PNO - PN - Trước khi Những giấc mộng đêm hè diễn ra (tối 17/8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội), NS Quốc Trung đã dành những lời trân trọng nhất để nói về Hải Bột: “Tôi muốn là thành viên ê kíp của Bột, chứ không phải muốn anh là thành...
Bột là Nguyễn Công Hải - hiện tượng của âm nhạc năm 2011 với album Đường về (sáng tác và hát toàn bộ các ca khúc trong album). Trước đó, Hải Bột từng là ca sĩ và người sáng tác chủ chốt của ban nhạc rock Microwave. Bột có ma lực làm cả đám đông rock fan phát rồ lên mỗi khi anh xuất hiện với cây guitar gỗ của mình. Sau khi được “đưa ra ánh sáng” của âm nhạc đại chúng bằng đề cử nhạc sĩ và album của năm (Cống hiến mùa 2011), Hải Bột lặn mất tăm. Những giấc mộng đêm hè là cuộc trở lại đầu tiên của Nguyễn Công Hải, với tư cách một nghệ sĩ độc lập. Quốc Trung đã sắp đặt cho Hải Bột một người đối thoại độc đáo: Tùng Dương và làm nền cho hai giọng hát mãnh liệt và nam tính này là vẻ đẹp trong mát thuần khiết của Phạm Thu Hà.
Hải Bột xuất hiện với quần đỏ áo cam, cây guitar quen thuộc, hát một lèo bảy bài: Có một mặt trời, Trái đất tròn, Ngày hôm qua, Đường về, Vì đời, Xa, Ông trời cô đơn. Chỉ với các nhạc cụ acoustic tối giản, không gì có thể khuất lấp, kể cả từng vết xước giọng, âm nhạc của Nguyễn Công Hải cất lên, dịu dàng và âm u, thô ráp và đầy sinh lực. Không gian âm nhạc của Công Hải là một hệ thống tác phẩm “phi tình ca”, không vật vã những chuyện yêu đương trai gái. Rủ rỉ như những câu chuyện kể, thô mộc và tự nhiên (như cách hát của Hải), ca từ được viết theo một mạch triết lý riêng, giễu nhại và nhuốm màu chua chát. Người nghe có thể nhận ra những hoang hoải và thất lạc của chính mình, khi nhập tâm vào những bài hát của Hải. Những bản rock (nếu gọi là vậy) của Công Hải không chát chúa hay cuồng nộ, mà là một hệ thống giai điệu tinh tế được chắt lọc khéo léo từ ngũ cung và dân ca. Hải viết và hát như một nghệ sĩ du ca, anh kể câu chuyện của tâm hồn mình, những bất ổn và tiếc nhớ trong trái tim mình. Không lạ khi xúc cảm thành thật ấy dễ dàng chạm được vào người nghe.
Hai màu sắc âm nhạc mãnh liệt và dương tính Tùng Dương - Công Hải
“Khớp chuyển” từ màu trầm âm u của Công Hải sang màu nóng rực rỡ của Tùng Dương là bản song ca Tình yêu ở lại (Quốc Trung). Một giọng hát điêu luyện và kỹ thuật bên cạnh vẻ thô ráp mộc mạc - họ càng cá biệt khi xuất hiện bên cạnh nhau. Nếu Hải Bột chỉ ôm guitar và hát, hầu như không nói gì, thì trái lại, Dương tung tẩy, bỡn cợt, chịu khó trò chuyện giữa mỗi bài hát. Dương rõ ràng là một nghệ sĩ biểu diễn, với vũ đạo hình thể có ngôn ngữ biểu đạt (chứ không phải kiểu nhảy nhảy nhót nhót của đa số ca sĩ) và giọng hát đầy uy lực. Dương nằm trong số rất ít nghệ sĩ áp đặt được tuyệt đối tinh thần của mình lên ban nhạc và khán giả. Một tổng thể sân khấu và khán giả như của Những giấc mộng đêm hè là cơ hội quá lý tưởng để Tùng Dương giới thiệu “demo” hai ca khúc trong album sắp tới của mình (Thể đơn bào - Sa Huỳnh, Độc đạo - Lưu Hà An). Có thể hình dung là trong dự án mới, Dương sẽ đi tiếp con đường của Li ti với tính khái quát cao hơn, gợi mở về một tổng thể âm nhạc hiện đại và giàu liên tưởng. Dương rất khéo léo để “bắt tai” khán giả trong những bản Jazzy của Giáng Son (Thu cạn, Cỏ và mưa). Những bài cũ như Sen hồng hư không, Mưa bay tháp cổ đặt vào một không gian hòa âm khác là Dương lại biến hóa khó lường.
Bài hát gây hưng phấn cho khán giả nhất có lẽ là Bài ca trên núi (gần 50 năm tuổi) của NS Nguyễn Văn Thương. Cũng như cách Tùng Dương từng làm “hồi sinh” Chiếc khăn piêu, yếu tố bản địa của chất liệu âm nhạc (dân ca Mông) được nương tựa trong không gian đa tầng của hòa âm world music khiến bài hát quen thành mê hoặc trong một diện mạo mới. Có thể dự báo, Bài ca trên núi sẽ là hit tiếp theo của Tùng Dương (kiểu như Chiếc khăn piêu). Năm ngoái, Tùng Dương miệt mài hát nhạc xưa, cũng có băn khoăn nhẹ trong lòng những công chúng luôn xem Dương là một nghệ sĩ tiên phong. Nhưng, để hát được bài mới đâu có dễ (khi khán giả không sẵn lòng đón cái mới), bằng chứng là Trời cho hay Đồng hồ treo tường - những bài rất hay trong các album trước (và nhiều bài khác trong Li ti hay Những ô màu khối lập phương) rất hiếm được dịp biểu diễn. Nghe và xem Tùng Dương trong Những giấc mộng đêm hè, mới thấy chỗ của Dương phải là ở những sân khấu cấp tiến, chứ không phải nhạc xưa bán vé chạy ầm ầm.
Phạm Thu Hà, cô gái Classic meets Chillout là quãng ngơi nghỉ mát lành giữa hai màu sắc âm nhạc quá mãnh liệt và dương tính của Nguyễn Công Hải và Tùng Dương. Tuy run rẩy và có cảm giác cô bị “ngợp” trước khán giả và sức nóng của bạn diễn, nhưng với những bản semi-classic nhẹ nhàng và vừa vặn (Bài hát ru cho anh, Harem, Time to say goodbye, Scarborough Fair…), phần biểu diễn trong trẻo của Phạm Thu Hà là điểm xuyết bay bổng và nhẹ nhõm cần thiết cho chương trình.
Ngay đêm diễn, Quốc Trung có lời phi lộ: “Tôi muốn có những cuộc chơi không để tính toán, mà để nghệ sĩ được sống hết mình với âm nhạc”. Điều đó giống như thỉnh thoảng người ta phải được quyền có một giấc mộng đẹp, để biết giá trị của ước mơ và những điều tử tế.