Quá thiếu nhân lực nghề phục chế tranh

19/07/2023 - 06:33

PNO - Thị trường mỹ thuật Việt Nam phát triển khá sôi động. Tuy nhiên nhân lực được đào tạo chuyên sâu cho việc phục chế, bảo quản tranh - vấn đề rất quan trọng - hiện đang rất thiếu.

Nhiều công phu

Trong họp báo giới thiệu về triển lãm Họa duyên tương ngộ, nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt, Lê Quang Vinh (Phạm Lê Collection) cho biết: một số tranh của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên, qua thời gian 20 năm không được bảo quản kỹ, đã có hư hỏng. Vì thế, tranh phải được sửa chữa, phục hồi để đảm bảo tính thẩm mỹ, chất lượng trước khi mang ra triển lãm cũng như cho quá trình bảo quản sau này.

Chị Thu Hiền đang phục chế tranh - ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Chị Thu Hiền đang phục chế tranh - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Thu Hiền - người phục chế những bức tranh này - cho biết chị mất 1 năm để hoàn thành việc phục chế. Trong đó thời gian nghiên cứu kỹ thuật vẽ, sử dụng chất liệu của họa sĩ khoảng 5-6 tháng. Theo chị, việc tìm hiểu hết sức quan trọng, bởi phải hiểu đúng tinh thần, kỹ thuật của tác giả mới có thể làm đúng. “Mỗi tác phẩm của ông sử dụng kỹ thuật khác nhau. Càng tìm hiểu lại càng khiến tôi thích thú, thán phục” - chị nói.

Chị Thu Hiền từ Pháp trở về Việt Nam và làm công việc này 2 năm qua. Tại Pháp, chị từng theo học ngành kiến trúc. Sau đó, chị tìm hiểu về nghề phục chế tranh và theo học, tốt nghiệp tại Pháp. Số lượng trường và số sinh viên đào tạo cho mỗi năm của ngành này rất ít. Sinh viên được học các môn như: lịch sử hội họa, lịch sử phục chế, hóa học, khoa học khảo cổ… 

Chị Thu Hiền cho biết nguyên tắc phục chế tranh gồm: sử dụng vật liệu có thể gỡ/thay thế nếu có phương pháp tốt hơn để phục chế; không làm ô nhiễm môi trường, gây nguy hại cho sức khỏe con người; trả lại vẻ đẹp nguyên bản của tranh; không làm sai nguyên tác (trừ khi có sự đồng ý của họa sĩ).

Giám tuyển Ace Lê giải thích thêm: “Điểm quan trọng nhất về phục chế là sử dụng các chất liệu reversable (quay về hiện trạng) - tức sau khi phục chế, người chuyên gia thao tác lần sau có thể gỡ, xóa tất cả những chất liệu được bổ sung từ lần phục chế trước như sơn, keo, các chất phụ gia… Để làm như vậy, bên cạnh kiến thức, kỹ năng về lý - hóa - mỹ thuật, còn cần phải có sẵn bộ thư viện chất liệu thỏa mãn điều kiện ấy, mà thường là đồ ngoại nhập”. 

Tùy chất liệu tranh sẽ có cách phục chế tương ứng. Việc tìm hiểu kỹ thuật vẽ, phong cách tác giả là rất quan trọng. Sau đó, người phục chế sẽ làm thử nghiệm, khi đạt mới làm thật.

Nhiều người cho rằng tranh càng cổ càng khó phục chế. Song trên thực tế, tranh càng cổ, có quy tắc, kỹ thuật vẽ hàn lâm lại dễ dàng hơn trong khâu phục chế. Nhiều họa sĩ trẻ hoặc thế hệ trong thời kỳ kháng chiến thì có chất liệu, phương pháp vẽ đa dạng hoặc nguyên liệu bị hạn chế dẫn đến phải pha trộn nên người phục chế phải tìm hiểu rất kỹ.

Nguyên liệu, hóa chất phục chế thường phải đặt hàng từ nước ngoài. Nhiều tranh khi đánh giá bằng mắt thường thì thấy khả năng phục chế được 90%, nhưng khi tìm hiểu sâu lại không phải vậy. Có trường hợp Thu Hiền mất ngủ cả tuần liền vì phải suy nghĩ. Có những tác phẩm khi soi dưới kính hiển vi, phân tích quang học đã nắm được công thức, kỹ thuật nhưng tay nghề có đảm bảo phục chế được hay không là vấn đề khác. Có tranh đã từng được phục chế, nên cũng gây khó cho lần phục chế kế tiếp.

Nghề cần nhưng rất thiếu 

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho biết, thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện tại rất phát triển nhưng đang rất thiếu yếu tố quan trọng là người phục chế. Ngoài chuyên gia Thu Hiền học từ Pháp, theo tìm hiểu của ông, chỉ còn 1 người nữa chuyên phục chế tranh giấy, tranh lụa.

Ông cho biết, trước đây có một lực lượng làm công việc bồi tranh (một hình thức sửa chữa) nhưng không qua trường lớp mà chỉ dựa trên kinh nghiệm. Những người này hiện đã lớn tuổi và cũng không truyền lại nghề cho con cháu. Theo ông, việc học qua trường lớp của một số bạn trẻ sau này có nhiều lợi thế. Bởi khi có kỹ thuật, soi chiếu được các lớp tranh, thành phần, sẽ tìm ra được công thức, chất liệu phù hợp. Ngoài ra, họ cũng có thể thẩm định tranh thật, giả.

Bức tranh Mẹ con của hoạ sĩ Lê Thị Kim Bạch được phục chế năm 2015 với sự hỗ trợ của các chuyên gia từ Đức (ảnh: internet)
Bức tranh Mẹ con của hoạ sĩ Lê Thị Kim Bạch được phục chế năm 2015 với sự hỗ trợ của các chuyên gia từ Đức (ảnh: internet)

Giám tuyển Ace Lê nói phục chế - bảo quản hay đi đôi với nhau và là 2 khâu rất quan trọng trong công việc sưu tập, trưng bày nghệ thuật. Theo anh, các bảo tàng lớn đều có bộ phận chuyên trách những khâu này. Ví dụ, National Gallery Singapore có một ban phục chế gồm các chuyên gia chuyên trách của bảo tàng. Ngoài ra còn có một số chuyên gia và xưởng phục chế bên ngoài nằm trong danh sách được bảo tàng phê chuẩn, thường chuyên về một số chất liệu đặc thù.

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi dẫn chứng việc làm vệ sinh, dẫn đến hư hỏng bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc (một trong những bảo vật quốc gia) của cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí là thảm họa khi đội ngũ phục chế, bảo quản tranh không được đào tạo về chuyên môn tốt.

Trong quá khứ, các chuyên gia Nhật Bản cũng từng mang các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh về nước để phục chế, vì quá yêu thích các tác phẩm của ông. Tác phẩm Em Thúy của họa sĩ Trần Văn Cẩn, Mẹ con của họa sĩ Lê Thị Kim Bạch, Rượu cần của họa sĩ Kà Kha Sam… khi phục chế đều phải nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài. 

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi nhấn mạnh, khi có lực lượng phục chế đủ và mạnh, ngành mỹ thuật Việt Nam mới có thể tự bảo vệ được tài sản của mình một cách chủ động. Theo ông, bên cạnh nhân lực tự học, để phục vụ cho thị trường tranh bên ngoài thì chính các bảo tàng, đơn vị quản lý văn hóa nhà nước cần có chính sách, chiến lược để đầu tư. “Nhân lực phù hợp với công việc này đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ. Nếu họ là họa sĩ thì càng tốt, vì có tinh thần, kiến thức mỹ thuật tốt sẽ giúp việc phục chế hiệu quả hơn” - ông nói. 

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI