Quà tết đâu thể giúp người già bớt cô đơn

27/01/2021 - 09:46

PNO - "Thời gian không đợi, quà bánh nhiều đâu thể giúp người già bớt cô đơn”. Tôi nhớ mãi lời nội vào buổi chiều hôm ấy.

Năm qua là một năm đầy khó khăn và biến động bởi dịch bệnh và thiên tai, thế nhưng tết đến xuân về thì không khí vẫn nao nức và chộn rộn. Người người, nhà nhà cấp tập dọn dẹp, sắm sửa, lên kế hoạch ăn chơi hưởng thụ trong mấy ngày xuân ngắn ngủi. Tôi ngồi bên nội, nghĩ về những niềm vui trong sự sum họp bình an.

“Ở tuổi nội bây giờ, điều cần nhất là những lần gặp gỡ cùng cháu con, những lời trò chuyện hỏi han. Thời gian không đợi, quà bánh nhiều đâu thể giúp người già bớt cô đơn”. Tôi nhớ mãi lời nội vào buổi chiều hôm ấy.

Người già cần nhất sự quan tâm, hỏi han - Ảnh minh họa
Người già cần nhất sự quan tâm, hỏi han - Ảnh minh họa

Hơn 300 ngày tất bật đã qua đi, chút thời gian ít ỏi lúc tết về chính là cơ hội để những người thân trong gia đình cùng tề tựu. “Ông bà có khỏe không?”, “Cháu cố gắng ăn nhiều cho chóng lớn”, “Công chuyện làm ăn của anh/em có gì khó khăn?”.

Những câu thoại ngắn ngủi, đơn giản tưởng chừng dễ dàng bật ra bất cứ lúc nào, thế nhưng, vì guồng quay cơm áo, nên ngày thường chưa chắc đã được trao đi.

Vào những ngày lễ tết, người lớn được nghỉ làm, trẻ con được nghỉ học, thì những câu chuyện mới có dịp được “khai mở”. Bên mứt ngọt, trà thơm, bên chiêu rượu ấm, mọi người mới bắt đầu trải lòng, cùng nhau dọn dẹp, ôn cố tri tân.

Phải nói rằng, dù là họ hàng thân thích mỗi năm chỉ gặp một lần, nhưng nếu không xuất phát từ lòng yêu thương, thì những câu chuyện cũng trôi đi trong vội vã, hệt như những cuộc viếng thăm. Chỉ có những tấm lòng đồng điệu, thật sự quan tâm mới giúp mỗi người nán lại gần nhau, cùng bày tỏ về những hối tiếc, những sân si, những điều vương vấn năm cũ, và những khát vọng năm mới vừa kịp tượng hình…

Cùng người thân trò chuyện bằng tất cả tấm chân tình là điều không hề mang đến phiền phức, ngược lại, còn giúp mỗi người giải tỏa căng thẳng, buông bỏ những “rác thải” tâm hồn và bồi đắp thêm những “phù sa” tinh thần màu mỡ. Người trẻ sẽ kể cho người già về những đổi thay, cập nhật kiến thức đầy tính thời cuộc. Người già bằng sự từng trải, dạn dày, sẽ truyền cho cháu con những bài học kinh nghiệm để trưởng thành, lớn khôn. Người ta hay bảo năm mới thì nên chọn lời đẹp, ý hay để trao đi. Nhưng những câu chúc nếu không đi kèm lòng chân thành thì cũng chỉ là những câu chào xã giao sáo mòn, hời hợt. 

Buổi chiều hôm ấy, cùng ngồi nhìn nắng, tôi thấy trong mắt nội vương nét buồn. Nội bảo lại thêm một năm nữa gia đình bác cả lên kế hoạch đóng cửa đi du lịch xuyên tết, cây mai góc sân không có người nhặt lá, nội không đi cùng vì còn bận lo chuyện hiếu đạo với tổ tiên. Đó là lời nội, còn xưa hơn, người ta nhắc nhau trong ba ngày tết, mùng Một thăm nhà nội, mùng Hai nhà ngoại, mùng Ba đến nhà thầy. Tôi nhớ ra và cũng là tự nhắc mình: tết năm nay tôi sẽ về thăm nội thật sớm, ở với nội thật lâu. Tôi sẵn lòng trò chuyện, trả lời tất cả câu hỏi về công việc, chồng con…

Có sao đâu, dù có hay chưa, tính định thế nào, thì điều nội muốn nghe chắc gì là một cái tên cụ thể. Điều khiến người già bớt cảm thấy mênh mang, hiu hắt trong khoảnh khắc đất trời giao chuyển chính là những gặp gỡ, những lời thì thầm, những cái siết tay đầy nương tựa và tin cậy. 

Diệu Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI