến.

Trailer phim Moebius:

Sau gần 6 năm kể từ khi sang Pháp, ông thực hiện bộ phim đầu tiên - Crocodile và bắt đầu chuỗi ngày khai thác những câu chuyện đen tối, bạo lực và tình dục.

Vì không học qua trường lớp nên cách làm phim của ông luôn phóng túng và không có khuôn khổ nhất định. Những sự thật tàn nhẫn trong phim của đạo diễn Kim luôn khiến khán giả cảm thấy sợ hãi và kinh tởm.

Nhưng theo một số khán giả trung thành, nếu người xem nhìn lại thì những điều ông gửi gắm đều là những thông điệp hoàn toàn có trong thực tế. 

Ngay từ đầu, khi đến với nghệ thuật, Kim Ki-duk luôn chọn đi con đường riêng. Ông không lẫn trong số đông và những người tiên phong và ông luôn tạo ra các cuộc xung đột không có hồi kết.

Kim không hẳn độc hành trong nghệ thuật bởi bên cạnh ông vẫn có khán giả, nhưng sự ủng hộ ấy không đủ lớn để lấn át những người ghét ông. Kim biết, nhưng không thể chiều theo thị hiếu của số đông nên ông mãi giữ tiếng nói riêng của mình, chấp nhận một hành trình đơn độc và tận hiến.

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI