Quá tải, trường tiểu học phải cho học sinh “học nhờ” trường khác

16/03/2023 - 14:24

PNO - Làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội, trường tiểu học chia sẻ nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, giáo viên khi triển khai chương trình mới.

 

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

 Ngày 16/3, Đoàn công tác Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có buổi giám sát tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Trường tiểu học Hà Huy Giáp, (quận 12, TPHCM).

Báo cáo đoàn giám sát, bà Nguyễn Hoàng Yến - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hà Huy Giáp nhận xét, Chương trình phổ thông 2018 chú trọng việc thực hiện phương pháp dạy học tích cực. Từ đó học sinh được hoạt động để tự mình tìm tòi kiến thức, phát triển kỹ năng và vận dụng vào đời sống. Thầy cô không còn thiên về truyền thụ mà đóng vai trò hướng dẫn cho học sinh.

Trong việc thực hiện chương trình, thầy cô được quyền chủ động phân bổ thời gian dạy học và lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với mỗi nội dung mỗi đối tượng và hoàn cảnh cụ thể. Đây cũng là yếu tố quan trọng để giảm tải chương trình. Học sinh theo chương trình mới cũng có những chuyển biến tích cực như các em mạnh dạn trình bày ý kiến trước lớp, việc học tập nhóm hiệu quả hơn.

Bà Nguyễn Hoàng Yến - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hà Huy Giáp
Bà Nguyễn Hoàng Yến - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hà Huy Giáp

Tuy vậy, thời gian đầu triển khai chương trình trong bối cảnh vừa chống dịch vừa dạy học nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng. Bên cạnh đó, với yêu cầu dạy 2 buổi/ngày, mỗi ngày không quá 7 tiết, mỗi tiết không quá 35 phút, trong khi đó, trường Hà Huy Giáp là trường tiểu học công lập duy nhất của phường Thạnh Lộc với học sinh đầu cấp tăng cao hằng năm, cho nên mục tiêu dạy học 2 buổi cho tất cả các lớp theo chương trình mới là không thể thực hiện. 

Theo nữ hiệu trưởng, trường có 3.369 em, sĩ số trung bình 50,3 học sinh/lớp, cao hơn nhiều so với sĩ số chuẩn 35 em/lớp. Hiện có 67 lớp nhưng chỉ có 22 lớp được tổ chức học 2 buổi/ngày. Năm học 2022-2023, do tình hình khó khăn về phòng học, trường đã mượn 14 phòng học tại Trường THCS Tô Ngọc Vân để tổ chức dạy 2 buổi/ngày với khối lớp Năm. Không chỉ thiếu phòng học, mà trường còn không có các phòng bộ môn như mỹ thuật, âm nhạc, chỉ có duy nhất 1 phòng tin học. 

Hiện trường thiếu giáo viên các bộ môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất và cũng không có nguồn tuyển. Cho nên, phải bố trí giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm các bộ môn này.

Bên cạnh đó, việc giáo viên dạy 2 buổi/ngày theo chương trình mới không nhận được khoản hỗ trợ dạy buổi hai so với các khối lớp theo chương trình cũ. “Điều này đã ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống giáo viên. Hiện nhà trường đang dùng nguồn thu buổi hai của các khối Bốn, Năm của chương trình cũ để san sẻ với các thầy cô lớp Một, Hai, Ba chương trình mới. Tuy vậy, giáo viên đang có xu hướng không muốn dạy 2 buổi/ngày” - bà Nguyễn Hoàng Yến nói.

Ông Phan Viết Lượng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội - trưởng đoàn giám sát
Ông Phan Viết Lượng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội - Trưởng đoàn giám sát

Cô Trần Thị Hợi - Tổ trưởng tổ tiếng Anh của nhà trường - cũng chia sẻ hiện nay đang dạy lớp học có 58 học sinh. Sĩ số quá đông trong khi 1 tiết học chỉ 35 phút thì rất khó để luyện cho học sinh nói tiếng Anh hiệu quả. Do đó, nếu có giải pháp giảm sĩ số lớp học thì việc giảng dạy theo chương trình mới sẽ hiệu quả hơn.

Bà Nguyễn Vĩnh Bảo Châu - Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận 12 - cho biết vấn đề thiếu giáo viên được lãnh đạo quận hết sức quan tâm. Hiện quận đang tiến hành tuyển dụng đợt 2. Tuy vậy, với giáo viên dạy nhiều môn có thể tuyển đủ, còn giáo viên bộ môn âm nhạc, mỹ thuật vẫn thiếu.

Quận đã chỉ đạo các trường hợp đồng thỉnh giảng với các giáo viên bộ môn. Đối với trường tiểu học nguồn thu ít, gặp khó khăn khi phải chi trả cho giáo viên thỉnh giảng, do đó quận sẽ kiến nghị có giải pháp cấp bù ngân sách cho các trường. Bên cạnh đó, quận cũng tính tới phương án biệt phái giáo viên THCS xuống hỗ trợ tiểu học và tham khảo mô hình lớp học ảo đang thí điểm ở huyện Cần Giờ, Củ Chi.

Ông Phan Viết Lượng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội - Trưởng đoàn giám sát - ghi nhận sự nỗ lực của nhà trường, thầy cô trong việc triển khai chương trình mới. Ông cũng chia sẻ với những khó khăn, đặc biệt là vấn đề sĩ số lớp cao, trong đó có cả học sinh hòa nhập nên gây nhiều áp lực cho giáo viên. Chưa kể, những điều kiện về cơ sở vật chất còn hạn chế, tình trạng thiếu giáo viên nhưng không có nguồn tuyển. Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, ghi nhận đầy đủ các ý kiến để có những giải pháp phù hợp.

Minh Linh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI