Qua rồi thời “trời sinh voi, sinh cỏ”

16/11/2024 - 06:11

PNO - Đó là câu nói của bạn tôi khi nghe người xung quanh xì xầm việc có chồng nhiều năm rồi mà chưa chịu đẻ con. Bạn nói: “Sinh con đúng là một đặc quyền của phụ nữ, nhưng điều quan trọng là con phải được khỏe mạnh, sống hạnh phúc, đóng góp cho xã hội”.

Y học phát triển, chị em có thể lựa chọn thời điểm thích hợp để sinh con. Tuy nhiên, càng chủ động việc sinh con và sự nghiệp càng được đặt lên bàn cân nhiều hơn. Kết quả là nhiều phụ nữ ưu tiên chọn phát triển bản thân, lo kinh tế trước. Lựa chọn này không sai, nhưng nếu mải mê chạy theo nó, mang thai ở độ tuổi quá trễ có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe cho cả mẹ lẫn con. Trì hoãn sinh sản cũng dẫn đến một số hệ quả về mặt dân số cho xã hội.

Trong hội thảo khoa học với chủ đề “Khuyến sinh bằng chính sách thiết thực, nhân văn” do Báo Phụ nữ TPHCM tổ chức ngày 15/10, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân - đại biểu Quốc hội, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM - thông tin, không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước đang phải nỗ lực giải quyết tình trạng tỉ suất sinh giảm.

hội thảo khoa học với chủ đề “Khuyến sinh bằng chính sách thiết thực, nhân văn” do Báo Phụ nữ TPHCM tổ chức ngày 15/10
Hội thảo khoa học với chủ đề “Khuyến sinh bằng chính sách thiết thực, nhân văn” do Báo Phụ nữ TPHCM tổ chức ngày 15/10

TPHCM có dân số đông, số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản cao nhất nước nhưng tỉ suất sinh lại khá thấp, là 1 trong 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp nhất cả nước. Khi lướt trên các trang mạng xã hội, chúng ta dễ thấy chị em lo tìm kiếm, chia sẻ sân chơi, sản phẩm “ngon, bổ, rẻ”, nhất là trường học chất lượng cho con, những khoản chi phí hằng tháng và kinh nghiệm chi tiêu. Tuy các gia đình có thu nhập khác nhau nhưng mức chi tiêu của một cặp vợ chồng có con nhỏ, sống ở thành phố lớn cũng không dưới 15 triệu đồng/tháng, trong khi thu nhập bình quân của mỗi người chỉ khoảng trên dưới 8 triệu đồng/tháng.

Do vậy, muốn phụ nữ sinh con để bảo đảm các chỉ tiêu về dân số, không đơn giản là thay đổi về số con mà quan trọng là biến mong muốn của các cặp vợ chồng và những hậu quả của tỉ suất sinh thấp thành áp lực để lãnh đạo các cấp đề ra chính sách phù hợp. Cũng có thể hiểu, sinh con là chuyện của chị em, nhưng đảm bảo các điều kiện để nuôi và dạy con chất lượng là trách nhiệm của toàn xã hội.

Cụ thể, cần có các chính sách hợp lý để giảm gánh nặng kinh tế cho các cặp vợ chồng, như hỗ trợ họ nuôi con đến 18 tuổi bằng chế độ lương, thời gian chăm sóc trẻ, giảm học phí, đảm bảo quyền lợi của lao động nữ, giúp phụ nữ yên tâm về việc làm, cơ hội thăng tiến, nâng cao chính sách bảo hiểm y tế đối với dịch vụ hỗ trợ sinh sản…

Khi các gánh nặng được giải quyết, phụ nữ sẽ ưu tiên cho việc sinh con bởi trong sâu xa, họ đều mong được làm mẹ. Y học chỉ giúp chị em linh hoạt và có cơ hội tốt nhất để sinh con chứ không thể giúp họ muốn có con lúc nào cũng được, càng không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối sinh con khi đã qua “tuổi vàng” sinh đẻ.

Ngày càng có nhiều trẻ được sinh ra bởi những kế hoạch, sự tính toán kỹ lưỡng của người lớn. Đã qua rồi cái thời “cứ đẻ đi rồi tính”, “trời sinh voi, ắt sinh cỏ”. Chúng ta cần nhận thức rõ việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục một đứa trẻ là trách nhiệm của gia đình và xã hội, cần đảm bảo con người là trung tâm để bảo đảm điều kiện tốt nhất cho trẻ phát triển toàn diện thể chất, tinh thần, đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội.

An Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI