Quà tết này là do cơ quan cơ sở, cơ quan chủ quản, hoặc địa phương tặng. Thí dụ tôi là giáo viên tại Bình Long (Bình Phước), ngày tết sở giáo dục tặng xấp vải quần. Địa phương kinh tế chủ lực là nông nghiệp nên tặng mỗi giáo viên 100 gram đậu xanh, 100 gram đậu đỏ, 100 gram đậu phộng, nửa ký nếp… Nhà nước cho nửa ký đường, năm ký gạo (tiêu chuẩn giáo viên miền núi). Một giáo viên xách sơ sơ gần mười ký, đón xe về Sài Gòn.
|
Hộp mứt tết, chai rượu chanh, gói thuốc lá Phù Đổng - kỷ niệm của thời bao cấp. Ảnh minh họa |
Xe khách thuở đó ngừng bên đây cầu Bình Triệu. Muốn đi xe buýt về nhà phải lội bộ qua cầu. Tôi luôn nhớ người thanh niên xách dùm tôi chiếc túi sang bên kia cầu. Cậu đứng đợi tôi, đưa lại túi hàng tết rồi mới nhảy lên xe buýt về nhà.
Thuở đó, ngày tết, công nhân viên Nhà nước thường xách túi hàng nặng. Gạo và hàng hóa rất hiếm. Được vài trăm gram đậu, vài ký gạo là… mừng húm. Cỡ nào cũng xách về cho gia đình ấm lòng ngày tết. Công nhân ở Sài Gòn có thêm vài chai nước ngọt… Đến nhà nào cũng y như nhau. Công nhân Sài Gòn không được cho đậu, nhưng được cây thuốc lá Nông Nghiệp. Công nhân nữ không hút thuốc thì bán lại cho đồng nghiệp nam.
Năm đầu tiên tốt nghiệp đại học, tôi được phân công về một trại heo của nông trường. Quà tết của tôi thường “xôm tụ” nhất nhà: hẳn năm ký thịt heo, trong khi địa phương chỉ bán mỗi hộ gia đình nửa ký thịt. Tôi nhớ má tôi xuýt xoa thế nào khi cầm cái vá đảo nồi thịt kho to đùng lên:
- Ui cha, từ ngày giải phóng đến nay (năm 1980) tao mới có nồi thịt như vầy.
Tuổi trẻ năng động, tôi bỏ việc chăn nuôi đi làm giáo viên miền núi, ngày tết chỉ “ôm” về vài trăm gram đậu. Thôi thì có chút quà nấu chè ăn tết cũng ổn rồi. Sau này, quà tết còn có thêm 200 gram mứt thập cẩm đựng trong hộp giấy vuông màu đỏ. Ngày tết đến nhà bạn bè đều được mời cùng một loại mứt đựng trong hộp y chang nhà mình. Không có gì đặc biệt với người trong biên chế Nhà Nước. Nhưng có còn hơn không. Chứ “dân thường” buôn bán ngoài quốc doanh làm gì có được loại mứt đó.
Cơ quan nào bộ phận công đoàn “chạy” được mỗi người một ký gạo thơm, một ký nếp, một hộp mứt thập cẩm, nửa ký đường vàng… là xem như nhân viên của họ “ấm lòng” ngày tết. Có thêm vài gói thuốc lá Nông Nghiệp, Samit… thì “tuyệt vời ông mặt trời”.
Tết mà bị mất danh hiệu Lao động tiên tiến coi như… mất quà. Trong phần quà có xấp vải tám mà bị mất, xem như buồn cho đến… qua tết. Tôi nhớ lần đó tôi lãnh xấp vải tám màu đen mang về tặng má. Má nhờ hàng xóm may bộ đồ đen… mặc tết và bà vui như trẻ nhỏ.
Có lần cơ quan tôi bán thêm một ký đường mía, mỗi thỏi vuông nặng 250 gram, bốn thỏi là một ký, thêm quà tết một ký nữa. Tôi xách hai ký đường về muốn gãy tay, nhưng cả nhà lại chẳng biết xài mấy thỏi đường vào việc gì, bèn mang ra chợ bán cho người có nhu cầu nấu chè, lời được vài đồng mua gạo ăn tết mà ai cũng vui… như tết.
Giờ thì người ta tặng quà nhau bằng bánh kẹo nhập khẩu. Chẳng ai nghĩ đến chuyện tặng nhau gạo cả. Một lần công đoàn trường tôi tặng mỗi giáo viên năm ký gạo xuất khẩu, một chai dầu ăn và hai ký đường Biên Hòa. Cô thư ký công đoàn bị mọi người phản đối ầm ĩ, nhất là những giáo viên đã qua thời bao cấp.
- Có phải thời bao cấp gạo thóc hiếm đâu mà cho gạo?
- Gạo nặng quá ai xách về được, nhất là giáo viên nữ đi xe buýt.
Từ trạm xe buýt ở Sài Gòn, tôi đi xe ôm về nhà. Thấy tôi khệ nệ mang bọc gạo về, chị Tư la liền: "Tao nói khỏi mang gạo về mà. Sao rảnh quá!".
Nghe chị nói, tôi bồi hồi nhớ lại những phần quà tết ngày xưa, khi đất nước còn trong giai đoạn khó khăn, quà tết chỉ những ký gạo, vài trăm gram đậu, mà vẫn mang niềm vui cho cả gia đình. Ôi, nhớ quá, quà tết ngày xưa…
Nguyễn Ngọc Hà