Quá trọng vật chất, nhiều mối nguy

05/04/2013 - 16:28

PNO - PN - Đọc câu chuyện của chị Nguyên (Báo Phụ Nữ ngày 3/4), tôi tóm được ý chính chị muốn nói là gieo nhân nào gặt quả đó. Nhưng trong thực tế, nhiều người làm ác mà vẫn nhởn nhơ, ngày càng giàu lên, con cái sống trong nhung lụa,...

Ngay từ tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo, các em đã thấy cha mẹ biếu xén các cô để có được sự ưu ái hơn bạn, điều đó đã hình thành trong đầu các em suy nghĩ phải có gì mới được cô giáo cưng. Một bé đang học lớp mầm, một hôm về nói với mẹ, con muốn được cô giáo cột tóc có nơ. Mẹ bé ậm ừ, để mẹ nói với cô. Cháu lắc đầu, rưng rưng nước mắt, không được đâu, mẹ phải bỏ phong bì có thiệt nhiều xiền như mẹ bạn Tú. Tất nhiên, để có nhiều tiền cho con được sung sướng, mẹ bé đòi hỏi nhiều hơn ở cha bé, rồi trở nên khắt khe: anh làm gì mà đem tiền về cung phụng ba má anh nhiều vậy, anh không được lấy tiền nhà giúp đỡ bạn bè v.v... Muốn vừa lòng vợ, cha bé phải nghĩ cách kiếm thêm, nếu làm quan thì tham ô, nếu buôn bán, thợ thầy thì làm ăn gian dối.

Qua trong vat chat, nhieu moi nguy

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Năm tôi học lớp 11, bạn Bích, ngồi kế tôi là con gái của giám đốc một công ty du lịch. Tôi làm cán bộ lớp, được cô chủ nhiệm phân công ghi điểm vô sổ liên lạc cho lớp. Thấy điểm thi các môn của bạn hơi thấp, tôi lo. Nhưng gần tới ngày tổng kết năm học, tôi hay tin bạn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, tôi hỏi cô chủ nhiệm sao kỳ vậy cô? Cô nói vì cha bạn đã giúp đỡ nhà trường khá nhiều, ý ban giám hiệu muốn nâng đỡ tinh thần bạn (?!). Nhiều bạn trong lớp xầm xì, Bích quay lại xỉa xói, vậy thì sao, tụi bây giỏi cứ kiếm thiệt nhiều tiền đi… rồi biết lòng tự trọng để ở đâu. Thú thực là những ngày hè năm đó tôi rất buồn và mất niềm tin vào cuộc sống, thêm nữa là trong nhà, má tôi luôn xem trọng vợ chồng người chị lớn bởi anh chị thường đem rất nhiều quà cáp về, má tôi hay càm ràm mỗi khi tôi xin tiền mua sách vở: “Học cho nhiều rồi cũng thất nghiệp. Như chị mày, học đủ chữ để tính toán mua bán làm giàu được rồi”. Lòng tự trọng khiến tôi muốn nghỉ học ra đi làm kiếm tiền, cũng có lúc muốn tự tử chết quách cho má tôi sáng mắt ra…

Tôi làm thủ quỹ ở một trường tiểu học. Có lần hiệu trưởng xúi tôi lấy tiền quỹ cho một giáo viên trong trường vay để mua bán nhà đất, lãi 7%, tôi và chị chia đôi. Tôi không đồng ý, sau đó, nhiều quý liền chị xếp thi đua tôi vào loại C với sự đồng tình của đa số thành viên trong hội đồng thi đua.

Gia đình là cái nôi giáo dục trí tuệ, đạo đức, hình thành nhân cách tốt đẹp của con người. Điều nguy hại là không ít người cho rằng có tiền là có tất cả.

Trường An (Q.9)

Sự cám dỗ của đồng tiền, lối sống thực dụng, nhu cầu hưởng thụ vật chất khiến nhiều người trở nên vô cảm, ích kỷ. Quan niệm “có tiền là có tất cả” đã ảnh hưởng lớn đến việc giáo dục, duy trì những giá trị đạo đức trong gia đình, là nguyên nhân của việc vợ chồng xung khắc, anh em bất hòa, con cái bỏ rơi cha mẹ già... Phải chăng những giá trị đạo đức gia đình truyền thống đang bị xói mòn khi thiết chế gia đình Việt Nam đang chuyển tiếp từ truyền thống sang hiện đại? Làm thế nào để gìn giữ, nuôi dưỡng các giá trị đạo đức để gia đình thật sự là cái nôi giáo dục trí tuệ, đạo đức, hình thành nhân cách tốt đẹp của con người? Sau khi đăng bài Sống khôn ngoan (ngày 3/4), Báo Phụ Nữ đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc. Để tiếp tục bàn luận về vấn đề này, mời bạn đọc tham gia diễn đàn Nhiễu loạn giá trị gia đình. Bài tham gia xin gửi về địa chỉ: giatrigiadinh@baophunu.org.vn.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI