Nhiều người chọn tạm rời xa Sài Gòn để về quê tránh dịch, tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ, nhưng đa số vẫn ở lại Sài Gòn để làm việc. “Tao thèm được về quê quá”, lời của đứa bạn thân qua cuộc điện thoại như nói hộ suy nghĩ trong lòng tôi.
May mà chúng tôi không cô đơn bởi tình quê vẫn luôn đầy ắp trong những chuyến hàng mang đậm vị của đất, của trời quê hương mà cha mẹ gửi vào. Vẫn nhớ như in ngày lệnh cách ly xã hội được thông báo, trong khi bao nhiêu người chen chân đến chợ, siêu thị để mua đồ ăn dự trữ, tôi vẫn dửng dưng với chiếc tủ lạnh chỉ còn vài mớ rau, một ít cá thịt. Nhưng tại một vùng quê cách Sài Gòn 150km, đêm đó cha mẹ tôi trằn trọc đến mất ngủ.
Cuộc gọi lúc 9g tối, cha tôi thở dài, lo lắng trong nửa tháng tới liệu tôi có được ăn no, đầy đủ hay không. Tôi cười khì khì, bảo sẽ ổn thôi, vừa động viên mình, vừa để đổi lấy sự an tâm của hai mái đầu đã bạc trắng.
Tiếng chuông điện thoại vang lên lúc 5g sáng, trong cơn ngái ngủ, tôi lờ mờ nhận ra đó là giọng của chị mình. Thì ra, cả nhà đã dậy từ sớm để chuẩn bị một thùng thức ăn gửi lên Sài Gòn. Tôi chậc lưỡi, như một sự trách móc sao phải để cả nhà lo lắng cho mình như thế. Chị tôi nhanh nhảu: “Thôi, cứ phải làm, cho cha mẹ an tâm”.
|
Những thùng quà từ quê nhà mùa này luôn làm ấm lòng người con phương xa |
Sáng hôm ấy, chị tôi chạy khắp nơi với hy vọng có nhà xe nào đó hoạt động. Thời may, cách nhà tôi 15km, ông chủ xe vẫn chở hàng đi Sài Gòn và những thức quà quê đã kịp chuyến xe duy nhất trong ngày.
Chuyến xe hôm ấy, không chỉ có nhà tôi mà còn rất nhiều gia đình khác cũng gói ghém yêu thương cho người thân của mình, trong những thùng hàng được đóng gói cẩn thận. Chợt nghĩ chuyến hành trình này không đơn thuần là một sự dịch chuyển, mà đó là chặng đường kết nối những yêu thương.
Chúng ta dẫu có lớn đến thế nào vẫn luôn nhỏ bé trong vòng tay cha mẹ, câu nói “bất hủ” này chẳng bao giờ sai. Tôi vươn mình thức dậy khi mặt trời vừa ló dạng, mỉm cười trước hạnh phúc mà mình đang có.
Dịch bệnh khiến mọi thứ bị chia cắt bởi những khoảng cách nhưng tình thương chưa bao giờ bị ảnh hưởng. Bởi trái tim vốn có sức mạnh vô hình kỳ lạ, có thể đi xuyên không dẫu người ta đang ở cách xa nhau hàng trăm, hàng ngàn ki-lô-mét.
|
Những trái bầu xanh mướt, da căng bóng, ú nụ cũng vừa được hái buổi sớm mai trong vườn nhà tôi |
12g30, chuông cửa vang lên. Trước mặt tôi là một ông chú với chất giọng miền Tây đặc sệt cùng hai thùng hàng to tướng trên xe. Chỉ mấy âm thanh đơn giản thế cũng khiến lòng người xa quê dâng trào nỗi nhớ nhung kỳ lạ.
Tôi khệ nệ bưng hai thùng hàng lên đến lầu ba, mồ hôi đã nhễ nhại. Hai chiếc thùng được mở ra, ngỡ như có một cánh cửa thần kỳ nào đó đưa tôi về với quê mình.
Mớ hành lá với mùi hăng nồng đặc trưng xộc thẳng vào mũi, trên còn vướng mấy chỏm đất chưa kịp khô mà chỉ cần sờ qua dân miền quê sẽ biết ngay chúng vừa được nhổ lúc sớm mai. Đó cũng là mớ hành mà cha tôi trồng trên khoảng đất trống cạnh bờ mương xen lẫn mấy gốc mồng tơi - mới tháng trước trông còn èo uột, nay đã xanh tốt và cứng cáp. Thứ gia vị này không khó để tìm ở Sài Gòn, nhưng để có mùi thơm nồng như thế, dường như chỉ từ đất quê mà ra.
Trái bầu xanh mướt, da căng bóng, ú nụ cũng vừa được hái buổi sớm mai trong vườn nhà. Dây bầu này được cha tôi trồng cách đây gần hai tháng. Bầu xắt khoanh, nấu canh hoặc hấp với cá lóc đều ngon, thêm miếng hành lá, tiêu xay là đúng bài. Khi giở đến thùng thứ hai, đập vào mắt tôi là hai con cá lóc to đã được làm sạch ướp lạnh tươi rói.
|
Tôi đã tự đưa mình trở về quê hương trong chính mùi vị của nồi canh khổ qua mà tôi học lỏm được từ cách nấu của mẹ |
Mớ ốc bươu được gói gọn trong lá sen dày cộm, mẹ tôi cũng không quên để kèm mấy cọng sả tươi và lá chanh để món ốc luộc đậm đà hơn. Rồi rau lang, bí, mướp, dưa leo, tôm, tép, cá bống… đều được sắp xếp ngay ngắn, cứ ngỡ như một quầy chợ quê thu nhỏ. Mớ đồ ăn này có thể no bụng đến nửa tháng.
Tôi cũng chắc mẩm trong mớ hàng ấy sẽ có một bịch bánh tằm bì ăn kèm nước cốt dừa mằn mặn, món mà từ nhỏ tôi đã dành một tình yêu rất đặc biệt. Mùi thơm lừng của món khô cá sửu chưng thịt bằm, có gừng, tiêu, hành lá cũng khiến bụng dạ tôi cồn cào. Món này ăn với cơm trắng thì đúng bài. Biết tôi thích, lần nào tôi về quê, mẹ cũng chuẩn bị một phần, kèm chuối chát, rau thơm, để tôi gắp lia lịa đến khi no căng bụng.
Mớ trái cây cũng đa dạng không kém, nào xoài, nào mận, bưởi, chuối xiêm, mãng cầu… Tất cả đều từ vườn nhà tôi và vườn nhà nội. Mấy trái xoài cát vỏ đang ngả vàng ươm chợt khiến tôi nhớ những ngày còn bé, cứ hễ vào mùa xoài, chiều nào cũng cùng mấy đứa bạn hàng xóm trèo cây để hái trái chín ăn cho thỏa thích. Ngoài kia, Sài Gòn vẫn yên tĩnh nhưng lòng tôi lại chợt rộn ràng với những mớ ký ức đầy hạnh phúc.
Tôi sống ở Sài Gòn đã ngót chục năm tròn, cũng từng thử qua không ít món ngon vật lạ, nhưng vị của quê nhà bao giờ cũng được đặt ở vị trí đầu tiên và có phần thiên vị. Bởi đó không chỉ là món ăn để no bụng mà còn để trái tim được sưởi ấm giữa đất khách quê người. Giữa mùa dịch, những mùi vị ấy càng trở nên đặc biệt hơn. Trong từng mớ rau, con cá được đong đầy tình thương của đất của người.
Trong lúc lấy mớ cá thát lát tươi rói trộn với ít thịt bằm, chút hành, tiêu và ít gia vị để dồn vào mấy trái khổ qua xanh mọng, tôi chợt nghĩ về căn bếp quê nhà, nơi lúc nào cũng rộn rã tiếng cười nói của mẹ, của chị.
Ngày đó, cứ vào hè, mẹ tôi lại nấu món này, để giải nhiệt nhưng tôi không ăn được vì đắng quá. Cách đây vài năm, mẹ gửi lên một phần canh như thế. Trong nỗi nhớ quê, tôi làm một lèo hết sạch, không còn sợ vị đắng mà chỉ thấy cái ngon ngọt từ trong vị đắng ấy. Chiều nay, tôi sẽ tự đưa mình trở về quê hương trong chính mùi vị mà tôi học lỏm từ cách nấu của mẹ. Chuyến đi này thật đặc biệt.
Nồi canh chín nóng hổi, thơm phức, tôi để một phần cho mình, một phần dành cho đứa bạn thân. Mấy hôm nay, nó cứ than vãn về việc lương bổng bị cắt giảm trong mùa dịch. Thôi thì một chút tình nơi quê nhà ắt cũng làm ấm lòng người con phương xa, như tôi, như nó.
“Ba má mày gửi lên hả, coi bộ ăn ngon à”, nó cười giòn tan trong ánh nắng chiều đang dần tắt.
Thành Lâm