Quà quý của cha mẹ

04/07/2022 - 16:57

PNO - Câu nói “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” như một sự trấn an tinh thần giúp mẹ luôn lạc quan vượt qua những khó khăn và rồi trao truyền tinh thần ấy cho các con.

Mẹ tôi hay nói “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Câu nói đó như một sự trấn an tinh thần để mẹ luôn bằng lòng với hoàn cảnh của mình, luôn sống bằng tinh thần lạc quan đến hết cuộc đời và lan truyền sang các con. 

Sáng nay, khi ngồi gọt vỏ bí đỏ để nấu món canh bí thịt bằm cho các con, tôi chợt giật mình nhận ra trong suốt quá trình nuôi dạy con, gần như tôi chỉ lặp lại những điều cha mẹ mình lúc còn sống đã làm cho các con. Không hiểu những điều đó đã ngấm vào tôi từ lúc nào mà như một lẽ sống tự nhiên. 

***

Mẹ tôi sinh ra ở khúc ruột miền Trung nên thừa hiểu cái đói do đất đai cằn cỗi đeo đẳng con người xứ đó như thế nào. Vậy nên câu nói “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” như một sự trấn an tinh thần giúp mẹ luôn lạc quan vượt qua những khó khăn và rồi trao truyền tinh thần ấy cho các con của mình.

Mẹ tôi đã vượt qua nhiều thử thách, biến cố kinh khủng nhất đời chính nhờ tinh thần đó. Mẹ từng phải sống tha hương, xa các con và phải làm lại từ đầu trong cảnh màn trời chiếu đất, sống dựa mảnh đất hoang cạnh chợ Đức Trọng - Lâm Đồng, rồi gầy dựng được căn nhà của riêng mình để sau này trở thành gia sản cho chúng tôi.

Chúng tôi đều hiểu điều ba mẹ cho mình là con chữ, không phải điều gì khác. Rồi gia sản ấy lại được chúng tôi nhen nhóm cho những quỹ dự phòng giúp đỡ anh em gặp khó khăn trong đời sống hay quỹ khuyến học của dòng họ. 

Cả đời mẹ tôi không biết đến thỏi son, chai dầu thơm hay đôi guốc cao gót nhưng bà luôn là hình mẫu cho chị em trong xóm vì làn da căng mướt, dáng đi khỏe khoắn, nét rạng rỡ trên khuôn mặt.

Mẹ luôn giữ nhà cửa sạch sẽ dù nền nhà đất bùn và bầy con bảy đứa lúc nào cũng quậy tơi bời. Sau này lập gia đình, tôi hay kể cho vợ tôi nghe về tính ở sạch của mẹ. Vợ tôi gần như học ngay và thành thói quen đến giờ, rồi vợ tôi lại dạy con gái tôi những nền nếp ấy. 

Mẹ tôi lúc còn sống thường trò chuyện cùng các cháu
Mẹ tôi lúc còn sống thường trò chuyện cùng các cháu

***

Tôi có rất nhiều kỷ niệm không thể quên. Chúng giúp tôi mạnh mẽ, hiểu biết và hoàn thiện mình hơn. 

Một lần, khi tôi đi hái rau cho heo bên rẫy, bên kia bờ rào bỗng vang lên tiếng trống trường. Liền sau đó, những đứa trẻ bằng tuổi tôi túa ra sân chơi đùa vui vẻ. Tôi cứ vậy đứng bần thần như vừa phát hiện một thế giới kỳ lạ. Tôi về nói với mẹ, mẹ liền nói với cha xin cho tôi đi học, dù gia cảnh lúc đó rất khó khăn. Sau đó là chuỗi ngày tôi cố gắng sưu tập đầy ắp giấy khen, phần thưởng, phần quà dành cho con nhà nghèo hiếu học… - lúc là những xấp vải trắng may đồng phục, lúc là những quyển tập còn thơm mùi hồ giấy…

Tôi biết cha mẹ rất vui vì sự nỗ lực của con mình.

***

Cha tôi người Tiền Giang, ông gặp mẹ tôi ở Phan Rang khi bà di cư cùng ông ngoại đến đó lập nghiệp. Cha có đôi mắt sáng như… hai đèn pin.

Mãi sau này về già, đôi mắt đó vẫn dõi theo tôi như dò chừng độ cứng cáp của tôi. Cha tôi vốn ít nói, mà nói thì nhẹ nhàng, sâu sắc. Ông hay dặn đám con: “Học giả như hòa như đạo, bất học giả như cảo như thảo” (Người có học như lúa như nếp, người không học như lau như cỏ).

Những lúc rảnh rỗi, ngồi uống trà, ông thường đọc các loại sách về đắc nhân tâm rồi bàn luận với các con. Ông rất thích một bài thơ của Bác Hồ, mà ở tuổi xế chiều, ông vẫn ngâm nga: 

“Gạo đem vào giã bao đau đớn 
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông 
Sống ở trên đời người cũng vậy 
Gian nan rèn luyện mới thành công” 

(Nghe tiếng giã gạo)

Cha mẹ luôn dạy chúng tôi những bài sống thanh sạch (Ảnh minh họa)
Cha mẹ luôn dạy chúng tôi những bài sống thanh sạch (Ảnh minh họa)

 

Hồi đó, cha tôi làm một cái tủ đựng sách vở cho các con, đứa lớn ngăn trên cùng, càng xuống thấp thì lớp càng thấp dần. Đứa nào cũng mong mỗi năm được lên ngăn mới để chứng tỏ mình đã lớn, được tin tưởng hơn và cũng được tự do, độc lập hơn.

Tuy nhiên, lớn hơn đồng nghĩa phải gánh trách nhiệm với “mấy ngăn tầng dưới” bằng việc thay cha dò bài, dạy học cho các em hay ý thức việc nặng thì sẽ làm thay em. Cái tủ đó bền vững như chính tuyên ngôn ông đưa ra cho các con là phải học, phải yêu thương đùm bọc nhau dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Đó là cái tủ có giá trị nhất, đẹp nhất, được đặt trang trọng trong phòng khách, nơi cả nhà sinh hoạt, vui chơi. 

Cha tôi có một cây roi mây luôn vắt ngang đòn tay nhà. Đứa nào phạm lỗi, ông bắt nằm sấp, quất thật mạnh vào mông. Tôi là đứa bị đánh nhiều nhất vì ham chơi nhất. Bây giờ, tôi rất biết ơn những trận đòn đã giúp tôi nên người. 

Cha luôn dành những phần ăn ngon nhất cho các con. Những phần ăn ngon lành ấy được ông biến tấu sau khi lượm lặt, gọt rửa lại từ đống rau củ bị đổ bỏ ở chợ. Chẳng ai thèm ăn mớ xương bò, xương cá thu… ở nhà máy đông lạnh quê tôi thải ra mỗi buổi chiều vì chúng chỉ còn xương, cùng lắm là một ít thịt bám dính. Họ đâu biết qua bàn tay khéo léo của cha tôi, khi hầm lên thì nước rất thơm, ngọt và béo ngậy. Mãi sau này hàng xóm phát hiện ra độ ngon của đám xương đó thì mới tranh nhau xếp hàng để lấy mang về nấu. 

"Ta chỉ hiểu được cuộc sống khi ngoảnh lại phía sau; nhưng để sống, ta phải tiến về phía trước".

Soren Kierkegaard

Cha tôi luôn tận dụng mọi thứ trong nhà một cách tuyệt đối. Với ông, gần như đồ vật phải… biến thành khói thì mới coi như… hết xài. Những đôi dép mòn thì thành miếng bố thắng xe đạp, thúng mủng sứt vành hay rách thì lồng hai ba cái vào nhau hoặc đan lại tiếp tục xài, khi không còn tái sử dụng được nữa thì đem nhóm bếp, chụm củi. Ông lượm tất cả những thứ thiên hạ bỏ đi để mang về tái chế, sử dụng. Kể cả cái ghế bố ông nằm nghỉ ngơi cũng từ đồ lượm mà thành. Ông dạy chúng tôi bài học “tiết kiệm thì không sợ thiếu”.

Cha tôi có thói quen uống một hai ly rượu đế sau khi các con đã ngủ, rồi nhả vài ngụm khói thuốc rê như để thư giãn, xua đi mệt mỏi sau một ngày dài vật lộn mưu sinh. Có khi đâu đó trong góc nhà vẫn còn nửa điếu thuốc đã được dụi tắt cẩn thận để dành hôm sau hút tiếp, bên cạnh là chai rượu nhỏ.

Sau này về già, được con cái chăm sóc chu đáo, ông vẫn không thay đổi thói quen đó. Mọi thứ phải để ông tự làm, tự thưởng thức. Có khi ông cũng nhận quà cho con cái vui nhưng rồi cất để dành cho đứa khó khăn hơn. Cha mẹ chưa bao giờ mong chúng tôi làm ông này, bà nọ để có thể nhờ vả lúc về già mà ông bà luôn hạnh phúc khi nghe tiếng con nói cười vui vẻ, thấy chúng bình an. 

Giờ đây, ánh mắt đăm chiêu của cha; giọng sang sảng giục các con tắm rửa, cơm nước, bài vở của mẹ mỗi chiều chỉ còn là kỷ niệm. 

Trương Thế Vinh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI