Quá stress vì miệng lưỡi người đời

12/02/2023 - 20:00

PNO - Rõ ràng người đời không hiểu chuyện nhà em mà vẫn phán xét, thì tại sao ta lại phải quan tâm và tìm cách “giải quyết” những vấn đề họ tự nghĩ ra?

Chị Hạnh Dung kính mến,

Em lấy chồng đã 5 năm, có 2 cô con gái. Chồng em là con trai út nên phải sống chung với ba mẹ. May mắn là ba mẹ chồng rất thương em nên cuộc chung sống cũng êm ả.

Cách đây một năm, khi đất đai ở quê em đang sốt, ba mẹ em lấy lý do đã già, không còn sống được bao lâu nên cắt đất chia cho các con. Trong 3 người con trai, chồng em được chia đất nhiều nhất. 2 anh cũng vui vẻ với việc này, vì chồng em ở cùng, chịu trách nhiệm phụng dưỡng ba mẹ và sẽ lo hương khói tổ tiên.

Khối tài sản ước tính từ số đất được chia lên đến gần 30 tỉ đồng tính theo giá thị trường, nên chuyện này trở thành đề tài lớn trong xóm. Em đi đâu cũng nghe người ta khen mình số sướng, chuột sa hũ nếp, có chừng đó tiền rồi thì đâu cần làm ăn gì nữa…

Mới đây, mẹ chồng em mắc bệnh khá nặng. Những căn bệnh tiểu đường, mỡ máu bà đã có từ lâu, nhưng không hết mình chữa trị nên bây giờ nặng hơn, làm bà mệt mỏi. Tuy vậy bà không chịu đi khám bệnh.

Mẹ chồng em rất tiết kiệm, luôn lo nghĩ, tính toán cho con cháu. Bà nhìn đâu cũng thấy cái khổ, cái áp lực của các con và không muốn con tốn kém tiền bạc. Tụi em mua thức ăn về, bà không bao giờ ăn, thậm chí còn la mắng. Nếu em nói thức ăn được cho thì bà mới vui vẻ nhận.

Giờ bị bệnh, bà vẫn làm vườn, hễ đứa nào nhắc đến khám bệnh là bà mắng. Nhưng hàng xóm và họ hàng bên chồng em, mọi người bàn tán chuyện tụi em “ẵm cả 30 tỉ mà để mẹ bệnh không đưa đi khám".

Người ta còn nói vì tụi em đã lấy hết đất nên mẹ không còn gì dưỡng già, phải sống khổ sở. Em quá sợ hãi sự đánh giá của người ngoài. Có lúc giận quá, em đã tính trả hết đất đai cho mẹ, để mong miệng đời công bằng hơn với vợ chồng em.

Em stress về việc này, mong chị giúp em một lời khuyên!

Thảo Chi (Long An)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thảo Chi mến,

Rõ ràng người đời không hiểu chuyện nhà em mà vẫn phán xét, thì tại sao ta lại phải quan tâm và tìm cách “giải quyết” những vấn đề họ tự nghĩ ra? Hãy bỏ họ sang một bên và tập trung vào những gì thuộc về trách nhiệm, tình cảm của mình, em ạ.

Tâm lý sợ khám bệnh, sợ tốn kém khá phổ biến ở người già. Nếu các em đã nói hết lời, thuyết phục mọi ngả vẫn không được, thì chỉ còn một cách là “cưỡng chế" thôi. 

Dựa vào tâm lý sợ tốn tiền của mẹ, em có thể “lấy độc trị độc". Trước mắt, em hãy báo với mẹ rằng ngày mai sẽ đưa mẹ đi khám bệnh. Bà có thể phản đối, nhưng em chỉ cần báo trước rằng các con đã lên kế hoạch và mẹ chỉ cần đến khám thôi. Đến ngày, hãy nói rằng mọi thủ tục đều đã được làm, tiền đã đóng sẵn để đăng ký khám, nếu mẹ không đi thì mất tiền.

Hãy tập trung các con lại để đưa bà đi cho bằng được, nhờ bác sĩ nói thêm với bà về khả năng bình phục nếu điều trị, khuyên giải bà về lối sống tuổi già với sự điều độ trong sinh hoạt, làm việc và sự cần thiết của việc đi kiểm tra sức khỏe.

Bên cạnh đó, hãy tỉ tê mỗi ngày với mẹ về việc giữ gìn sức khỏe, để sống lâu với con cháu. Hãy nói cho mẹ biết mẹ là tài sản lớn nhất với con cháu, nếu mẹ không thương mình, không chăm sóc mình mới là làm thất thoát, thiệt hại cho các con.

Hơn nữa, mẹ đã làm lụng cả đời, đã gầy dựng của để dành hiếm có để cho các con. Đến lúc này, mẹ không cần phải nghĩ về tiền bạc nữa, các con luôn đủ sức để lo cho mẹ.

Lưu ý là các con không nên tính toán chuyện làm ăn, hay bàn bạc về tài chính trước mặt mẹ. Hãy cho bà thấy các con đang sống ổn, đang dư dả để bà yên lòng phần nào.

Mong rằng mẹ em mau khỏe và gia đình em luôn an vui!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI