PNO - PN - Ngành du lịch của nhiều nước đã áp dụng hết sức tinh tế, linh hoạt món quà tặng kèm để tăng giá trị của sản phẩm, điểm đến. Ngành du lịch Việt Nam sở hữu những món quà tuyệt vời của thiên nhiên song lại dường như đang...
edf40wrjww2tblPage:Content
Ấn tượng khó quên với “quà tặng kèm”
Hiện nhiều điểm đến du lịch của một số nước đã áp dụng hình thức tặng quà một cách linh hoạt để tăng hấp dẫn du khách. Quà tặng không hẳn là những sản phẩm cụ thể mà là những dịch vụ mang lại cho du khách thêm trải nghiệm, thêm sự thoải mái.
Công viên sinh thái Kilim Geoforest Park là một trong những điểm đến hấp dẫn của hòn đảo Langkawi, Malaysia. Không chỉ thu hút du khách ở phần cảnh quan thiên nhiên với những dãy núi phủ đầy cây xanh nằm giữa biển, những hang động… nhà điều hành điểm đến này còn đưa vào lịch trình một nội dung “nhân tạo” có tên gọi “Fish farm” (nông trại cá). Nghe thì hoành tráng, thực chất Fish farm chỉ là một bè nổi gồm vài lồng nuôi chưa đến 10 loại cá. Điểm thu hút là họ cho du khách được hưởng cảm giác tiếp xúc trực tiếp với những loài vật này: cảm nhận làn da mềm mại, trơn mượt của cá đuối khi cho chúng ăn; hay cảm giác gai gai, nhột nhột khó tả khi con cua bò trên tay… Chỉ là “phần tặng thêm” rất nhỏ nhưng đã để lại ấn tượng tốt và khó quên trong lòng du khách.
Một điểm đến khác cũng thuộc đảo Langkawi là cáp treo Panorama Langkawi. Trước khi đi cáp treo, du khách được tặng thêm phần trải nghiệm với Sky Dome. Sky Dome hoàn thành vào tháng 7/2014 với mục đích rút ngắn thời gian chờ đến lượt đi cáp treo cho du khách. Sky Dome cung cấp 360 hình ảnh 3D như: đàn cá mập giữa đại dương tấn công du khách, trò chơi tàu lượn siêu tốc giữa đỉnh núi với những vòng lượn phức tạp, lắt léo, cuộc chiến của những người máy biến hình…
Nếu so sánh thì ruộng bậc thang ở Raya Andong, Ubud, Bali, Indonesia kém xa với những thửa ruộng bậc thang của Việt Nam tại Mù Căng Chải (Yên Bái), Mã Pì Lèng (Hà Giang)… Tuy nhiên, du khách vẫn lũ lượt đổ về đây. Những nhà quản lý điểm đến này đã cho dựng hàng chục lều lá để du khách vừa thưởng thức phong cảnh thiên nhiên, vừa ăn uống, trò chuyện. Không chỉ vậy, xung quanh khu này, trên con đường Ralan kéo dài nhiều cây số còn có hàng trăm quầy hàng và làng nghề với đầy đủ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ đặc trưng của Bali, thuộc các lĩnh vực từ dệt may, đan móc, gỗ, sành sứ, kính, kim loại… Du khách không phải trả tiền mua vé xem ruộng bậc thang nhưng họ “đổ” khá nhiều tiền để mua quà lưu niệm.
Du khách thích thú trải nghiệm cảm giác cho cá đuối ăn hoặc cua bò trên tay
Đơn điệu dịch vụ, tận diệt thiên nhiên
Trong khi đó, các điểm đến du lịch ở Việt Nam thì khác, thiên nhiên thật đẹp, hùng vĩ song con người lại không biết tận dụng. Hoặc không có, hoặc có thì “lá bùa” dịch vụ tặng thêm mà con người tạo ra lại “phản chủ” khi phá nát những giá trị vốn có của thiên nhiên.
So sánh một điểm đến có tính chất tương tự công viên sinh thái Kilim Geoforest Park là Tam Cốc - Bích Động hay Tràng An (Ninh Bình). Cũng là núi đá, nhưng Bích Động, Tràng An đẹp hơn bởi nhiều dãy núi liền núi, hang động nối liền hang động, mỗi mùa một loài hoa nở hai bên đường đi, nước trong vắt cùng với sự tĩnh lặng đến vô cùng của không gian... Tuy vậy, việc tham quan nơi này chỉ bằng thuyền thô sơ chứ không phải thuyền máy như ở Kilim Geoforest Park, và lẽ ra khách sẽ được hòa mình với thiên nhiên, thì họ lại phải “chịu đựng” thói chèo kéo của một số đối tượng chèo thuyền về việc tăng thêm tiền bồi dưỡng. Ninh Bình nổi tiếng với nghề thêu truyền thống, nghề dệt cói, nghề điêu khắc đá… song du khách chẳng thể tìm được một cửa hàng nào có bán những sản phẩm đặc trưng này. “Một du khách châu Âu, sau khi tham quan các thắng cảnh Ninh Bình có hỏi một câu khiến hướng dẫn viên (HDV) “đứng hình”: "Cảnh đẹp nơi đây thật tuyệt vời. Tôi rất thích. Tuy nhiên, tôi có 5.000 đô la dành cho mua sắm. Tôi sẽ làm gì để tiêu hết số tiền này đây?”, Huỳnh Thanh Việc, HDV của Lửa Việt Tour kể.
Hay cũng là ghé thăm bè cá nhưng ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), du khách chỉ được xem bằng mắt, lại còn bị chèo kéo theo kiểu buộc phải mua với giá đắt hơn thông thường đến 40-50%. Theo ông Nguyễn Thế Công, HDV của Fiditour, ban quản lý khu du lịch vịnh Hạ Long cũng cấm tình trạng này và phạt khi bắt quả tang, tuy nhiên cách làm này chỉ nắm được phần ngọn, chỉ quản lý bề nổi, thể hiện một cách làm du lịch không chuyên nghiệp.
Nói về ruộng bậc thang ở một số tỉnh Tây Bắc nước ta, nhiều người phải dùng đến những từ như đẹp sửng sốt, đẹp đến say đắm, đẹp như tranh vẽ… Thế nhưng, các địa phương sở hữu khối “tài sản” to lớn này hầu như chưa làm được gì để nhân lên giá trị của chính nó cùng những giá trị văn hóa, ẩm thực, sản xuất đi cùng. Bàn tay những người phụ nữ địa phương có thể tạo nên những sản phẩm thủ công độc đáo, song vẫn chỉ là làm để phục vụ nhu cầu của chính họ chứ không có đơn vị nào đứng ra tổ chức để biến chúng thành sản phẩm du lịch.
Đã vậy, nhiều nơi còn tạo cho không gian điểm đến những hình ảnh không thể hiểu nổi. Được xếp là di tích quốc gia, hang dơi (Mộc Châu, Sơn La) là một động trên núi khá đẹp với độ cao trên 20m, rộng gần 70.000m2 và đặc biệt là nhiều khối thạch nhũ lấp lánh sắc màu với nhiều hình thù đặc sắc. Tuy nhiên, vào sâu bên trong thì du khách thật sự sốc vì người ta đã cho đổ giả thạch nhũ bằng xi măng xung quanh khu vực được gọi là hồ Tiên (hồ cạn). Hoặc, bản thân màu sắc nhũ đá ở động Thiên Cung, Phong Nha (Quảng Bình) đã vốn lung linh lại được gắn đủ loại đèn màu gây nên cảm giác giả tạo.
Ông Jim Flannery, chuyên gia về tổ chức du lịch của Dự án EU (Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội) cảnh báo: Để thành công, ngành du lịch Việt Nam cần phải tăng cường năng lực của các tổ chức thuộc cả khu vực công và tư. Cụ thể, ngành du lịch Việt Nam cần thống nhất về sự phân chia trách nhiệm rõ ràng giữa các tổ chức; duy trì nguồn kinh phí hoạt động thực tế cho công tác tiếp thị quốc tế; pháp luật du lịch về trách nhiệm cần được rà soát và củng cố…
Tổng thống Donald Trump không ban hành sắc lệnh thuế như dự báo đã đẩy giá vàng thế giới tăng mạnh, giá vàng trong nước tăng giá 2 lần trong buổi sáng.